Theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, có 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép xuất nhập khẩu.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, có 7 doanh nghiệp đầu mối đã bị tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, các doanh nghiệp đầu mối tạm thời bị tước giấy phép trong 1-2 tháng, tùy từng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng công ty thương mại Sài Gòn – TNHH MTV; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm; Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh và Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long.
Một cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội thông báo hết hàng thời điểm tháng 3-2022
Quyết định tước giấy phép được đưa ra sau khi các đoàn thanh tra thuộc Bộ Công Thương đã tiến hành thanh kiểm tra 33 doanh nghiệp đầu mối, triển khai từ tháng 3-2022 – thời điểm xảy ra những bất cập về nguồn cung xăng dầu.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; Tâp đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các thương nhân đầu mối báo cáo, tổng hợp và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Đối với Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương báo cáo công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, báo cáo công tác lập, công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu dự trữ chiến lược, dự trữ lưu thông, hệ thống tuyến ống xăng dầu trên phạm vi cả nước.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo quy trình cấp phép kinh doanh xăng dầu đối với lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; sản xuất, pha chế xăng dầu; dự trữ xăng dầu; việc quản lý về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như quy trình kiểm định, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, khối lượng xăng dầu…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần báo cáo về nhu cầu, kế hoạch, khối lượng, tiến độ nhập khẩu hàng năm đối với việc kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Kế hoạch sản xuất, khối lượng sản xuất hàng năm về sản xuất, pha chế xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các bộ, đơn vị liên quan báo cáo tổng số cơ quan, tổ chức được giao thực hiện dự trữ xăng dầu (dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia), nêu trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể; cơ sở hạ tầng lưu trữ; quy trình dự trữ xăng dầu, quy trình xuất, cấp xăng dầu; khối lượng xăng dầu dự trữ, thời gian dự trữ xăng dầu.
Ngoài ra, báo cáo quy trình trích, sử dụng quỹ Bình ổn xăng dầu, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Báo cáo việc niêm yết công khai giá bán xăng dầu, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu…
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định 95 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và các văn bản pháp luật liên quan khác. Niên độ báo cáo theo yêu cầu từ ngày 1-1-2017 đến ngày 31-3-2022.
Giá xăng dầu trong nước sau thời gian dài neo ở mức cao, đã có 5 lần giảm giá liên tiếp. Theo quyết định của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ 15 giờ ngày 11-8, xăng E5RON92 giảm 904 đồng/lít, có giá bán 23.725 đồng/lít; Xăng RON95 giảm 939 đồng/lít, có giá không cao hơn 24.669 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel giảm mạnh 1.000 đồng/lít, có giá bán 22.908 đồng/lít; dầu hỏa có giá bán 23.320 đồng/lít sau khi giảm 1.213 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên mức giá 16.548 đồng/kg.
Minh Chiến (theo NLĐ)
Bình luận (0)