Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tùng hát về chữa lành trong một mùa hè

Tạp Chí Giáo Dục

Sau thành công của album đầu tay "26: individualism", mới đây Tùng đã trở lại với đĩa nhạc thứ hai mang tên "Diễu hành mùa hè". Vẫn những tự sự đầy tính cá nhân, Tùng đã mang đến sự chữa lành vô cùng dịu êm.

Trưởng thành từ trong âm nhạc 

Hai năm trước, Tùng đã mở màn sự nghiệp của mình bằng một đĩa nhạc nhiều tính triết lý. Đĩa nhạc nhanh chóng “cháy hàng” và được rất nhiều bạn trẻ thích thú. Tuy nhiên đến giờ, Tùng vẫn chưa tin vào con đường của mình, khi anh nói rằng “vẫn còn cảm thấy chưa quen khi hành trình của mình đi được đến đây”. 26: individualism đa dạng thể loại, giới thiệu thành công một nghệ sĩ mới, nhưng lại chưa hoàn hảo trong cách xây dựng concept, và còn cho thấy khá nhiều ảnh hưởng từ các nghệ sĩ lớn. Diễu hành mùa hè có thể nói đã khắc phục được điều đó, cũng như đánh dấu được sự trưởng thành của người nghệ sĩ.

Tùng trong MV  một ngày mùa hè

Tùng trong MV một ngày mùa hè

Gồm 11 bài hát được viết trong kỳ giãn cách bởi đại dịch và thời gian gần đây, nên đĩa nhạc này là những tâm tư, suy nghĩ về hành trình chữa lành… cho một thời điểm khó khăn. Với hai interlude (đoạn dạo, quãng giữa…) được đặt ở đầu và giữa đĩa nhạc, Tùng xây dựng album như một ngày hè, nơi mọi thứ sẽ trông như đang bắt đầu từ tờ mờ sáng và rồi kết thúc êm đềm vào lúc tối muộn.

Tùng (Nguyễn Bảo Tùng) là một ca – nhạc sĩ ở TP.HCM, xuất thân từ ngành kiến trúc. Đến nay anh đã ra mắt hai album, cùng chuỗi Tree talks: Những câu chuyện chỉ được kể trong rừng.

Tự thực hiện gần hết mọi khâu: từ sáng tác, hát, sản xuất… cho đến lên ý tưởng và vẽ bìa…, Tùng hiện được rất nhiều bạn trẻ yêu mến bởi âm nhạc tự sự và nhiều triết lý. 

Đĩa nhạc từa tựa những bài đồng dao, bằng cách sử dụng nhạc cụ, các mẫu sample âm thanh tiếng côn trùng, sông suối… Tùng mang đến cảm giác gần với thiên nhiên, mỗi người nghe như đang hóa thân vào một con vật diễu hành băng qua mùa hè nóng bức, nhưng rất đẹp.

Vẫn là những trăn trở về tình yêu, mất mát và sự cô độc, Tùng trải mình trong phần đầu tiên, thông qua bộ ba Đêm hôm, Chuồn chuồn và Một ngày mùa hè. Ở đó, kỷ niệm của những quán quen, những lời thề “phung phí”, những quan tâm chăm sóc… giờ đây chìm trong ký ức của sự cô độc, với những câu nói không còn trọn vẹn, đã im bặt tiếng.

Sử dụng những nhạc cụ lớn cho âm trầm thấp đặc tả nỗi buồn như cello, trống bass, kèn đồng… cùng sự đồng hành xuyên suốt của acoustic guitar, đàn dây… một vài chấm phá của electric guitar, các dải âm synth, bè kiểu phúc âm… Sự phức tạp trong những bản phối vô cùng vừa vặn và làm nổi lên rất nhiều cảm xúc. Điều này là bước phát triển từ album đầu, cho thấy khả năng của Tùng trong việc kiểm soát phần lớn các khâu trong âm nhạc của mình. 

Chuỗi sáu bài sau lại hướng rộng ra những điều bình dị trong cuộc sống thường ngày. Đa dạng thể loại từ blues (á đông blues), rock’n’roll (hihihoho) cho đến điệu valse (ăn mừng) và những giai điệu quen thuộc khác… Tùng dấn thân vào những thể loại khá kén người làm, và cũng sẽ kén tai nghe nếu làm chưa tới. 

Ý nghĩa chữa lành 

Những sáng tác của Tùng tập trung vào điều giản dị. Anh hát về việc trân trọng từng thời khắc một, coi trọng tự do và “khuyên” người nghe không nên quan tâm những phán xét, định kiến từ bên ngoài. Như thể trong á đông blues anh đã hát rằng “Thi ca chỉ đẹp nhất/ Trên đôi môi của những người/ Có quá nhiều trong đời/ Và những người/ Chẳng có gì hết”, cho thấy hiện thực của đời sống này không đẹp đẽ như những gì được nghe. Hihihoho còn táo bạo hơn, trong việc đặt ra vấn đề bắc ghế lên hỏi mặt trời chân lý đang sống thế nào. Thế nhưng sâu hơn, ca khúc cho thấy vì sao người ta phải tìm chân lý, và con người ta nhân danh điều gì?

Tùng nhắc rất nhiều đến sự tử tế, như dẫu chia tay vẫn nhớ đến mối tình cũ thông qua việc nhắc có táo trong tủ và mèo cũng cần phải ăn (một ngày mùa hè). Bài hát khoảng trời phía chúng mình hát cùng với Trang cũng nhắc người nghe quên hết mọi thứ, để thứ sau cùng vẫn còn sót lại là bầu trời sao, là nụ hôn gió, là sự tử tế và nhớ đến nhau… Ngoài ra, có thứ không thể cưỡng cầu, khi đã mất đi ta nên chấp nhận và không níu kéo (chuồn chuồn).

Chuỗi ba bài hát thầy u, tự do và ăn mừng cũng nói về việc thời gian không chờ một ai, rằng khi ta quay trở về, có thể thầy u đã không còn nữa, đã đi đâu mất… Tuy thế vẫn luôn nhớ “Ngôn ngữ đầu tiên là tiếng nhau thai/ Là tiếng trông mong/ Là tiếng bao dung trong lòng”. Bởi vì cuộc đời sẽ luôn tươi đẹp và đáng sống khi ta học được cách biết từ bỏ, nên trong điệu valse cùng tiếng kèn đồng đặc trưng, Tùng nói về sự hồn nhiên cũng như tươi đẹp khi ta nhìn thấy ý nghĩa cuộc đời “vì em, vì tôi và vì nhân thế, phải hạnh phúc trên đời”.

Diễu hành mùa hè tuy được phát hành vào tận… mùa đông, nhưng thông qua âm nhạc và sự đẹp đẽ của các thông điệp, một ngày hè giản dị của sự chấp nhận, buông bỏ và nhìn thấy vẻ đẹp cuộc sống đã được dựng lên và đã mang đến một làn hơi ấm giữa mùa đông. 

Theo Ngô Minh/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)