Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Từng bước tiếp cận các nguồn nhiên liệu “xanh”

Tạp Chí Giáo Dục

Sắp tới người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều nguồn nhiên liệu để chọn lựa

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa và lưu thông của các phương tiện trong xã hội ngày càng tăng cao, kéo theo việc tiêu thụ năng lượng ngày càng nhiều. Vì thế, bên cạnh phương án tìm nguồn nhiên liệu mới, việc tiết kiệm nhiên liệu trong ngành giao thông vận tải (GTVT) cũng đang được nhiều trung tâm nghiên cứu.

Xăng, dầu ngày càng đắt đỏ
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế năng lượng, hiện tại, dầu mỏ và khí đốt là loại nhiên liệu chiếm khoảng 60-80% cán cân năng lượng của thế giới. Thế nhưng, với tốc độ tiêu thụ như hiện nay cùng với trữ lượng hiện có, nguồn năng lượng này sẽ bị cạn kiệt trong vòng 40-50 năm nữa. Theo bảng xếp hạng của APERC (Trung tâm Nghiên cứu năng lượng châu Á – Thái Bình Dương), Việt Nam đang đứng thứ 35 thế giới về mức tiêu thụ dầu diesel; đứng hàng thứ 36 về mức tiêu thụ xăng; tổng lượng nhiên liệu dùng trong giao thông đứng hàng thứ 38… Và các chuyên gia dự đoán, với mức độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ còn tăng cao trong những năm tới. Vì lý do đó mà việc tiết kiệm nhiên liệu trong GTVT là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Bên cạnh việc phát triển các loại hình vận tải năng lực cao, việc ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phương tiện GTVT thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới cũng cần được quan tâm nghiên cứu. Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm nhiên liệu TP.HCM Huỳnh Kim Tước cho biết, việc tìm các nguồn năng lượng mới, việc thử nghiệm các nguồn nhiên liệu mới từng bước thay thế xăng dầu trong ngành GTVT cũng là vấn đề cấp bách vì các nguồn tài nguyên dầu mỏ ngày càng đắt đỏ.
Đổi mới nguồn nhiên liệu
Để tiết kiệm nhiên liệu, Việt Nam đang từng bước sử dụng thí điểm các nguồn nhiên liệu tiết kiệm và hạn chế gây ô nhiễm môi trường như: LPG (khí đốt hóa lỏng), CNG (khí nén thiên nhiên) và năng lượng sinh học… Các nguồn nhiên liệu này đã được sử dụng thí điểm ở nhiều nước phát triển và đều cho kết quả khả quan.
Các chuyên gia trong ngành năng lượng ước tính, chi phí nhiên liệu của xe chạy bằng gas LPG sẽ thấp hơn xe chạy bằng xăng đến 30%, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được 1/3 chi phí nhiên liệu thông thường. Còn nếu chạy đường trường, mức tiết kiệm nhiên liệu có thể lên đến 40-45%. Ngoài ra, lượng khí thải phát sinh sau khi cháy của động cơ sử dụng LPG thấp hơn so với xe chạy bằng nhiên liệu thông thường, nên giảm thiểu mức ô nhiễm môi trường. Cụ thể như: hàm lượng CO (oxit cacbon) thấp hơn 50%, CO2 (dioxit cacbon) thấp hơn 125%, oxit nitơ thấp hơn 35%, các loại hydro cacbon không cháy thấp hơn 40%. Vì vậy, so với xăng, nguy cơ ảnh hưởng tầng ôzôn của LPG giảm 50%. Thực tế, việc sử dụng nhiên liệu LPG thay thế các loại nhiên liệu truyền thống ở TP.HCM đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Năm 2004, Công ty UP Gas đã đầu tư trạm LPG tại sân bay Tân Sơn Nhất và chuyển đổi cho gần 300 xe taxi của SASCO sang chạy bằng LPG. Năm 2007-2008, Công ty Cửu Long và Đông Dương bắt đầu đưa taxi sử dụng LPG vào hoạt động. Cho đến nay, cả hai công ty kể trên có hơn 600 xe taxi chạy bằng nhiên liệu LPG.
CNG thành phần chủ yếu là CH4 (metane) được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250 atm) để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocacbon thơm kèm theo, nên khi đốt hầu như không phát sinh bụi. Khí nén thiên nhiên CNG được coi là nguồn nhiên liệu rẻ và sạch. Hiện nay, TP.HCM đang rất chú trọng đưa nguồn nhiên liệu này làm nguồn năng lượng thay thế xăng, dầu dùng cho xe buýt. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy: các thiết bị của xe buýt chạy bằng CNG vận hành êm, ít khói thải và tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhiên liệu so với xe chạy bằng dầu diezel.
Xăng sinh học E5 là loại hỗn hợp xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4-5% theo thể tích. Ethanol có nhiệt độ hóa hơi cao hơn xăng thông thường nên khi bay hơi trong hỗn hợp không khí, nhiên liệu sẽ giúp hạ nhiệt độ môi chất nạp, làm tăng mật độ khí nạp và lượng khí nạp vào động cơ. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, 1kg nhiên liệu xăng E5 thấp hơn xăng thông thường nên sẽ làm giảm các loại khí phát thải như: HC (hydrocacbon) và CO (monoxit cacbon). Hiện nay, xăng sinh học E5 đã có bán trên thị trường, tập trung nhiều tại các TP lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Bài, ảnh: Hà Anh

Theo Bộ Công thương, sau thời gian đưa vào sử dụng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thu thập được các số liệu và qua đó chứng minh xăng E5 không gây ảnh hưởng tới các đặc tính kỹ thuật của động cơ và có thể sử dụng rộng rãi thay thế nhiên liệu xăng, dầu hiện hữu…

 

Bình luận (0)