Du lịch bền vững hạn chế những tác động đến môi trường đang được ngành du lịch TP.HCM cũng như cả nước hướng đến. Tuy nhiên, muốn làm được việc này cần có mục tiêu và lộ trình dài hạn và sự quyết tâm của doanh nghiệp du lịch.
Nhu cầu thực tế
Net – zero là trạng thái mà lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển được cân bằng với lượng loại bỏ khí nhà kính ra khỏi bầu khí quyển. Du lịch net – zero là xu hướng du lịch mang tính bền vững. Đây là xu hướng mới, hướng tới mục tiêu giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động du lịch. Qua đó, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của thế giới về biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, hiện nay các xu hướng du lịch cũng đã có nhiều thay đổi. Trong đó, xu hướng du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa không chỉ là xu hướng nổi trội mà còn là yêu cầu tất yếu của ngành du lịch hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo ông Dũng, báo cáo “Du lịch bền vững 2023” của Booking.com cho thấy, trên toàn cầu 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ. Tại Việt Nam, có 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới, 75% du khách cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận và 83% du khách bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi. “Cùng với xu thế phát triển chung đó, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải bằng không (net – zero), trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hướng đến phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có du lịch”, ông Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Châu Á (Tổng Giám đốc Công ty Oxalis) cho biết, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước hướng đến du lịch net – zero. “Định hướng sản phẩm của Oxalis là du lịch xanh, bền vững, bảo tồn, các tour thám hiểm hang động. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng cơ sở lưu trú xanh, thích ứng thời tiết, tạo ra trải nghiệm độc đáo cho khách hàng đồng thời đưa cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch net – zero”, ông Á chia sẻ.
Ông Á cho rằng, doanh nghiệp du lịch muốn hướng đến du lịch net – zero cần đầu tư các trang thiết bị sử dụng nhiều lần trong tour. Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các khu lưu trú, có hệ thống thu gom nước mưa phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tái sử dụng nước thải sau khi xử lý để tưới cây và các hoạt động khác. Hệ thống nhà vệ sinh compost không sử dụng nước và an toàn với môi trường, tăng cường sử dụng xe điện vận chuyển khách. Đầu tư khu lưu trú thích ứng với thời tiết.
Cần hành động và lộ trình
Ông Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời và có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế – xã hội.
Theo ông Vũ, lộ trình chuyển đổi này có thể cần 10-20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm, học hỏi, tranh luận và điều chỉnh chính sách. Cần đảm bảo các cột mốc về: Nâng cao nhận thức, áp lực thay đổi, các lựa chọn kỹ thuật, các quyết định chính sách và thay đổi hành vi. Các kết quả phát triển bền vững đạt được dưới tác động của các động lực như đối thoại và sự tham gia của các bên liên quan, khoa học và công nghệ.
TS.Lương Quang Huy (Trưởng phòng Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu) cho rằng, du lịch là ngành kinh tế quan trọng nên cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam thông qua giảm tối đa phát thải khí nhà kính tại tất cả các công đoạn. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần xác định “dấu chân” carbon trong ngành du lịch để có chính sách, biện pháp phù hợp giảm phát thải khí nhà kính. Sử dụng năng lượng tái tạo cho các hoạt động văn phòng, đi lại, cắm trại, di chuyển. Chúng ta cũng có thể lắp đặt điện mặt trời tại các tòa nhà văn phòng, nơi phù hợp. Có biện pháp bù trừ phát thải thông qua trồng rừng hoặc hỗ trợ các dự án trồng rừng. Cùng với đó, các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đến hoạt động đào tạo nhân viên, khuyến khích khách hàng quan tâm đến vấn đề môi trường, áp dụng các biện pháp giảm phát thải như tiết kiệm điện, nước nóng, giảm tiêu dùng, tái chế, tái sử dụng. “Quan trọng hơn hết là chúng ta cần phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch bền vững, tối ưu hóa các tuyến du lịch trong nước, quốc tế để giảm phát thải khí nhà kính”, TS. Huy góp ý.
Kiều Khánh
Bình luận (0)