Hướng trẻ học tiếng Anh từ rất sớm là vấn đề được phụ huynh quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề học ở độ tuổi nào là phù hợp nhất, những phương pháp học tập đúng, những lợi ích trẻ có được… thì không phải phụ huynh nào cũng biết.
Giáo dục TP.HCM đã trao đổi với ThS. Nguyễn Thị Thiên Khoa (Phó Giám đốc Học vụ YOLA) xoay quanh những vấn đề này.
PV: Thưa bà, trẻ được học tiếng Anh ở độ tuổi nào là phù hợp nhất?
– Đầu tiên, phụ huynh cần hiểu rõ rằng việc học tiếng Anh được chia thành hai loại: Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai và tiếng Anh như một ngoại ngữ.
Trong môi trường thứ nhất, tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy chính ở trường học hoặc tiếng Anh được giảng dạy một phần và được vận dụng trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Trong môi trường thứ hai, học sinh tiếp thu từ 1 đến 4 giờ học ngoại ngữ trong trường học hoặc trung tâm nhưng không được vận dụng liên tục trong gia đình và cuộc sống.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: N.Trinh |
Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết nghiên cứu về việc học ngôn ngữ trong môi trường thứ nhất đều khẳng định rằng các trẻ khi bắt đầu được tiếp xúc với tiếng Anh sớm, từ 5-9 tuổi sẽ có lợi thế hơn các trẻ bắt đầu sau 10-15 tuổi về mặt phát âm, nhưng không hẳn là về các mặt khác như ngữ pháp, từ vựng… Lợi thế này chỉ được duy trì khi việc học tập và giảng dạy không bị gián đoạn. Trong môi trường thứ hai (phần lớn ở các gia đình Việt Nam hiện nay), các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đều dè chừng và không khẳng định rằng độ tuổi là điều duy nhất quyết định thành công trong việc học. Nghiên cứu cho thấy các trẻ bắt đầu học tiếng Anh từ tiểu học (5-9 tuổi) trong môi trường học tập giáo dục tốt (giáo trình khoa học, giáo viên quan tâm, vững chuyên môn, có sự liên tục trong giáo trình học từ tiểu học đến THCS) sẽ có lợi thế hơn về phát âm, ngữ điệu, cách vận dụng các cấu trúc của ngoại ngữ hơn là các bé bắt đầu học tiếng từ cấp 2 (10-15 tuổi).
Vậy những lợi ích đối với trẻ nhỏ khi được học tiếng Anh ở độ tuổi này là gì, thưa bà?
Về mặt xã hội học, cho trẻ học tiếng ở độ tuổi nhỏ sẽ giúp trẻ học về các văn hóa khác, gầy dựng thái độ học tập và động lực học tích cực về ngôn ngữ. |
– Như đã đề cập trên, việc gặt hái những lợi ích về mặt ngôn ngữ học còn tùy thuộc nhiều vào môi trường học tập và chất lượng giảng dạy khi cho trẻ học tiếng Anh từ sớm (5-9 tuổi). Tuy nhiên, về mặt xã hội học, cho trẻ học tiếng ở độ tuổi nhỏ sẽ giúp trẻ học về các văn hóa khác, gầy dựng thái độ học tập và động lực học tích cực về ngôn ngữ. Hơn nữa, lợi ích của việc học tiếng Anh từ sớm cũng đến từ các yếu tố ngoại cảnh: Trẻ có được sự quan tâm nhiều hơn từ gia đình, thầy cô do độ tuổi và các áp lực thi cử từ nhà trường cũng ít.
Theo bà, những phương pháp giảng dạy nào giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả nhất?
– Hiện tại có nhiều phương pháp dạy học tiếng Anh. Phương pháp truyền thống như ngữ pháp – dịch thuật; những phương pháp hiện đại như phương pháp tự nhiên (chỉ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh); phương pháp lồng ghép kiến thức… Trong đó, phương pháp lồng ghép kiến thức được xem là phương pháp học ngoại ngữ tự nhiên, gần giống với cách học tiếng mẹ đẻ của mỗi người. Trọng tâm của bài học theo phương pháp này là kiến thức về các chủ đề khác nhau. Trong suốt quá trình học, người học tập trung tìm hiểu, học hỏi những kiến thức mới. Các chủ đề trong chương trình là tất cả những điều người học quan tâm, từ những vấn đề khoa học quan trọng tới ngôi sao nhạc pop mà học sinh yêu thích hoặc các tin tức thời sự, phim ảnh… Đặc biệt, người học được học các kiến thức mới bằng ngoại ngữ thay vì sử dụng tiếng mẹ đẻ. Căn cứ vào cách học, năng lực, phụ huynh nên chọn lựa phương pháp giảng dạy phù hợp cho trẻ.
Với bất kỳ phương pháp nào, nếu muốn mang lại lợi ích về mặt lâu dài, tức động lực học cao, kết quả tốt và tiếp tục tự học mà không cần sự nhắc nhở của nhà trường hoặc gia đình thì cần 3 yếu tố: Sự tự chủ, sự nắm vững kiến thức và mục đích. Yếu tố thứ nhất giúp trẻ cần cảm thấy có tự chủ, hứng khởi trong học tập, điều này cần tùy thuộc vào giáo trình, giáo viên hoặc người dạy mang niềm vui trong sự học bằng cách quan tâm đến các sở thích hoặc thiên hướng cá nhân của trẻ. Yếu tố thứ hai, giúp trẻ cần cảm thấy mình học có tiến bộ, vì vậy các bài học hoặc hoạt động cũng ở mức độ vừa phải đề tạo điều kiện cho sự tiến bộ trên. Và yếu tố thứ ba, giúp trẻ hiểu mục đích việc học này cho bản thân là gì, có thể áp dụng vào cuộc sống của trẻ như thế nào.
Xin cảm ơn bà!
Ngọc Trinh (thực hiện)
Bắt đầu cho trẻ học tiếng Anh, nên đi vào chương trình học chính thức, nghiêm chỉnh hay chỉ đơn giản là tạo ra các hoạt động vui chơi để trẻ làm quen, thưa bà? – Tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi phụ huynh về việc “học tập chính thức, nghiêm chỉnh”, về học tập qua vui chơi và mục tiêu học tập ngôn ngữ của gia đình. Học tập nghiêm chỉnh có hàm ý là bắt buộc, thách thức trẻ về suy nghĩ, và có mục tiêu, khuôn khổ rõ ràng. Các hoạt động vui chơi có hàm ý là mục tiêu giảng dạy không rõ ràng và trẻ thấy “vui” qua các hoạt động tương tác. Theo kinh nghiệm giảng dạy của cá nhân tôi, không có môi trường học tập giảng dạy nào chỉ theo thuần một định nghĩa cả. Ngay cả việc đọc sách hay học ngữ pháp cũng có thể là một hoạt động vui nếu quyển sách hay và giáo viên hiểu tâm lý trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, ít quan tâm đến việc học sẽ khiến trẻ không thấy rõ mục đích học là gì, không thấy sự tiến bộ của bản thân. Nhưng cũng không nên quan tâm thái quá vì làm trẻ mất sự tự chủ trong việc học. |
Bình luận (0)