Gọi là lớp học, nhưng chỉ lác đác vài cháu ở các độ tuổi khác nhau. Không có bảng đen, phấn trắng, không có tiếng trống trường rộn rã, những đứa trẻ ở trại giam số 5 vẫn chăm chú theo từng hướng dẫn của cô giáo.
Trong căn phòng nhỏ chừng 30 m2 của trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá), mấy đứa trẻ đôi mắt trong veo đang lóng ngóng đánh vần bảng chữ cái. Những chữ A, chữ O còn chưa tròn trên vành môi.
Lớp học rất nhiều đồ chơi, đầy đủ bàn ghế, sàn nhà lát đá hoa mát rượi. Mỗi ngày, sau khi ăn sáng, các bé tự vào lớp, tự kê bàn ghế và bắt đầu với những bài học ở các độ tuổi khác nhau. Bé luyện chữ cái, bé tô màu bức tranh hay "vật lộn" với những phép toán. Tiếng cãi nhau, tranh nhau những chiếc bút tô màu làm náo loạn cả một góc phòng.
Mái tóc được buộc gọn gàng và cài chiếc cặp tóc sắc màu, bé Ánh bặm môi, ấn chiếc bút chì trên nền vở kẻ ô ly nguệch ngoạc viết chữ O chưa tròn, nét chữ run run. Đã bước sang tuổi thứ 8, nhưng giờ Ánh mới loay hoay viết được một số chữ trong bảng chữ cái, còn chưa đánh vần được cả tên mình. Bé lật giở cuốn vở đã rách nát bìa, khoe những con chữ mới được cô giáo dạy, mắt ánh lên niềm vui sướng.
Ánh mắt trong veo và nụ cười dễ thương của những phận trẻ ở trại giam số 5. Ảnh: Anh Thư |
Ở lớp học này, Ánh là cô bé xinh xắn và nhanh nhẹn nhất trong mấy đứa trẻ ở độ tuổi như em. Nhưng đôi mắt ngây thơ của em vẫn lẩn quất một nỗi buồn. Tuổi thơ của em lớn lên tại trại giam, gắn mình với những người "mẹ" tù và một vài đứa trẻ cùng cảnh ngộ. Ánh được sinh ra trong trại tạm giam và theo mẹ vào đây thụ án đã được mấy năm.
Mẹ Ánh kết tội buôn bán ma tuý với án 14 năm đằng đẵng, lại đang phải đối mặt với căn bệnh lao phổi. Khi bị bắt năm 2002, chị cũng không biết mình đã mang trong mình một mầm sống. Bé Ánh ra đời trong sự yêu thương của những cán bộ trại tạm giam và những người bạn tù. Nhiều năm qua, Ánh không nhớ nổi mặt bố, bởi người cha cũng phải bóc lịch trong chốn lao tù vì buôn bán ma tuý.
“Những đứa trẻ ở đây đều biết án của bố mẹ mình và chúng trả lời vanh vách”, cô giáo Thơ, phụ trách lớp học cho hay.
Đang trò chuyện với khách, cô giáo Thơ phải ngừng lại và chạy xuống phía dưới phòng. Khánh Linh và Đức (cùng 4 tuổi) đang mếu máo tranh nhau chiếc bút màu để tô bức tranh còn dang dở, nét vẽ của các bé nguệch ngoạc, chằng chịt về ông mặt trời hay tô trên những bức tranh có sẵn. Quần áo, chân tay bé nào cũng nhem nhuốc phẩm màu nhưng ánh mắt thì lộ rõ vẻ vui sướng.
Khánh Linh ngượng ngùng giấu bức vẽ khi thấy người lạ. Cô bé mặc chiếc váy trắng và đeo một chiếc vòng cổ xinh xắn. Mới 4 tuổi, nhưng khuôn mặt Khánh Linh vẻ già dặn hơn so với tuổi. Còn Đức thì suy dinh dưỡng, chỉ nặng khoảng 12 kg. Khánh Linh và Đức cùng sinh ra trong trại giam này. Mẹ của các em đều bị án ma tuý và phải cải tạo nhiều năm.
“Cháu chẳng biết bố là ai vì chưa bao giờ gặp”, Khánh Linh lúc lắc mái tóc ngắn, bẽn lẽn nói. Khánh Linh mang họ mẹ, mẹ bé là Sòng Thị Pa, ở Mai Châu, Hoà Bình, bị kết án 16 năm vì tội buôn bán trái phép chất ma tuý.
Cô giáo Thơ đang cầm tay hướng dẫn Ngọc Ánh viết chữ. Ảnh: Anh Thư |
Lúc bị bắt, chị Pa mới nhận ra mình đang mang trong người một mầm sống. Chị từ chối hoãn thi hành án, chấp nhận sinh con trong trại giam. Khánh Linh lớn lên trong trại. Suốt thời gian ở đây, cô bé cũng chẳng biết bố là ai. Sự tủi phận của những đứa trẻ trong trại giam như hằn lên trên mặt. Khánh Linh rất ít cười.
“Thỉnh thoảng các cháu mới được gặp mẹ, vì hầu hết các cháu lớn tuổi đều ăn, ngủ ở một khu riêng biệt, có người chăm sóc riêng”, cô giáo Thơ cho biết.
Gắn bó với các cháu ở trại giam chưa lâu, nhưng cô giáo Thơ hiểu từng nết ăn, nết ngủ của các bé vì hầu hết thời gian Thơ đều dành cho bọn trẻ, từ dạy chúng cầm bút, tô màu đến viết các chữ cái, cách sống…
“Gọi là lớp học nhưng chẳng có giáo án, em chỉ dạy theo trình độ của mỗi cháu, dạy đánh vần và ghép chữ. Đứa lớn tuổi nhất là 12 tuổi mới chỉ đang học ở trình độ lớp 2, vẫn vật vã với các phép tính cộng trừ đơn giản”, Thơ tâm sự.
Thượng tá Nguyễn Thị Can, Phó giám thị trại giam cho biết, những thân phận như mẹ con bé Ánh ở trại giam không phải hiếm. Hầu hết các gia đình lâm cảnh khốn cùng, eo hẹp về kinh tế lại neo người nên đành phó mặc những đứa con bé bỏng cho trại nuôi nấng, dạy dỗ.
"Chúng tôi trăn trở chuyện học hành của các cháu khi không được theo học trường lớp chính quy. Trại đã làm đơn, làm đủ các thủ tục, đề nghị địa phương can thiệp, nhưng chưa được", thượng tá Can chia sẻ.
Theo quy định của trại, buổi sáng trước giờ đi lao động, mẹ các bé ở dưới 3 tuổi đem con đến lớp học gửi, buổi chiều đón về buồng giam với mẹ. Còn các bé lớp mẫu giáo, cuối tuần sẽ được đón về buồng giam và chiều chủ nhật lại quay trở lại lớp học. |
Anh Thư (VnExpress)
Bình luận (0)