Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Từ xe nước mắm nuôi 6 con vào ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nhớ đang thực hiện công đoạn ủ mắm
Nhắc đến gia đình ông Phan Tấn Lợi và bà Phạm Thị Nhớ, người dân xã miền biển bãi ngang Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đều biết đến nghề làm nước mắm ngon nức tiếng của họ. Và hơn thế, từ xe nước mắm bán mỗi ngày, vợ chồng ông bà đã lần lượt nuôi 6 đứa con học ĐH…
Nghề cứu cánh áo cơm
Giữa trưa nắng chang chang, ông Lợi và bà Nhớ vẫn cặm cụi kiểm tra từng lu mắm. Bà Nhớ cho biết: “Sống bên biển thì gắn nghiệp mưu sinh với biển. Xưa, phương tiện đánh bắt cá còn thô sơ, chủ yếu là những chiếc thuyền thúng đánh bắt gần bờ. Cánh đàn ông ra biển, phụ nữ ở nhà buôn bán cá, lấy cá làm mắm, nước mắm để bán kiếm đồng vô đồng ra. Nghề làm nước mắm của người dân vùng biển bãi ngang này cứ thế truyền từ đời này sang đời khác”. Bà Nhớ không nhớ mình là đời thứ mấy trong gia đình giữ nghề. Chỉ biết, năm 12 tuổi, bà bắt đầu học cách làm nước mắm từ mẹ. Nghề làm nước mắm được xem là cứu cánh áo cơm cho cả gia đình trong mùa đông giá rét khi người đàn ông không thể ra khơi mùa biển động. Lớn lên chút nữa, bà lập gia đình với ông Lợi – một chàng ngư phủ cùng quê, rồi sinh liền tù tì 6 đứa con. Nghề làm nước mắm càng gắn bó hơn với gia đình. “Ban đầu, tận dụng nguồn cá ông ấy đi đánh bắt về, rồi mua thêm một ít, mỗi đợt tôi làm cỡ từ 1-1,5 tấn. Nước mắm làm ra chất lên xe đạp chở đi bán khắp nơi. Nhờ đó mà tôi nuôi nổi cả gia đình 8 miệng ăn”, bà Nhớ nói.
Với kinh nghiệm trong việc chọn cá làm mắm, rồi cách pha chế, ngâm ủ hợp lí, nước mắm của bà Nhớ được nhiều người tiêu dùng biết đến. Tiếng lành đồn xa, xe nước mắm của bà đi tới đâu cũng được khen và bán hết. Không chỉ quanh vùng quê huyện Gio Linh mà tiếng lành còn vang tới các tỉnh lân cận như Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình… Khi đầu ra dễ tiêu thụ, bà Nhớ bàn với chồng mạnh dạn đầu tư quy mô lớn hơn. Đó là năm 2005. Ông bà mở rộng diện tích làm mắm hơn 800m2, công suất chế biến từ 30-50 tấn/năm; giải quyết việc làm cho hơn 8 công nhân có tay nghề…
Nuôi 6 con học ĐH 
“Cứ trung bình mỗi tháng hai vợ chồng tôi kiếm cho đủ gần 15 triệu để gửi cho các con. Có lúc nhận thư các con là hai vợ chồng chia hai ngả đi vay mượn khắp nơi”, bà Nhớ cho biết.
Ở cái xứ biển này, nếu không có thuyền lớn để vươn khơi thì việc kiếm được cái ăn quanh năm đã là điều khó, nói chi đến chuyện làm giàu. Đó là chưa kể những lúc biển bạc, người đi không về. Muốn thoát cảnh nghèo không còn cách nào khác hơn là phải học chữ. “Mình cực đã đành, tuổi trẻ đi qua thời kì đất nước còn khó khăn, nay đời các con phải khác”, bà Nhớ hay nói với chồng như vậy rồi động viên các con cố gắng ăn học. “Cuối mỗi năm học thấy con đạt điểm cao, được lên lớp, hai vợ chồng vừa mừng vừa run. Chưa kịp vui trọn vẹn thì lo chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền cho con vào nhập trường”, ông Lợi trải lòng. Không chỉ chăm học, 6 đứa con của ông bà đều học giỏi, có đến 4 đứa thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị). Thấy con học hành giỏi giang, nhiều đêm hai vợ chồng thức trắng, cùng ước có tiền mua một căn nhà cấp 4 ở TP.Đông Hà cho các con ở lại; bởi đường từ nhà đến trường xa hơn 20km, đạp xe đi về vất vả; còn tiền thuê nhà trọ thì cũng không hề nhỏ. Ước vậy thôi chớ hồi đó, gánh nước mắm của bà nếu may lắm tiền lời cũng chỉ đủ đóng học phí cho các con. Trong khi con ông bà lại chỉ cách nhau có 2 tuổi, đứa này chưa kịp ra trường thì đứa kia đã nối gót vào, tiền học vì thế cứ tiếp nối với bao nhiêu khoản phải đóng…
Hết cấp 3, các con lần lượt đỗ vào các trường ĐH, gánh nặng lại càng oằn lên vai ông bà. “Cứ trung bình mỗi tháng hai vợ chồng tôi kiếm cho đủ gần 15 triệu để gửi cho các con. Có lúc nhận thư các con là hai vợ chồng chia hai ngả đi vay mượn khắp nơi”, bà Nhớ cho biết. Sự nỗ lực của ông bà được đền đáp bằng tương lai tươi sáng của các con. Ông Lợi phấn khởi khoe, cuộc sống nay tương đối ổn định, một đứa hiện làm giảng viên Trường Trung học Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, một đứa là kiến trúc sư làm việc ở Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Phân viện miền Trung), đứa khác là kỹ sư xây dựng làm việc tại TP.HCM. Hiện ông bà còn hai đứa con đang học ĐH Xây dựng và Học viện Quân y. Riêng em Phan Văn Anh, hai năm trước tốt nghiệp ĐH Thương mại, chưa kịp xin việc thì đã tự nguyện viết đơn nhập ngũ, vinh dự được kết nạp Đảng, cuối tháng 7 này sẽ biên chế ra đảo Cồn Cỏ làm nhiệm vụ. “Hai vợ chồng tôi sắp hoàn thành nhiệm vụ rồi”, bà Nhớ nói. Nói rồi bà đưa tay chỉ lên tường, nơi treo đầy những tấm bằng khen của các con. Ở đó chúng tôi thấy có thêm tấm bằng khen Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc do Bộ VH-TT&DL tặng năm 2007. Bà Nhớ cho biết đó là tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Phải giữ lấy nghề truyền thống
Chúng tôi hỏi bà Nhớ có tính chuyện nghỉ ngơi sau khi các con đã có công ăn việc làm ổn định không? Bà bảo: “Tôi mở rộng quy mô một phần cũng vì muốn giữ gìn nghề truyền thống cha ông, đưa sản phẩm đi xa hơn để nhiều người biết đến cái nghề từng là cứu cánh của rất nhiều cư dân miệt biển. Vả lại, nhờ nghề này mà con cái thành đạt thì cũng phải giữ lấy để mai này các cháu còn nhớ nơi mình đã lớn khôn”. 
 
 

Bình luận (0)