Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuổi thơ bị “đánh cắp”

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa rồi có dịp về quê chơi, tôi thấy hai đứa cháu con anh trai lúc nào cũng vùi đầu vào sách vở. Cháu lớn học lớp 8 trường chuyên của huyện – ngôi trường mà khối phụ huynh mong con mình được học ở đó – học rất khuya và dậy rất sớm. Có hôm học đến 12 giờ đêm vẫn chưa ngủ, tôi khuyên cháu ngủ sớm, nhưng nó lại nói bài tập còn nhiều. Một lát sau, cháu tắt đèn đi ngủ, nhưng trước lúc ngủ, cháu không quên dặn bà nội: “Mai 4 giờ bà đánh thức cháu dậy nhé! Cháu còn nhiều bài chưa làm…”. Tôi giật mình vì sức học của cháu như thế. Nếu đem ra so sánh thì thời gian nó học ngang ngửa với những học sinh luyện thi đại học. Vì bố mẹ làm xa nên các cháu ở với ông bà. Mẹ tôi cho hay, học ở trường chuyên này, học sinh nào cũng vậy. Còn cháu thứ hai đang học lớp 5, ngoài việc ngày học hai buổi, chủ nhật cũng đi học cả ngày.
Không muốn các cháu phải học nhiều, tôi khuyên chúng nên dành thời gian làm việc khác và vui chơi cho thoải mái. Tôi dạy các cháu học ít mà hiệu quả và cần học thực tế đời sống chứ không phải cứ chăm chăm vào sách vở. Và tôi cũng khuyên cha mẹ là các cháu không cần phải học trường chuyên, học như vậy đánh mất tuổi thơ. Không phải học nhiều ở sách vở là tốt…
Là giáo viên, việc học sinh học nhiều kiến thức sách vở khiến tôi luôn trăn trở. Tôi không bắt các em học nhiều. Tôi luôn dạy các em cần nắm vững kiến thức ngay trên lớp. Tập trung trong giờ học để đạt hiệu quả, hạn chế cho bài tập về nhà. Với học sinh THPT, tôi thường dạy các em về thực tiễn, kỹ năng sống… thông qua kiến thức sách vở. Dạy các em không chỉ “dạy những câu chữ có sẵn” mà “dạy bằng cả tâm hồn mình”. Tôi mong rằng, nhà trường và gia đình đừng đánh cắp tuổi thơ của những đứa trẻ. Và hãy trao “nụ cười trẻ thơ” thay vì ép các em học quá nhiều.
Hoàng Thái Hùng
(Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tuổi thơ “bị đánh cắp”…

Tạp Chí Giáo Dục

Em Đoàn Châu Quân đang giúp dì phụ bán cơm trong những ngày hè

Mùa hè là dịp học sinh (HS) được nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình để lấy lại “thăng bằng”, chuẩn bị cho một năm học mới. Thế nhưng, hiện tại vẫn còn nhiều em phải vất vả kiếm tiền để phụ giúp gia đình.
Tôi gặp Hùng tại một vựa cây kiểng trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7 – TP.HCM), Hùng đang cặm cụi tưới nước cho cây mà không hề biết có người đang “theo dõi” mình. “Em năm nay 11 tuổi, HS Trường Tiểu học Thạnh Lộc 2 – huyện Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang. Vừa nghỉ hè là em ôm quần áo lên đây ở với “ông chủ” (bà con với gia đình của Hùng) để kiếm tiền”, Hùng thỏ thẻ.
Không có mùa hè
Công việc hằng ngày của cậu HS lớp 5 này là tưới nước, bón phân và phụ các công việc nhẹ tại vườn kiểng, thời gian rỗi thì em đem bộ sách giáo khoa mới mua ra “nghiên cứu” trước. Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt ngây thơ, tôi cảm nhận được sự vất vả của công việc này đối với một cậu bé tuổi còn khá nhỏ. Hùng tâm sự: “Công việc này so với sức của em thì hơi nặng, nhưng làm riết thành quen. Được cái ở đây ông chủ thương em lắm, ăn uống cũng sướng hơn dưới quê. Buổi tối, chú ấy thường nhắc nhở em xem trước bài vở cho quen để khi vào học không phải bỡ ngỡ”. Khi được hỏi làm việc ở đây mỗi tháng ông chủ trả bao nhiêu, Hùng tiết lộ: “Cũng kha khá, đủ để trang trải việc mua quần áo, sách vở và các vật dụng học tập khác”.
Khác với Hùng, Đoàn Châu Quân, 12 tuổi, HS Trường THCS Huỳnh Mẫn Đạt hiện đang phụ người dì bán cơm trên đường Trần Bình Trọng (Q.5 – TP.HCM) lại nhanh nhẹn, hoạt bát hơn rất nhiều. Là một “công dân” gốc ở thành phố nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cứ vào hè, Quân lại phụ dì bán cơm để giúp đỡ gia đình có thêm thu nhập. Công việc của Quân là nhặt rau, bưng bê cơm, nước cho khách, cũng khá vất vả với một HS lớp 6 có thân hình nhỏ bé này. “Nghỉ hè, em cũng muốn được đi chơi đây đó hay được nghỉ ngơi, học phụ đạo hè nhưng do hoàn cảnh gia đình không cho phép nên em phải “làm thêm” để phụ giúp cha mẹ”.   
Các bậc phụ huynh cần xem lại…
Không riêng gì trường hợp của Hùng, Quân mà còn rất nhiều học sinh khác không có mùa hè vì phải lo kiếm tiền. Làm thế nào để hạn chế và từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng này mới là vấn đề đáng được quan tâm. Điều này, cần có sự phối hợp của nhiều phía, trong đó quan trọng nhất là nhận thức của các bậc làm cha, làm mẹ. Chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng – một phụ huynh ở Q.7 chia sẻ: “Các bậc phụ huynh đừng vì bất cứ lý do gì mà để con em mình đi làm sớm, điều đó là không tốt cho lứa tuổi của các em”. Thật sự, việc kiếm tiền quá sớm sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ. Ông Phạm Thế Nguyện – Phó phòng Lao động Thương binh & Xã hội Q.7 cho biết: “Việc trẻ có thể tự kiếm được tiền khi tuổi đời còn quá nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển về tâm, sinh lý sau này và nhất là khiến trẻ “ham tiền, lười học”. Tâm lý không học vẫn kiếm được tiền của nhiều trẻ là điều rất đáng lo ngại”. Cũng theo ông Nguyện, đây là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà quản lý, cơ quan ban ngành có liên quan khi việc trẻ em đi làm như thế có sự “ủng hộ” từ phía gia đình: “Thật khó cho chúng tôi khi gia đình lại là người đứng đằng sau “cổ vũ” con em đi làm và những nơi mà các em được nhận vào thường là chỗ quen biết, bà con nên không dễ để phát hiện và xử lý”.
Bài, ảnh: Công Luận
Việc ra đời khi đầu óc chưa đủ lớn sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng xấu đến các em sau này. Không thể kết luận ngay rằng Hùng, Quân sau này sẽ như thế nào nhưng việc phải “lao động” từ quá sớm sẽ khiến các em mất đi một tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng.