Trong tuần từ 7 – 13.5, miền Bắc và miền Nam đang trong giai đoạn chuyển mùa với những cơn mưa giông về chiều và tối.
Đã bắt đầu có những cơn mưa chuyển mùa
Miền Bắc từ hôm nay đến thứ ba tuần sau (10.5) nắng nóng vẫn khá gay gắt ở vùng phía tây bắc với nhiệt độ 35 – 37 độ C, phía đông ít nóng hơn. Sau đó, do rãnh áp thấp gây ra thời tiết chuyển xấu từ thứ tư đến thứ bảy, mưa giông diện rộng hơn, có nơi mưa khá lớn, nhất là vùng núi phía bắc có nơi mưa vừa mưa to. Chú ý đề phòng khả năng có tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh trong cơn giông.
Miền Trung thời tiết nắng nóng do hiệu ứng phơn, từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi 36 – 38 độ C, chiều tối có mưa rào vài nơi. Khu vực này cũng cần đề phòng giông sét, lốc xoáy và mưa đá, nhất là vùng núi tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, mùa khô hạn còn kéo dài.
Tây nguyên và Nam bộ đang chuyển mùa, từ thứ bảy đến đầu tuần sau ban ngày trời nắng nóng và rất oi bức, chiều tối có mưa rào và giông và xu hướng này sẽ tăng dần, nắng nóng rồi mưa giông xen kẽ, một số nơi mưa khá lớn như Lâm Đồng, Bình Phước, phía bắc tỉnh Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang nhưng do bốc hơi mạnh và không có mưa liên tục nên khô hạn vẫn nghiêm trọng.
Từ thứ tư đến cuối tuần nắng nhiều, ít mưa trở lại nên nóng và oi bức tăng thêm. Nhiệt độ cao nhất ở miền Đông 37 – 39 độ C, miền Tây và Tây nguyên 35 – 37 độ C, độ ẩm tăng dần, trung bình 80 – 90%, thấp nhất 50 – 60%. Những cơn giông chuyển mùa sau 6 – 7 tháng khô hạn có cường độ mạnh và tiềm ẩn nguy hiểm do sét đánh, lốc xoáy, gió giật mạnh và có nơi xảy ra mưa đá.
Do vậy, khi thấy trời chuyển có mây đen kéo đến thì phải tìm ngay nơi trú ẩn một cách an toàn, nhất là đối với bà con nông dân làm việc ngoài đồng trống.
Về tình hình xâm nhập mặn, do mực nước lên lại theo kỳ triều cường cuối tháng 3 âm lịch, độ mặn vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hàm Luông lên lại theo triều. Cần theo dõi tình hình diễn biến xâm nhập mặn trên các sông trong tuần để kịp thời phục vụ sản xuất.
Trong giai đoạn giao mùa, diễn biến sâu bệnh đối với lúa, hoa màu và cây ăn trái khá phức tạp ở miền Nam. Bà con cần làm sạch cỏ dại trong ruộng và các bờ bao, bón thêm Ni-Ca vào giai đoạn 40 – 45 ngày sau sạ, giúp lúa cứng cáp, khỏe mạnh, hạn chế được sâu, bệnh phá hại.
Bên cạnh đó, mặn vẫn còn ảnh hưởng từ nay đến gần cuối tháng 5, gây hại cho nhiều vườn cây ăn trái, nhất là đối với sầu riêng và măng cụt. Bà con tranh thủ lấy nước vào lúc triều kém, sau những cơn mưa to, khi độ mặn giảm xuống dưới mức gây hại để giải độc cho vườn cây trái.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan/TNO
Bình luận (0)