Công nhân tuần đường trên cung đường đèo Hải Vân, không ai là không thuộc nằm lòng câu ca: “Gió hầm 3, ma Hòa Khánh”. Ngần ấy đủ để hình dung được sự heo hút, khó khăn hiểm trở trên cung đường mà nghề đi tuần phải đối mặt mỗi đêm, mỗi ngày…
Tàu qua đỉnh Hải Vân |
Nghề dán mắt xuống đường ray
Xế trưa, Nguyễn Văn Chung (34 tuổi), quê Quảng Nam, xuất hiện phía Nam cửa hầm số 13, đôi chân bước đều đặn trên đường ray, cách cung Hải Vân 3 tầm chưa đầy trăm mét là kết thúc ca làm với 20 cây số vừa đi qua, mắt không rời khỏi hai hàng ốc vít cố định thanh ray. Chung vào nghề 12 năm. Trước làm đội công nhân duy tu sửa chữa đường sắt. Đầu năm 2018 thì chuyển qua tuần đường. Cũng ở cung đèo này. Chung kể: “Năm 2006, 22 tuổi, học xong sơ cấp đường sắt thì vào nghề. Nhà có ba trong nghề duy tu, tuần đường nên em nối nghiệp. Tuổi trẻ nhiệt huyết muốn lên đèo để trải nghiệm cuộc sống. Nay thành quen rồi, không còn cảm giác sợ mỗi khi đi tuần gặp rắn, rết”. Chung nói nhẹ hều. Nhưng có được điều đó hẳn phải lạc quan lắm. Chẳng thế mà kiểm lại, lớp Chung có tới 40 đứa, nay chỉ còn tầm chục đứa theo nghề công nhân đường sắt này vì vất vả. Đó là chưa kể thêm nỗi vất vả khi công tác trên đèo heo hút gió này. Kể ra, chung còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp. “Ở cung, duyên số cho em gặp ba vợ, ổng làm mai rồi gả con gái cho. Ba vợ chọn rể chứ em ở giữa mây mù gió núi này, lấy đâu ra thời gian đi tìm hiểu. Ngày đó mỗi lần muốn nói chuyện cũng không dễ như giờ. Nhớ nhau quá thì gọi bằng điện thoại đường dây dưỡng lộ về công ty đóng ở phố để xin gặp. Nhưng lần đầu thôi, lần sau biết mình gặp người yêu, người ta cũng không cho gọi nữa. Nhiều khi ba vợ tình nguyện thế ca cho em về gặp vợ. Nhờ rứa mà yên bề gia thất”, Chung kể.
“Nghề tuần đường nhìn qua tưởng như đi chơi nhưng là nghề vất vả nhất nhì trong các công việc của đường sắt ở đỉnh đèo này. Thức đêm lồi cả mắt. Đi tuần đêm mưa gió, rắn rết, đường đèo sạt lở, tàu ngược chiều rất khó lường. Nhiều lúc đi tuần gặp gió bão, không thể ngồi chờ ngớt gió vì sẽ trễ giờ đổi thẻ, giao ca buộc phải bò qua đường sắt mà đi. Vừa bò vừa để ý ốc vít, ốc lỏng thì siết lại, đường ray có sự cố gì còn kịp sửa chữa, báo cáo để đảm bảo an toàn”, anh Phan Viết Định, hơn 50 tuổi, 33 năm trong nghề nói. Tròn 11 năm kể từ khi chuyển công tác từ ga Thừa Lưu – một ga vùng khó của Huế lên ga Hải Vân 2 trên đỉnh đèo Hải Vân, trong trí nhớ của anh, cái khó của Thừa Lưu chưa ăn nhằm gì so với chốn đỉnh đèo này. Anh chỉ tay về phía túi hứng gió hầm số 12 – nơi mệnh danh là hầm 3 trong câu ca ấy (tức hầm thứ 3 kể từ hầm số 14 trở ra phía Huế). Thời tiết khắc nghiệt, mây phủ bốn mùa rất lạnh, nên ở đèo, thuốc lá, nước chè xanh là thứ không thể thiếu để chống chọi với cái lạnh đêm khuya trên đường đi tuần.
Giao thừa trên đỉnh núi
Xa nhà là từ thường trực với anh em tuần đường sắt trên đỉnh Hải Vân. Nguyễn Đình Thuần, 34 tuổi, quê Hà Tĩnh, nhân viên tuần đường cung Hải Vân 3 nói: “Nghề tuần đường xa nhà quanh năm, xa cả trong ngày Tết. Hai năm rồi em chưa được đón Tết ở quê vì trúng ca trực vào dịp Tết. Nhà vợ con ở Đà Nẵng, sau khi xuống ban còn tranh thủ về được nhưng ba mẹ ở quê thì phải dành lại thời gian phép trong năm chứ Tết không tài nào về được”. Thuần nhẩm tính, hơn chục năm vô nghề, 7 năm chưa về quê ăn Tết cùng ba mẹ!
Ở cung Hải Vân 3, cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Nguyễn Quý. Hơn 52 tuổi, anh vào nghề 33 năm. “Năm 1985 vào nghề, tôi làm ở Đội cầu 32, có mặt khắp nơi từ Chu Lai, Tam Kỳ (Quảng Nam) cho đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế)… Năm 1988, anh chuyển về Cung Hải Vân 3. Hai năm sau anh sang làm tuần đường. Ngày đó tuần đường chỉ mỗi ngọn đèn dầu hiu hiu. Mưa đèo gió núi, đèn tắt giữa đường là chuyện thường. Gió lớn nhiều lúc bật lửa thắp đèn mãi không lên. 14 cây số cả đi lẫn về, người tuần đường đối mặt với muôn vàn trắc trở, gặp gió lớn thì phải ôm đường ray bò qua mà đi cho kịp giờ giao ca. Quan trọng hơn là mình không kịp đi kiểm tra, lỡ gió mưa làm sạt lỡ lại gây nguy hiểm cho tàu sắp qua”. Gần 30 năm trong nghề tuần đường, đã hơn ba lần anh buộc phải đặt pháo báo hiệu sự cố sạt lỡ để tàu kịp dừng. “Những năm của thập niên 90, thế kỷ trước, đèo heo hút, chưa có taluy dương chắn sạt lở như bây giờ. Điện thoại không có nên tuần đường phải rất vất vả. Gặp sự cố phải đặt pháo xử lý kịp thời để tránh tai nạn”.
Cung trưởng cung Hải Vân 2, Nguyễn Hải Triều chia sẻ: “Nghề tuần đường, duy tu vất vả, nhất là trên đèo thời tiết khắc nghiệt. Thời gian nghỉ xuống ban rồi cũng không yên. Hễ thấy điện thoại đổ chuông số cung gọi là thót tim. Nhiều lúc vừa về đến nhà, nghe báo có sự cố sạt lở đã phải đi bộ trở ngược lại đèo… Nhưng theo nghề thì phải sống với nghề!”. |
Anh Quý kể, từ khi chuyển sang tuần đường từ năm 1990 đến nay, duy nhất một năm anh về ăn Tết với vợ con, còn lại đón giao thừa trên đèo. “Mấy năm đầu vợ tôi cũng cằn nhằn Tết nhất mà vắng nhà, nhưng rồi bà ấy cũng thông cảm cho nghề của mình. Sống trên đỉnh đèo quen rồi, mỗi ngày nghe thanh âm tàu đi qua cũng quen rồi, giây phút giao thừa đi tuần, thấy tàu ngang qua, hành khách và đồng nghiệp đưa tay vẫy chào năm mới tự nhiên thấy ấm áp và yêu giây phút đó lắm. Hai mấy năm nhận nhiệm vụ ca đêm giao thừa, cảm giác ấy vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên vậy!”, anh Quý bộc bạch.
Có một điểm chung là phần lớn, những nhân viên, công nhân tuần đường, duy tu trên đỉnh Hải Vân đều nối nghề từ các thế hệ trước, và họ trụ lại với nghề, vượt qua vất vả, thiệt thòi bằng tình yêu và niềm tự hào đó. Nên trong khi nhiều bạn bè trang lứa đã rẽ theo hướng khác thì họ vẫn ở lại với nghề dán mắt xuống đường ray từng mét một mỗi ngày.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)