Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Từ vụ cô giáo tự tử, nghĩ về quy tắc ứng xử trong nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trường học là nơi thể hiện được môi trường lành mạnh, mẫu mực nhất trong giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Mọi biểu hiện, hành vi, phát ngôn lệch chuẩn mực đều có thể đem đến ảnh hưởng xấu nhất định, nhất là đối với học sinh. Chỉ cần thầy cô to tiếng với nhau; lãnh đạo có biểu hiện không công bằng, “lạnh lùng” với giáo viên; giáo viên thiếu sự “đồng lòng” với ban giám hiệu… đều không thể che mắt được học sinh và phụ huynh. Và khi ấy lòng tin của người học vào nhà trường, vào thầy cô sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.

Sự việc giáo viên uống thuốc tự tử trước mặt hiệu trưởng vừa xảy ra ở một trường THCS, chưa nói đến đúng sai, được xem như là “giọt nước tràn ly” về những bức xúc mà nguyên nhân sâu xa là thiếu sự tuân thủ các quy tắc ứng xử trong nhà trường. Nó là cú sốc rất lớn cho tập thể sư phạm nhà trường và cho học sinh trường này. Nhà trường dạy học sinh nên người, biết yêu quý, trân trọng bản thân. Nhưng trong những phút nông nổi, giáo viên không kiềm chế được bản thân, có hành động như trên thì thật là đáng tiếc, đáng trách! Thực tế là từ trước đến nay đã có không ít những chuyện chẳng hay ho diễn ra trong môi trường học đường. Điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi về tác dụng của bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường mà Bộ GD-ĐT đã ban hành có hiệu quả đến đâu? Trong Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục có các điều khoản quy định về cách ứng xử giữa lãnh đạo với giáo viên, và ngược lại. Cụ thể, với lãnh đạo, khi ứng xử với giáo viên, nhân viên thì: “Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên; nghiêm túc, gương mẫu, đồng hành trong công việc; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên; đoàn kết, dân chủ, công bằng, minh bạch. Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi (mục 2, điều 5). Với giáo viên, nhân viên, khi ứng xử với cán bộ quản lý: “Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý (mục 2, điều 6).

Các điều khoản đã có quy định rất rõ ràng. Chỉ tiếc là, cách ứng xử ở hầu hết trường học hiện nay đều theo “lệ” chứ chưa tuân thủ theo “luật”. Nếu muốn hạn chế các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, nhà trường cần thường xuyên đưa các quy tắc này vào cuộc sống, chứ đừng để nó tồn tại trên giấy.

Trần Nhân Trung

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)