Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tung hình trẻ em lên mạng là phạm pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người đang làm một việc tưởng chừng đơn giản, vô hại nhưng lại không biết rằng mình đang vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự.

Tung hình trẻ em lên mạng là phạm pháp
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Các bậc phụ huynh “hồn nhiên” tung hình ảnh, thông tin về đời tư của con em mình lên mạng như một thói quen, sở thích mà không cần biết người trong cuộc có đồng tình hay không. Tới đây, khi Luật trẻ em 2016 có hiệu lực (từ ngày 1-6-2017), hành vi này sẽ bị nghiêm cấm và phạt nặng.

Nguy hiểm

Chị N.N.H. (nhà ở Q.3, TP.HCM) vẫn không quên “bài học nhớ đời” về việc đưa hình ảnh con lên mạng. Chị kể một lần chị đăng một loạt hình ảnh gia đình sau chuyến đi chơi ở Nha Trang lên facebook, trong đó có một tấm hình con gái 13 tuổi mặc đồ tắm.

“Bẵng đi một thời gian, người em trai gọi điện bảo tôi gỡ hình con bé xuống gấp. Hỏi lý do, nó nói thấy hình cháu gái mình đăng ở một trang mạng khiêu dâm với đầy đủ tên tuổi, trường lớp và… “giá cho một đêm vui”. Tôi thật sự choáng váng, ân hận vì vô tình lại tổn hại đến con gái mình”.

Trong khi đó, bé P.K. (9 tuổi, nhà ở Bình Thạnh) nói em không hề thích cha mẹ đăng những tấm hình phô bày thân thể hoặc những chuyện riêng tư của em lên facebook.

Nhiều ông bố bà mẹ xem việc đăng những bức ảnh được cho là “không có gì” nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự… của trẻ về sau.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TP.HCM), việc đưa hình ảnh, thông tin gia đình, con cái lên mạng xã hội đôi khi rất nguy hiểm, khó kiểm soát.

Chẳng hạn cha, mẹ tiết lộ những thông tin về trường lớp học, địa chỉ nhà, số điện thoại… có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu dễ dàng tiếp cận với trẻ và sau đó có thể xâm hại, bắt cóc trẻ em…

Luật nghiêm cấm

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (đoàn luật sư TP.HCM), Luật trẻ em năm 2016 quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ là hành vi trái pháp luật.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi hành vi “tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” mà cụ thể là đưa hình ảnh trẻ em lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều vi phạm pháp luật.

Chỉ khi những hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật như Luật dân sự, Luật trẻ em về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu việc đăng tải hình ảnh trẻ em là vi phạm Luật trẻ em thì có thể xử lý theo các quy định của Bộ luật dân sự, tức yêu cầu bồi thường thiệt hại từ sự chứng minh hợp lý của người yêu cầu, xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi đăng tải hình ảnh trẻ em đã gây ra thiệt hại.

Việc xử lý đối với hành vi này không chỉ căn cứ vào quy định Luật trẻ em năm 2016, mà còn căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan như Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự… Có như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em mới được bảo đảm.

Chưa có chế tài cụ thể

Các chuyên gia pháp lý cho rằng Luật trẻ em năm 2016 và các quy định hiện hành chưa định nghĩa rõ ràng về “quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em” là như thế nào. Vì vậy cần phải có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong thực tế, vì đây là mấu chốt và khởi nguồn mọi hình thức xử lý khi phạm luật đối với Luật trẻ em 2016.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, mặc dù Luật trẻ em 2016 chỉ rõ những hành vi trái pháp luật nhưng chưa quy định những chế tài cụ thể. Có nghĩa quy định này chỉ tạo ranh giới cho hành vi đúng hay sai luật để điều chỉnh hành vi con người, chứ chưa xử lý bằng chế tài cụ thể.

“Khi Luật trẻ em được ban hành thì nhà làm luật muốn xác định chỉ cần hành vi đăng tải hình ảnh trẻ em mà không được phép của trẻ đã là vi phạm pháp luật. Vì vậy mối quan hệ nhân quả đối với hành vi này chỉ là thứ yếu khi truy cứu trách nhiệm.

Nếu Bộ luật dân sự quy định rõ mối quan hệ nhân quả về hành vi đăng ảnh với thiệt hại thực tế xảy ra và được quy đổi bằng tiền thì nay không cần cụ thể, chi tiết mà vẫn áp dụng chế tài bồi thường.

Tuy nhiên, hiện tại Luật trẻ em 2016 chưa có văn bản hướng dẫn quy định chi tiết về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan. Trong khi chờ luật có hiệu lực, các cơ quan lập pháp nên sớm ban hành những quy định về chế tài cụ thể” – luật sư Công nói.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Công, hiện tại việc xử lý vi phạm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này là chưa thể dù đã có luật, vì hướng dẫn xử lý về vi phạm, các định lượng về vi phạm, mức độ vi phạm… hiện nay chưa có. Vì vậy xác định sự vi phạm cũng như áp dụng chế tài cụ thể là chưa được.

Luật quốc tế về đăng tải hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội

Theo Luật bảo vệ quyền riêng tư của Pháp, cha mẹ có thể đối mặt với hình phạt lên đến một năm tù giam và nộp phạt 45.000 euro (khoảng 51.000 USD) nếu bị kết tội công khai các thông tin riêng tư về cuộc sống cá nhân của người khác – kể cả con của họ – mà không có sự đồng ý của người được đăng ảnh.

Tại Mỹ, Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trẻ em (COPPA) quy định một trang mạng thu thập thông tin trẻ em dưới 13 tuổi phải thông báo cho phụ huynh chi tiết về việc sử dụng thông tin của trẻ, chia sẻ thông tin này cho những ai… và phải được sự đồng ý của cha mẹ. Cha mẹ còn được cấp quyền từ chối hoặc cho phép trang mạng sử dụng hình ảnh sau đó…

Theo Luật công nghệ thông tin của UAE, một người đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội mà không có sự cho phép của người đó có thể bị bỏ tù từ 6 tháng và bị phạt tiền nặng.

cảnh sát UAE cũng cảnh báo cha mẹ không nên cho con cái tạo tài khoản riêng trên mạng xã hội, vì trẻ có thể trở thành nạn nhân của bọn tống tiền và các mối đe dọa khác.

ANH THƯ tổng hợp

 

PHƯƠNG ANH – TRẦN KIM ANH/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)