Nơi ấy còn có những khoảng tối: con chưa giao tiếp được, bị bắt nạt, không theo kịp bạn, ăn món con chưa quen… Trái tim người mẹ lại bao phen nẩy lên…
Sáng sớm bạn gửi tấm hình vào inbox: “Con mình đi học rồi nè cậu. 22 tháng rồi hén! Cũng nhanh! Con đi lớp mấy hôm rồi mà mẹ chưa hết hồi hộp”.Tin nhắn của bạn như sự chia sẻ lo lắng âm thầm của một phụ huynh với một cô giáo, là tôi.
Hình minh họa |
Tự nhiên tôi thương con bạn con mình, thương những người mẹ nắm tay con đưa vào cổng trường mỗi sáng. Thật tình chỉ có ai từng làm mẹ mới hiểu cảm giác của những cái buông tay gửi gắm con cho người khác- đặc biệt là những ngày đầu.
Đôi khi trong những lúc rỗi rãi vu vơ, tôi chợt nghĩ sao thượng đế lại thử thách người đàn bà nhiều quá thể? Một người mẹ mang thai con phải nói là một sự quá sức.Cho đến bây giờ, sau hai lần mang sinh con, tôi vẫn không cách gì ngăn lòng thương cảm tận cùng khi nhìn thấy những mẹ bầu khệ nệ ôm chiếc bụng tròn căng!
Những khi ấy, tôi dường như nghe thấu hơi thở hắt lên nhọc nhằn. Tôi dường như cảm nhận được rất rõ những cơn nhộn nhạo dợn ói. Tôi dường như nghe cơn ớn lạnh, cơn choáng váng sượt qua khiến đôi chân chực khuỵu xuống.
Tôi dường như thấy lại chính mình, những đêm thức trắng ôm bụng, đọc hết trang sách này đến trang sách khác mắt cay xè mỏi mong không thấy giấc ngủ đến tìm.
Sinh con và rồi những tháng ngày nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh cho đến chập chững biết đi, biết ăn, biết nói, biết chơi… cũng là một hành trình mẹ phải vắt đến giọt sinh lực cuối cùng.
“Mới đây mà đã 22 tháng, Cũng nhanh mà!” Bạn tôi nói nghe nhẹ tênh thế thôi, nhưng hành trình nuôi con làm gì nhẹ nhàng đơn giản vậy? Có những lúc con sốt con quấy thức cả đêm là lúc mẹ ôm con một mình tay chân mỏi nhừ, mà xung quanh ai ấy đã ngủ say yên ắng?
Có những lúc ngồi làm việc, bầu sữa căng tức, không dưng ứa nước mắt chẳng hiểu vì thương con hay thương mình? Có những ngoài đường trong cái nắng hanh hao bỏng rát, là lúc thèm khủng khiếp việc mình có thật nhiều tiền chỉ để khỏi bươn bải, cả ngày ở nhà chăm bẵm, chơi “chi chi chành chành với con”.
Hình minh họa |
Rồi đến lúc cầm tay con, trao cho người khác khi biết rằng bản thân mình không đủ mang hết cả thế giới đến cho con cũng là một thử thách quá sức với mẹ. Đứa trẻ mới hôm qua vẫn còn trong tầm tay của mẹ, của ba của ông bà – nơi tình yêu thương hiện hữu là chắc chắn.
Hôm nay nhìn con lũn tũn mang ba lô bước qua cánh cổng trường khép chặt, tất cả là một thế giới khác, nơi đó tình yêu thưong cần thời gian và gầy dựng. Nơi ấy còn có những khoảng tối: con chưa giao tiếp được, bị bắt nạt, không theo kịp bạn, ăn món con chưa quen… Trái tim người mẹ lại bao phen nẩy lên ngỡ như ai vừa cướp đoạt khỏi lồng ngực mình!
Trẻ con tựa hồ như dòng suối, chỉ biết mải mê chảy về phía trước, cho nhanh cho xa, đi đến nơi thật rộng, thật hấp dẫn, liệu các con có hiểu thấu nỗi buồn, nỗi bơ vơ, sự lo lắng phập phồng của dòng thượng nguồn ở tít trên cao?
Hơn 20 năm đứng lớp tôi nhận thấy các em bây giờ có yêu thương cha mẹ, nhưng tình yêu ấy chưa là sự là nỗi thấu cảm sâu sắc. Chưa biến thành sức mạnh để giúp các con bay cao bay xa.
Đôi khi các em chỉ nghe thương yêu hời hợt, nghĩ trách nhiệm của phận làm con thế thôi. Thế nên, thật tình, đã rất nhiều lần tôi ước ao làm sao cho trẻ được thực học về tình yêu thương về lòng biết ơn về cách sống nghĩ đến cảm giác của người khác bằng chính sự trải nghiệm, bằng những tâm sự thiết tha của người trong cuộc chứ không phải bằng những bài học thuộc bài trả bài!
Bất cứ khi nào có dịp là tôi tâm sự với học sinh mình về cảm giác của một người mẹ – của chính tôi. Không lần nào tôi ngăn được nghẹn ngào trong âm giọng, dù cố gắng.
Tôi muốn các em hiểu sâu sắc nỗi lòng của những người mẹ người cha khi đưa các em đến trường. Biết bao yêu thương và kỳ vọng, biết bao gởi gắm và cậy trông.
Ta không thể nào – nếu còn lương tri, còn tình người – lại có thể phụ những tấm lòng thiết tha như thế.Tôi đã thấy những em học sinh của tôi chăm chú ngồi nghe, ánh mắt lóa sáng hàm ơn thiết tha.
Tôi đã thấy có cả những ánh mắt cụp xuống như chợt nhận ra mình đã sai trái điều gì…Và mỗi lần như thế là một lần, như có sợi dây bền chặt níu tôi, đồng nghiệp tôi –những người làm nghề giáo – nỗ lực chống đỡ, giữ mình giữ nghề mỗi ngày khi ngành giáo dục có biết bao sóng gió, thậm chí là bão tố.
Hình minh họa |
Và mỗi lần như thế niềm vui cũng như lòng tin về những gì tốt đẹp đằng sau cánh cổng trường vẫn còn và sẽ nâng đỡ cho con mình được củng cố thêm.
Rồi sẽ có một ngày, những người mẹ nắm tay con như bạn tôi, đưa vào trường ngày khai giảng an tâm tin tưởng hoàn toàn. Nơi ấy, trẻ như cây con, sẽ được chăm bón đủ đầy từ kiến thức đến tâm hồn vươn vai trưởng thành vững chãi. Chúng ta mong sẽ có ngày tốt đẹp như thế…
Loan Duyên/ PNO
Bình luận (0)