Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Túi nilon thông thường: Khó thay đổi thói quen của người sử dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân vẫn dùng túi nilon thông thường trong giao dịch mua bán (ảnh chụp tại chợ Vườn Chuối, Q.3)
Hạn chế dùng túi nilon thông thường, thay vào bằng việc sử dụng các loại túi thân thiện là biện pháp bảo vệ môi trường. Nhưng thói quen dùng loại túi nilon của người dân vẫn chưa thay đổi, mặc dù có không ít hoạt động tuyên truyền từ nhiều năm nay.
Số người dùng túi thông thường vẫn nhiều
Sau nhiều đợt tập huấn về tác hại của túi nilon thông thường; tuyên truyền người dân sử dụng túi thân thiện và sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm của một số cơ quan ban ngành thì ý thức người dân được nâng cao. Nhưng số lượng túi thân thiện được dùng lại không nhiều. Đơn cử như Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, khi thực hiện công tác này đã đưa chỉ tiêu cụ thể là mỗi phường xã chọn một chợ, hoặc một tuyến đường có nhiều cửa hàng bán lẻ để tuyên truyền, vận động; phấn đấu đến năm 2013 đạt 50% trở lên tiểu thương hưởng ứng. Song kết quả hiện tại, khu vực chợ vẫn còn dùng đến 98% các loại túi thông thường, khu vực trung tâm thương mại dùng lên đến gần 71%… 
Qua quan sát của chúng tôi tại chợ Vườn Chuối (Q.3), Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) thì người dân dùng túi thông thường đựng hàng hóa còn chiếm đa số. Bất cứ một món hàng dù nhỏ hay lớn đều dùng 1 túi để đựng, một số loại khác như thịt, cá dùng đến 2, 3 túi đựng cho “an toàn”, khách hàng có nhu cầu xin thêm người bán sẵn sàng cho ngay. Vì thế muốn tìm kiếm hình ảnh người dân dùng túi thân thiện quả không dễ chút nào.
Chị Hoàng Bích Liên, chủ sạp bán rau chợ Vườn Chuối chia sẻ: “Đặc tính của túi thông thường là nhẹ, dai, bền, không thấm nước, đựng được nhiều loại  hàng hóa nên người mua vẫn thích dùng. Đặc biệt giá thành túi khá rẻ, chỉ hơn chục ngàn đồng/kg, lại dễ mua chứ không khó như mua túi thân thiện. Vì thế bản thân chúng tôi là người bán hàng cũng thích sử dụng các loại túi thông thường này”.
Chị Hồ Thị Tường Vy (nhà ở Q.Tân Bình) đang đi chợ Phạm Văn Hai mua thức ăn, chị cho biết: “Chúng tôi đã được khuyến khích mang các loại giỏ nhựa, các loại túi tự hủy sinh học, túi thân thiện thay cho túi nilon thông thường. Nhưng các loại giỏ, túi tự hủy sinh học chỉ đựng được đồ khô ráo, đóng hộp, chứ đối với các loại thịt động vật bắt buộc phải sử dụng túi nilon thông thường thôi. Loại này tiện dụng, đựng được nhiều, về nhà lại dễ phân loại thức ăn. Còn đối với loại túi thân thiện, theo tôi thấy hiện nay chỉ dùng trong các siêu thị, ở ngoài chợ thì không thấy. Trong khi đó bản thân người bán hàng phát đựng miễn phí thì lấy lí do gì mà người mua không dùng”.
Tính ra mỗi ngày, gia đình chị Tường Vy thải ra trên dưới 10 loại túi thông thường. Phần lớn túi dùng 1 lần rồi bỏ đi, ít khi được giặt giũ phơi khô dùng lại. Chỉ những túi đựng đồ sạch, khô ráo như quần áo, mỹ phẩm… thì chị mới cất đi dùng lần 2. Trong nhà, nhiều đồ đạc lặt vặt cũng được chị dùng túi thông thường cất đựng, thậm chí lâu nay chị thường mua túi về để đựng rác thải. Đây còn là đặc điểm chung của nhiều hộ gia đình khác.
Còn nhiều khó khăn
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, ước tính mỗi năm trên thế giới tiêu thụ 500-1.000 tỷ túi nilon. Riêng tại TP.HCM mỗi năm thu 2-3 tỷ túi được tiêu thụ, mỗi ngày có khoảng 50-70 tấn thải ra, chiếm đến 2% diện tích bãi chôn lấp.
Đặc điểm của túi thân thiện là có khả năng tự phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian 2 năm, phân hủy hoàn toàn trong 5 năm, sản phẩm cuối cùng là CO2 và H2O. Còn với loại túi nilon thông thường, được sản xuất bởi nhựa polyethylene, có nguồn gốc từ dầu mỏ nên thời gian phân hủy tự nhiên trong môi trường của túi này phải mất từ 500-1.000 năm. Đặc tính này khiến túi rút ngắn tuổi thọ bãi chôn lấp rác, gây tốn kém kinh phí xử lí; làm mất mĩ quan đô thị, gây tắc cống nước khi vương vãi trên đường, kênh rạch, sông ngòi. Nếu sử dụng biện pháp đốt thì không tránh được việc sinh ra nhiều khí độc hại đến môi trường xung quanh…
Trước kia, túi thông thường thải ra môi trường luôn có những cơ sở thu gom tái chế lại. Đây là biện pháp vừa tiết kiệm kinh phí sản xuất lại vừa bảo vệ môi trường. Nhưng do lợi ích thu lại quá thấp nên hiện nay hầu như không còn những đơn vị này, vì thế bắt buộc các công ty phải chôn lấp. 
ThS. Ngô Nguyễn Ngọc Thanh (Phó giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường thành phố) lo ngại: “Hiện có đến 100% các siêu thị sử dụng túi thân thiện, song tại các khu vực chợ, cửa hàng bán lẻ… vẫn dùng nhiều túi thông thường. Việc sử dụng quá mức và thải bỏ không đúng quy cách dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tốn kém tiền bạc cho việc xử lý”. Bà cho rằng, mọi công tác vận động tuyên truyền giúp người dân biết đến vai trò của các loại túi thân thiện đã đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen dùng túi thân thiện lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do túi thông thường đa dạng mẫu mã, dễ in ấn, sản xuất. Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường vẫn có nhiều loại túi chưa kiểm soát hết, nhiều túi còn trốn thuế được bán với giá thành rẻ nên tiểu thương mua dùng nhiều. Còn đối với doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện, số lượng sản xuất ra nhiều nhưng lại gặp khó khăn trong tổ chức hệ thống bán lẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
 
Cần có những quy định xử phạt, chế tài
ThS. Ngô Nguyễn Ngọc Thanh kiến nghị, song song với việc tuyên truyền, vận động, các cơ quan ban ngành nên đánh thuế cao vào các loại túi thông thường nhằm hạn chế sản xuất với số lượng nhiều. Bên cạnh đó, cần có những quy định xử phạt, chế tài các cơ sở sản xuất túi nilon thông thường nếu vi phạm vi quy định. Mặt khác, người dân cũng nên dùng ít lại các túi thông thường, dùng tiết kiệm, tái sử dụng túi sạch. Nên thu gom bán phế liệu hoặc bỏ đúng nơi. Khi có sự chung tay thì mục đích chuyển đổi sử dụng túi thông thường sang túi thân thiện mới có thể đạt kết quả tốt.
 
 

Bình luận (0)