Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Từng bước khoác áo chuyên nghiệp cho ảo thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Những ảo thuật gia Việt đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng nghệ thuật nhằm phục vụ người dân

Tối 10-11, Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần IV năm 2023 đã khép lại sau 3 ngày tranh tài sôi nổi tại Nhà hát TP HCM và một buổi tọa đàm đầy ý nghĩa tại Nhà hát Trần Hữu Trang.

Hấp dẫn người xem

Theo Ban Tổ chức, liên hoan năm nay có 29 tiết mục dự thi được chọn lọc từ hơn 40 tiết mục của các nghệ sĩ biểu diễn ảo thuật trên toàn quốc. Trong đó, có nhiều tiết mục ảo thuật nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của công chúng.

Từng bước khoác áo chuyên nghiệp cho ảo thuật - Ảnh 1.

Tiết mục ảo thuật cắt người độc đáo của tác giả, đạo diễn Bùi Thế Anh. Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. Ảnh: Thanh Hiệp

Đầu tiên phải kể đến là tiết mục "Nghệ thuật và tình yêu Tổ quốc" của nữ nghệ sĩ ảo thuật Mai Nhi (Chi hội Xiếc – Ảo thuật, Hội Sân khấu TP HCM). Tiết mục này đã tạo ấn tượng mạnh với khán giả khi thể hiện chủ đề yêu nước, thông qua cách viết kịch bản phân cảnh, vận dụng hình thể, kết cấu nội dung để dùng ngôn ngữ ảo thuật kể câu chuyện về một nữ chiến sĩ quả cảm thoát hiểm khi bị thực dân Pháp đưa lên dàn hỏa xử tử.

Kế đến là tiết mục "Cận cảnh nguy hiểm, tiên tri lá bài" của ảo thuật gia Mai Sơn. Ở tiết mục này, ảo thuật gia đã biến hóa lá bài từ tay một vị giám khảo ngẫu nhiên thành bức chân dung của chính vị giám khảo trong sự ngỡ ngàng, thán phục của công chúng.

Ngoài ra, các tiết mục như: Biến hóa ra các con vật của K’Tay (Nguyễn Văn Bảy – Chi hội Ảo thuật miền Nam); Biến hóa các cánh hoa và thoát hiểm trong gang tấc của ảo thuật gia Trần Dũng (Đoàn Ảo thuật – Xiếc Vũng Tàu); Biến hóa ra xe, phi cơ của ảo thuật gia Hoàng Khang (Đoàn Ảo thuật – Xiếc Hương Xuân, Vĩnh Long); Lồng ghép âm nhạc truyền thống đưa chầu văn vào ảo thuật của Đinh Thị Liên (Liên đoàn Xiếc Việt Nam)… đều có sự sáng tạo và chăm chút khiến người xem bất ngờ và thích thú.

Cần một sân khấu để quảng bá

Ảo thuật gia Trần Dũng thì ao ước có một sân khấu dành riêng cho bộ môn ảo thuật tại TP HCM để quảng bá các tiết mục đoạt giải cao, đồng thời là nơi để các ảo thuật gia trẻ có sân khấu chuyên nghiệp biểu diễn nhằm cọ xát và nâng cao tay nghề.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM – bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – hoan nghênh đề xuất của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về việc sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc thi, liên hoan về ảo thuật để góp phần nâng tầm chất lượng bộ môn nghệ thuật đặc biệt này.

Theo đó, các cơ quan quản lý đã có chủ trương hướng đến "khoác áo" chuyên nghiệp cho ảo thuật Việt. Cụ thể ngay trong dịp liên hoan này, Ban Tổ chức đã tổ chức tọa đàm "Vấn đề định hướng và giải pháp phát triển bộ môn ảo thuật Việt Nam" và lớp "Bồi dưỡng nghiệp vụ xiếc – ảo thuật năm 2023" do Hội Sân khấu TP HCM thực hiện.

NSND Tống Toàn Thắng phấn khởi cho rằng: "Dù còn nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ ảo thuật vẫn góp mặt khá đông đủ ở liên hoan lần này tại TP HCM, chứng tỏ lòng yêu nghề của những ảo thuật gia Việt. Họ vẫn nỗ lực tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng nghệ thuật nhằm phục vụ người dân. Tin rằng lĩnh vực ảo thuật Việt sẽ được quan tâm đầu tư và sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới".

NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan – nhìn nhận: "Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần IV năm 2023 tại TP HCM ngoài dịp giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả, còn là sân chơi để phát hiện tài năng mới của chuyên ngành ảo thuật, đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ ảo thuật hiện nay.

Từ liên hoan này chúng ta sẽ có những chủ trương, định hướng đào tạo lực lượng nghệ sĩ ảo thuật, cũng như hướng phát triển của loại hình này nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật nói chung và sự phát triển của ảo thuật nói riêng trong xu thế giao lưu hội nhập quốc tế".

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)