Bài cuối: Nhà tù thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy
Những cựu tù TN chụp ảnh kỷ niệm trước nhà tù Đà Lạt |
Trước nay, nói đến Đà Lạt bất cứ ai cũng biết đó là thành phố cao nguyên xinh đẹp, thành phố ngàn thông thơ mộng… nhưng chắc chắn không có nhiều người biết chính trên thành phố này đã từng có một nhà tù mà trên thế giới chưa hề có, bởi 600 tù nhân bị chế độ ngụy quyền Sài Gòn giam cầm ở đây là… thiếu nhi (TN).
Đã 38 năm qua, những tưởng khí thế đấu tranh kiên cường của một thế hệ anh hùng và những trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù đã đi vào lịch sử, đi vào quá khứ? Hay chỉ còn lại trong tâm khảm của chính những người cộng sản trẻ tuổi kiên cường lúc ấy, mà bây giờ có người mất, người còn và họ đều ở tuổi ngũ tuần! Nếu không có sự ra đời cuốn sách Tuổi trẻ bất khuất – Nhà lao TN Đà Lạt ngày ấy… do NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 9-2006 và nếu không có cuộc hội thảo về nhà lao TN Đà Lạt, do Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch tổ chức tại Đà Lạt ngày 24-4-2008, thì có lẽ ít ai biết về một “địa ngục trần gian” có một không hai này!
Trong những năm 1968 – 1970, phong trào đấu tranh cách mạng nổ ra mạnh mẽ khắp miền Nam, đặc biệt sau chiến thắng tết Mậu Thân năm 1968 và chiến thắng của nhân dân ta diễn ra khắp miền Nam đã tác động đến phong trào đấu tranh tại các nhà tù làm cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn lúng túng. Để đối phó với phong trào cách mạng, “ly gián” lực lượng tù nhân chính trị trong các nhà tù ở miền Nam, địch tiến hành các giải pháp mà theo chúng là hữu hiệu nhất, đó là tách số tù nhân dưới 18 tuổi ra khỏi số tù nhân lớn tuổi. Vì thực tế, trong các cuộc đấu tranh diễn ra nơi lao tù, ngoài lực lượng tù nhân lớn tuổi kiên cường với lý tưởng của người cộng sản, thì tù nhân TN cũng là lực lượng “đáng gờm”. Nếu tách rời hai lực lượng này ra sẽ không còn có sự tiếp ứng, hỗ trợ cho nhau, khi đó địch sẽ dễ dàng phân hóa, cải tạo, gội rửa “tư tưởng cộng sản” ở loại tù nhân nhỏ tuổi này! Đây chính là nguyên nhân sâu xa và thâm độc của kẻ thù dẫn đến sự ra đời nhà lao TN Đà Lạt mà chúng bịp bợm công luận rằng “Trung tâm giáo huấn TN Đà lạt” (đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn).
Đầu năm 1971, “Trung tâm giáo huấn TN Đà Lạt ra đời”. Trung tâm đặt tại Đồi Chi Lăng thuộc phường 9 – TP Đà Lạt. Gọi là “Trung tâm giáo huấn” nhằm thực hiện chính sách mị dân của kẻ thù, thực chất đây là một nhà lao giam cầm TN, những người cộng sản nhỏ tuổi (từ 12 đến 17 tuổi) bị giặc bắt trên khắp miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào).
Trung tâm giáo huấn TN Đà Lạt tập hợp 600 tù nhân TN, trong đó có 400 nam và 200 tù nhân nữ, được giặc tách ra giam cầm hai khu vực riêng biệt. Gọi là Trung tâm giáo huấn, nhưng thực chất giặc áp dụng một chế độ quản lý đặc trưng chế độ nhà tù.
Trung tâm đã sớm bộc lộ âm mưu thâm độc của kẻ thù và ngay lập tức vướng phải sự phản kháng, đấu tranh quyết liệt của 600 tù nhân TN một cách kiên cường. Không thực hiện được chính sách mị dân xuyên tạc, dụ dỗ, mua chuộc để phân hóa, kẻ thù điên cuồng quay sang đàn áp bằng những cực hình dã man nhất: mỗi ngày bị đánh 3 đợt (sáng, trưa và tối), mỗi lần đánh tất cả tù nhân 5 roi, chúng cùm từng nhóm tù nhân lại và nhốt trong các xà lim buốt giá của khí trời Đà Lạt. Chưa hết, tối đến mỗi người tù còn “được” giội nước lạnh vào người! Thâm độc hơn, chúng dùng chiêu bài “lấy người tù trị người tù” bằng việc xây dựng những tù nhân chiêu hồi làm tay sai, nội gián để sẵn sàng đàn áp tù nhân.
Phong trào đấu tranh đã diễn ra mạnh mẽ tại nhà lao này, thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, do các anh chị lớn tuổi và một số đảng viên lãnh đạo. Các phong trào đấu tranh chống chào cờ, không hát quốc ca của giặc, xé cờ của chính phủ Việt Nam cộng hòa… diễn ra mạnh mẽ, liên tục làm cho kẻ thù lo sợ. Hành động gan dạ và bất khuất tại nhà lao TN Đà Lạt là tự mổ bụng phản đối chế độ nhà tù của 3 tù nhân TN được tổ chức kỹ lưỡng thực hiện nhằm phản đối chế độ hà khắc của lao tù, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống đàn áp, trả tự do cho tù nhân đã mãn hạn tù… Ngoài ra, các chiến sĩ nhỏ tuổi của nhà tù cũng đã 7 lần tổ chức vượt ngục để trở về tiếp tục chiến đấu…
Từ những phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của những người tù nhỏ tuổi đã làm cho giặc thất bại âm mưu khi tổ chức trung tâm này, buộc giặc phải nhượng bộ, đồng nghĩa với sự tan rã Trung tâm giáo huấn TN Đà Lạt như là một tất yếu. Đầu tháng 6-1973, Trung tâm giáo huấn TN Đà Lạt bị giải tán…
Cuối Lời tựa cuốn sách, Nhà báo quá cố Trần Bạch Đằng viết: “Tôi tin rằng với chất văn chân thật và sống động xuất phát từ trái tim… quyển sách sẽ góp phần giáo dục truyền thống và lý tưởng cho thanh thiếu niên, động viên và nỗ lực phấn đấu của tuổi trẻ ngày nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước…”.
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)