Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Túi nylon: Không cho hoàn thuế thì “tạm nhập tái xuất”

Tạp Chí Giáo Dục

Thuế bảo vệ môi trường 40.000 đồng/kg đánh vào túi nylon khiến ngành thủy sản đang tính chuyện… nhập khẩu túi.
Từ 1-1-2012, mỗi ký túi nylon (tên kỹ thuật là túi nhựa xốp) chịu thêm 40.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Điều này ảnh hưởng đến việc mua bán hằng ngày ở cửa hàng, ở chợ. Bên cạnh đó, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp đang sử dụng túi này để đóng gói sản phẩm, đặc biệt là ngành thủy sản. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã tính cách giảm chi phí.
Doanh nghiệp than: Chi phí tăng
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, cho biết khi đóng gói tôm xuất khẩu thì cần có một lớp túi nhựa bọc sản phẩm rồi mới đến bao bì giấy. Công ty ông dùng rất nhiều túi nhựa để đóng gói sản phẩm khi xuất khẩu. Giá mua hiện khoảng 20.000 đồng/kg, nay đánh thuế thêm 40.000 đồng/kg, coi như giá túi đã tăng gấp ba, rất khó cho doanh nghiệp.
Người phụ trách kinh doanh của Công ty Thủy sản Xuất khẩu V. cho biết công ty này dùng hai loại túi nhựa, một loại là màng mỏng phủ ngoài khay cá, một loại là túi dày hơn dùng chứa sản phẩm, giống như loại túi đựng cá viên thường thấy trong siêu thị nội địa. Chi phí túi nylon chiếm khoảng 1,5% tổng chi phí. “Nói 1,5% thì thấy ít nhưng nếu xét phần nguyên liệu cá đã chiếm trên 80% chi phí, tất tần tật chi phí còn lại như nguyên vật liệu khác, bao bì, chi phí nhân công, hành chính, bán hàng, quản lý… chỉ gói gọn trong 20% mà túi nylon chiếm 1,5% là rất nhiều. Việc tăng giá mua túi trở thành gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp”.
Trước việc túi nhựa bị tính thuế, tăng giá bán, người mua bán nhỏ lẻ ở chợ, ở cửa hàng có thể gia giảm số túi khi bán hàng để giảm chi phí. Tuy nhiên, trong chế biến thủy sản xuất khẩu thì không gia giảm được. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nói rõ: “Mỗi sản phẩm đều có quy cách, có định mức nên không có cách tiết giảm”.
Việc tăng giá mua túi trở thành gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp thủy sản. Ảnh: HTD
Nên cho hoàn thuế?
“Một bất hợp lý khác mà các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu phải chịu là khoản thuế bảo vệ môi trường đánh trên túi nylon không được hoàn lại” – ông Lĩnh nói.
Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp sản xuất túi sẽ nộp thuế này. Đương nhiên, doanh nghiệp sẽ tính khoản này vào giá bán sản phẩm. Luật cũng quy định doanh nghiệp sản xuất túi và trực tiếp xuất khẩu túi đi nước ngoài cũng không phải nộp thuế.
Ông Lĩnh cho rằng trường hợp nhà sản xuất túi đã xuất khẩu túi đi, nghĩa là túi đã ra nước ngoài, không còn gây ảnh hưởng môi trường ở Việt Nam nên nhà sản xuất không phải nộp thuế. Vì vậy, ông Lĩnh cho rằng nên hoàn khoản thuế 40.000 đồng/kg này cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu mới hợp lý.
Tuy nhiên, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã không nhắc đến điều này.
Bảo vệ môi trường không khéo gây thất nghiệp
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho biết một số doanh nghiệp thủy sản đang hỏi ý kiến Tổng cục Thuế về vấn đế hoàn thuế bảo vệ môi trường. Hiện nay, theo Luật Thuế bảo vệ môi trường thì túi nhập khẩu cũng bị tính thuế nhưng túi nhập khẩu theo dạng tạm nhập – tái xuất thì được hoàn thuế. Vì vậy, một vài doanh nghiệp thủy sản đang tính phương án sẽ nhập khẩu túi theo dạng tạm nhập nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, sau đó sẽ xuất thủy sản đi, coi như không phải tốn khoản thuế bảo vệ môi trường!
Người phụ trách kinh doanh của Công ty Thủy sản Xuất khẩu V. khẳng định: Nếu không được hoàn thuế bảo vệ môi trường thì công ty sẽ tìm nhà cung cấp túi ở nước ngoài. Nếu giá cả lẫn chi phí nhập khẩu túi rẻ hơn 65.000 đồng/kg thì doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu túi, “Giảm được đồng nào hay đồng nấy, nếu không chúng tôi khó mà cạnh tranh với hàng thủy sản của nước khác”.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, nói: “Việc đánh thuế bảo vệ môi trường là hợp lý nhưng không cho hoàn thuế khi doanh nghiệp xuất khẩu là bất hợp lý. Mức thuế 40.000 đồng/kg là quá cao, nếu vì khoản thuế này mà doanh nghiệp đồng loạt nhập khẩu túi thì hóa ra doanh nghiệp sản xuất túi trong nước sẽ bị mất thị trường rất lớn”.
Mục đích của việc đánh thuế với túi nylon là để bảo vệ môi trường. Nhưng nếu phương án đánh thuế khiến doanh nghiệp phải “né” chi phí bằng cách nhập túi và lại khiến doanh nghiệp sản xuất túi trong nước cũng ảnh hưởng thì rõ là tác động từ đánh thuế đâu như mong đợi?
Mức thuế 40.000 đồng/kg
Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định mức thuế đối với túi nhựa xốp là 30.000-50.000 đồng/kg. Sau đó, Nghị quyết 1269/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường đã đưa ra mức thuế cụ thể là 40.000 đồng/kg.
Đóng thuế không tiếc nhưng…
Không phải chúng tôi tiếc tiền đóng thuế, tiền thuế cũng vào phúc lợi xã hội thôi, tuy nhiên phải xét đến sự hợp lý trong tổng thể và phải tính đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp trong khu vực cũng đang xuất khẩu thủy sản.
ÔngTRẦN VĂN LĨNH,Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước
QUỲNH NHƯ
Theo Pháp Luật

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)