Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Từng bước hình thành ý thức sống có trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh THCS hầu hết là ngoan, chấp hành tốt nội quy nhà trường, biết nghe lời thầy cô, vui vẻ với bạn bè dù chưa ý thức được thế nào là sống có trách nhiệm. Tuy nhiên, ở độ tuổi này các em vẫn chưa tự giác trong việc học bài, chuẩn bị sách vở, quần áo, đồ dùng trước khi đến lớp. Ở trường có nhiều việc các em không biết cách tự giải quyết, đặt nhiều niềm tin ở thầy cô nên hay “thưa gửi” phản ánh để nhờ giáo viên giúp đỡ. Tình hình này chỉ sau nửa năm học các em mới tiến bộ và thay đổi hẳn.

Về tâm sinh lý, học sinh THCS chưa có ý thức về giới tính nhưng bắt đầu có biểu hiện riêng, phân biệt về giới tính bắt đầu hình thành. Cụ thể, các em nữ e thẹn khi bị chọc ghẹo; các em nam thì vẫn hồn nhiên vô tư nghịch ngợm, hành vi chưa chín chắn như bạn khác giới. Tình bạn ở lứa tuổi này rất trong sáng, các em giúp đỡ nhau trong việc cho mượn sách vở, đồ dùng học tập… Đây chính là những biểu hiện ban đầu về ý thức sống có trách nhiệm với người khác. 

Về phía gia đình, con cái ở độ tuổi này phụ huynh còn bao bọc quá kỹ. Đây là một sai lầm của người lớn. Chính vì thế các em thiếu quyền tự chủ, lâu ngày ỷ lại người khác. Ở nhà các em thiếu tự giác, không quan tâm tới người khác. Ngoài ra, ở nhà cha mẹ không cho làm gì nên đến trường các em thích hoạt động, công việc nào cũng nhiệt tình. Sau một năm học các em có thể tự phục vụ bản thân không phải nhờ vả nhiều đến mẹ cha. Rõ ràng ý thức sống có trách nhiệm với bản thân đã bắt đầu hình thành trong môi trường tốt.

Để giáo dục các em thành người có ý thức, khắc phục được điểm yếu thì giáo viên phải là người quan tâm, để ý tới các em. Mặt khác sự gần gũi của thầy cô làm cho các em thấy không còn khoảng cách nên dễ chia sẻ và bày tỏ. Khi có sự cố thì kịp thời liên lạc và trao đổi chân tình với phụ huynh. Tuy nhiên, cách giải quyết từng trường hợp phải khéo léo nếu không có tác dụng ngược làm học sinh buồn lòng, đôi khi có thái độ chống đối và không chịu hợp tác.

Tuyên dương khen ngợi phải đi kèm với các phần thưởng nhỏ như bút, tập để khuyến khích tinh thần. Không chỉ trao đổi trực tiếp, học sinh còn được trao đổi gián tiếp qua những lá thư do các em viết về tâm tư tình cảm, nguyện vọng và mong muốn… Đó cũng là cách để giáo viên thấu hiểu học sinh và giáo dục các em hiệu quả hơn.

Đinh Thị Tươi
(Giáo viên Trường THCS Bàn Cờ, Q.3, TP.HCM)

Bình luận (0)