Thời gian gần đây, những tin đồn được đăng tải, chia sẻ, loan truyền thành tin đồn thất thiệt trên các địa bàn dân cư, trên mạng xã hội đang ở mức báo động.
Một tin đồn thất thiệt được đăng tải trên facebook và hiện công an đang truy tìm tung tích người đăng. Ảnh: IT |
“Bão” tin đồn
Với sự phát triển nhanh như vũ bão của mạng xã hội hiện nay, không ít kẻ xấu đã và đang lợi dụng hành vi câu like thiếu đạo đức và sự kích động đám đông cả tin để gây rối an ninh trật tự. Đêm 20-7, trên facebook lan truyền nhiều hình ảnh, video clip ghi lại việc người dân xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đập phá, châm lửa đốt cháy chiếc xe Toyota Fortuner của 2 người đàn ông vì nghi ngờ thôi miên, bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, qua xác minh, 2 người này chỉ chạy xe vào thôn để mua đồ gỗ. Những tin đồn thất thiệt như thế không loại trừ cả những người phụ nữ vất vả mưu sinh. Ngày 22-7, hai người phụ nữ nghèo khi đang mưu sinh bằng nghề bán tăm tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), bị mọi người hô hoán là bắt cóc trẻ con, khiến họ bị vây đánh bầm dập và phải nhập viện. Trong phút chốc, người tử tế lại bị gắn cái mác “mẹ mìn” và hứng chịu những đòn roi vô cớ của những kẻ thiếu hiểu biết, bốc đồng. Trước đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền các đoạn clip ghi lại cảnh người dân ở các huyện Diễn Châu, Kỳ Sơn và Nam Đàn của Nghệ An vây bắt những người bị nghi bắt cóc trẻ em.
Có thể thấy, những loại tin đồn này đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của cộng đồng. Ngày16-6, người dân ở phường Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu) loan truyền tin đồn với nhau rằng vừa xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em ở trường mẫu giáo Đa Minh (khu phố 7, phường Rạch Dừa). Nguy hại hơn tin đồn này sau đó được lan truyền tới nhiều người khác và thêu dệt thêm nhiều tình tiết ly kỳ. Ngay sau đó có thông tin xác thực rằng đây không phải là vụ bắt cóc trẻ em, mà thời điểm đó, một bé gái 4 tuổi đang học ở trường sau khi tan học được một phụ huynh khác đón về nhưng không thông báo với gia đình. Sau đó, gia đình đã tìm được cháu bé vào tối cùng ngày. Khi thông tin xác thực này được loan truyền đi, nhiều người mới thở phào nhẹ nhõm. Trước những tin đồn thất thiệt như thế, cơ quan chức năng đã phải lập tức vào cuộc điều tra, ngăn chặn tin đồn loan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
Tỉnh táo trước “tin đồn”
Một số người thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm khi bịa đặt thông tin giật gân, hoặc không kiểm chứng mà đã đưa lên mạng xã hội với mục đích “câu view”, “câu like”. Tin đồn với nghệ sĩ không còn là điều quá xa lạ. Nhiều nghệ sĩ rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi phải nghe những tin đồn “từ trên trời rớt xuống xuống”. Mới đây, nghệ sĩ hài Hoài Linh chỉ biết cười khi trên mạng xã hội có thông tin rằng: “ Nghệ sĩ Hoài Linh đã trút hơi thở cuối cùng…”.
Điều đáng trách nữa là sau khi thông tin đưa lên mạng, một số người không đặt câu hỏi ngược lại mà vẫn bấm “like” (thích) và tiếp tục chia sẻ. Ngày 8-7, trên trang Facebook cá nhân Cao Thái Dương (SN 1993, trú tại TP. Việt Trì, Phú Thọ) đăng tải thông tin dưới nhan đề: “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại TP. Việt Trì do nợ tiền mua điện thoại”. Thông tin bịa đặt trang fa-cebook cá nhân Cao Thái Dương được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, sự việc được làm sáng rõ đó chỉ là thông tin bịa đặt, câu like, nhiều người mới hết hoang mang. Theo luật sư Võ Đan Mạch (đoàn luật sư TP.HCM), “Bộ luật hình sự hiện hành quy định, việc xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể phạm tội “Làm nhục người khác” và bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm tùy theo mức độ. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, có thể phạm tội “Vu khống”, và bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Những vụ tung tin thất thiệt đang gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn “tin đồn” có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng hơn trên mạng xã hội. “Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”, luật sư Võ Đan Mạch cho biết. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải tỉnh táo trước những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa có thông báo chính thức từ cơ quan chức năng.
Thục Quyên
Bình luận (0)