Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tuổi thơ mắc kẹt trong ánh đèn sân khấu

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em nổi tiếng sớm không phải là vấn đề của riêng một quốc gia hay địa phương nào. Hiện tượng nghiện ngập, trưởng thành khó, thậm chí sa sút của các “sao nhí” điện ảnh, âm nhạc, thần đồng trên thế giới là một hệ quả mang tính toàn cầu.

“Sao nhí” dễ bị mắc kẹt trong luồng sáng của ánh đèn sân khấu

“Sao nhí” dễ bị mắc kẹt trong luồng sáng của "ánh đèn sân khấu"

Tốc độ nổi tiếng nhanh theo sự bùng nổ của internet và mạng xã hội khiến cả nghệ sĩ trưởng thành cũng bị choáng váng, mất phương hướng, huống hồ các em nhỏ. “Sao nhí” bị mắc kẹt trong luồng sáng của mấy chục ngọn đèn sân khấu nên không khó để hiểu những hậu quả mà các em phải nhận.

Sân khấu là sự tái hiện của cuộc đời, nhưng là một sự tái hiện điển hình, cô đặc. Khó khăn lắm, nghệ sĩ mới xả được vai khi bước xuống khỏi sân khấu. Các “sao nhí” có thể rất khó “xả vai”, rất dễ nhầm lẫn đó là cuộc đời thật nên sẽ khó sống bình thường, phát triển bình thường trong đời thật. 

Hậu quả đầu tiên là chúng dễ kiêu căng, tự mãn bởi bị tung hô quá sớm, ảo tưởng về tài năng, nghĩ mình giỏi giang hơn tất cả, mình làm được tất cả. Kế đó, chúng không chịu học, không chịu rèn luyện, tỏ ra khó chịu khi phải tuân thủ khuôn khổ, chuẩn mực. Lâu dần, chúng mất khả năng học hỏi, thậm chí phá hỏng những mối quan hệ với bạn bè, gia đình, người thân, rơi vào sự cô độc và khủng hoảng.

Vai trò của gia đình đối với những đứa trẻ này vô cùng quan trọng, nhưng yêu cầu đối với gia đình đó cũng khá khắc nghiệt. Phần lớn phụ huynh không được chuẩn bị để đào tạo một tài năng hay một người nổi tiếng. Nếu cứ lấy quyền làm cha mẹ, quyền làm anh chị để dạy dỗ theo lối cũ, sẽ không tránh khỏi phản ứng ngược từ phía trẻ; phụ huynh cũng không thể tránh khỏi mất bình tĩnh, cư xử không phù hợp. 

Khi chuyện vỡ ra, ai cũng nhận mình chỉ muốn tốt cho con, cho em, nhưng giữa mong muốn và cách làm không ăn nhập. Công luận theo suốt diễn biến câu chuyện 24/7, mạng xã hội phơi bày, bới móc mọi thứ khiến vết thương không có khoảng ngừng nào để khép miệng.

Trong trường hợp này, gia đình cần “chuyên nghiệp” hơn để vừa bảo vệ được con em mình, vừa tạo điều kiện để tài năng của con, em được đào tạo bài bản, phát triển lên cao, tiến xa. Các nhà giáo dục từng đề cập đến khái niệm “gia đình đầu tư” và “gia đình khai thác”, với mong muốn các tài năng trẻ đừng bị khai thác quá sớm. 

Tuy nhiên, thực tế là cả trẻ và phụ huynh của chúng đều khó cưỡng lại được sức hút của đồng tiền, nhất là khi gia đình trẻ khó khăn về kinh tế, và sự vụt sáng của tài năng nhí mang lại nguồn thu quá lớn. Làm ra tiền sớm, trẻ mất đi sự hồn nhiên tuổi thơ vốn có. Khi trẻ ở vị trí người kiếm nhiều tiền nhất trong nhà, trẻ ý thức ngay quyền lực của mình, đóng góp của mình, trở nên khó dạy bảo hơn, thậm chí coi thường những thành viên khác trong gia đình. 

Giải pháp căn cơ là tách biệt các vấn đề gia đình và các lợi ích kinh tế. Tài năng nên được trân trọng giữ gìn, phát triển, tạo điều kiện chứ không phải theo kiểu “bán lúa non”. Các nguồn thu của trẻ nên được giám hộ đầy đủ cho đến khi trẻ có đủ năng lực quyết định. Nhiệm vụ của gia đình là nuôi dạy, tạo môi trường tốt nhất cho trẻ phát triển. 

Con người ở từng độ tuổi khác nhau sẽ gắn bó với những tế bào xã hội khác nhau: với tuổi thơ là gia đình, với tuổi trưởng thành là các tổ chức nghề nghiệp, kinh tế xã hội. Trong gia đình, trẻ được bảo bọc, yêu thương; gia đình giáo dục trẻ bằng mối quan hệ ruột thịt gắn bó chứ không phải bằng mối quan hệ quản lý, quan hệ tiền bạc. 

Nếu anh chị, cha mẹ (thành viên gia đình) làm quản lý cho con (trong vai trò nghề nghiệp, công việc) tức là đang đổi vai. Muốn chuyển đổi giữa các vai trò này, họ cần được đào tạo bài bản về nghề nghiệp, cảm xúc, các ranh giới rõ ràng, để không nhầm lẫn quyền lực gia đình và quyền lực kinh tế. Nếu nhập nhằng, nhầm lẫn, họ có thể đánh mất cả hai. 

Nghĩ cho cùng, một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hoàn hảo nhất cũng không thể tránh khỏi có lúc mâu thuẫn, giận dỗi cha mẹ. Ở tuổi dậy thì, bất đồng ý kiến giữa cha mẹ và con cái là chuyện bình thường. 

Xin đừng đổ thêm dầu vào lửa, rọi thêm đèn pha vào sân khấu, mổ xẻ mãi câu chuyện buồn của một gia đình. Xin hãy để câu chuyện đó rời khỏi ánh đèn, để đủ thời gian cho những vết thương lành miệng lại, và những đứa trẻ được bình tĩnh lớn lên. 

Theo Lập Phương/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)