Tại Festival Nhà Thiếu nhi toàn quốc lần thứ 7 năm 2022 diễn ra mới đây ở TP.HCM, các em thiếu nhi đến từ mọi miền đất nước đã mang nhiều sản phẩm sáng tạo đến giao lưu, giới thiệu với khách tham quan. Thông qua sản phẩm của mình, các em không chỉ truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, an toàn giao thông mà còn biết chia sẻ tình yêu thương đến những người xung quanh…
Nguyễn Anh Khôi giới thiệu những con vật đồ chơi làm từ vải do em thực hiện
Giảm thiểu tai nạn giao thông
Đường sắt Việt Nam dài hàng ngàn kilômét đi qua nhiều khu vực giao giữa đường bộ, đường sắt và khu dân cư. Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu ở những điểm giao nhau dù những nơi ấy có rào chắn (barie). Trước tình trạng đó, Đoàn Đức Minh và Đoàn Thùy Anh (học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Hiền, tỉnh Khánh Hòa) đã sáng tạo “Hệ thống gác chắn đường sắt tự động”. Đức Minh cho biết: “Mỗi lần có tàu sắt đi ngang, người canh gác phải tập trung kéo rào chắn chặn lại. Việc này cũng gây ra không ít áp lực cho người canh gác lẫn hệ thống giao thông Việt Nam. Em nghĩ nếu có hệ thống gác chắn đường sắt tự động sẽ vừa giảm thiểu được tai nạn giao thông vừa giảm áp lực cho người canh gác”. Theo đó, hệ thống gác chắn đường sắt tự động vận hành liên tục, tiết kiệm nhiều thời gian. Khi tàu cách vị trí rào chắn khoảng 3.000m, cảm biến của hệ thống được kích hoạt, đèn và chuông sẽ báo cho người qua đường giảm tốc độ và dừng lại. Để tránh nhầm lẫn và tăng tốc độ tin cậy (như lá cây bay vào chắn trước), cảm biến sẽ quét 2 lần cách nhau 2 giây. Nếu cả 2 lần đều cho cùng kết quả thì cảm biến mới kích hoạt hệ thống. Thông qua hệ thống truyền tin tự động không dây, lái tàu sẽ báo với hệ thống gác chắn tên tàu, đoàn tàu để hệ thống lưu lại và báo về trung tâm điều hành biết là có tàu đi qua…
Các em thiếu nhi tìm hiểu sản phẩm của bạn bè
Tương tự, “Hệ thống an toàn chống người uống rượu bia lái xe ô tô” là sản phẩm của 3 học sinh đến từ Trường THCS Quang Trung (tỉnh Ninh Bình) gồm: Quyền Minh Tân (lớp 8A), Nguyễn Nhật Lâm Hoàng (lớp 8C) và Đỗ Chí Hướng (lớp 9A). Theo đó, khi người lái xe ngồi vào ghế, lăng cảm biến khí thở sẽ thực hiện việc phân tích trong hơi thở có cồn hay không. Nếu trong hơi thở không có cồn, cảm biến không kích hoạt, đèn xanh sáng, khi đó người lái xe có thể nổ máy và khởi hành bình thường. Còn nếu trong hơi thở hoặc không khí trong xe có cồn, cảm biến cồn kích hoạt còi kêu liên tục, đèn xanh tắt khi người lái bật khóa điện, lúc này xe không thể nổ máy với các loại xe số thông thường (với các loại xe số tự động, chúng ta có thể cài đặt để xe vẫn có thể nổ máy nhưng không thể sang số để di chuyển). Đèn vàng sáng yêu cầu người lái xe cho hệ thống kiểm tra nhịp tim bằng cách ấn ngón tay vào cảm biến trong khoảng 20 giây, lúc này mạch đếm số nhịp đập và mạch định thời gian có điện thực hiện việc kiểm tra nhịp tim. Nếu nhịp tim bình thường, hệ thống sẽ loại trừ người lái xe không uống rượu bia; nếu trong quá trình đang kiểm tra, ngón tay ấn không đủ lực hoặc được nâng lên mô đun đếm sẽ xóa dữ liệu và thực hiện lại từ đầu. Còn nếu nhịp tim cao, hệ thống lập tức tắt đèn vàng, bật đèn đỏ, còi kêu, cắt điện hoàn toàn hệ thống, xe không thể di chuyển… “Hàng năm, nước ta xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông do người tham gia giao thông uống rượu, bia còn lái xe. Chúng em mong muốn sản phẩm này được phát triển và ứng dụng rộng rãi để giảm bớt tai nạn giao thông, nhà nhà hạnh phúc”, Lâm Hoàng chia sẻ.
Sẻ chia yêu thương với người xung quanh
Tận dụng quần áo cũ đã bỏ đi, Nguyễn Anh Khôi (học sinh lớp 8D Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã sáng tạo thành những con vật đồ chơi dành cho trẻ em. Chỉ bằng những vật liệu đơn giản như vải, keo dán, dây kẽm, kim, chỉ… Anh Khôi đã cho ra đời nhiều con vật dễ thương, đầy màu sắc. Những con vật mà Anh Khôi hay làm là gà, chuồn chuồn, bướm, rùa, cua, cá… Anh Khôi cho biết em sinh ra ở vùng quê nghèo, đồ chơi lúc nhỏ đơn giản chỉ là “cây nhà lá vườn” do em tự làm, tự chơi. Nhờ đó em cũng tích lũy được kha khá “vốn liếng” làm đồ chơi. Thấy nhà có nhiều vải vụn, bỏ đi thì phí nên em đã tận dụng để tạo ra những con vật tặng các em nhỏ trong xóm. “Các em nhỏ thấy những con vật bằng vải do em làm rất thích. Và em cũng thấy rất vui vì mình không chỉ tạo ra những món quà đơn giản, không tốn quá nhiều tiền mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường từ vải cũ bỏ đi”, Anh Khôi chia sẻ.
Sản phẩm sáng tạo của các em thiếu nhi trưng bày tại Festival Nhà Thiếu nhi toàn quốc lần thứ 7 diễn ra ở TP.HCM mới đây
Giao lưu với các bạn thiếu nhi tại TP.HCM, hai học sinh đến từ Trường Tiểu học Đông Lễ (tỉnh Quảng Trị) là Nguyễn Ngọc Ngân Hà (lớp 1B) và Hoàng Hà Linh (lớp 4B) đã giới thiệu mô hình “Hệ thống lọc nước sinh hoạt gia đình”. Theo đó, mô hình của Ngân Hà và Hà Linh gồm 2 phần: Giàn 1 hứng nước mưa. Giàn này có tính năng tách nước cứng – là loại nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là ion calci và magnesi (Ca2+ và Mg2+). Nước cứng được hình thành khi nước ngầm thấm qua những lớp đá vôi, đá phấn, hoặc thạch cao mà những loại đá này vốn chứa lượng lớn ion calci và magiê ở dạng hợp chất cacbonat, hydro cacbonat, sulfat. Trong khi đó, giàn 2 là cột lọc gồm than hoạt tính, mangan, cát vàng, cát thạch anh, sỏi thạch anh. Ngân Hà và Hà Linh cho biết, ở Quảng Trị có một số nơi kinh tế còn khó khăn, nguồn nước dùng trực tiếp chưa qua xử lý. Trong khi đó, việc trang bị các máy lọc nước hiện đại khó thực hiện. “Với mô hình đơn giản, dễ thực hiện, chúng em hy vọng sẽ giải quyết được một phần vấn đề ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người dân nơi đây. Từ đó, người dân quê chúng em sẽ có sức khỏe để chăm lo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đặc biệt, các em nhỏ có sức khỏe để cắp sách đến trường, được học tập, vui chơi, rèn luyện, cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, Hà Linh mong mỏi.
Bài, ảnh: Khánh Kiều
Bình luận (0)