Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuổi trẻ đáng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Tuổi trẻ bồng bột mang đầy hoài bão, giữa muôn vàn thách thức ôm chặt lấy cơ hội, để trải nghiệm và để… thất bại. Tuổi trẻ hãy cứ vấp ngã vì cuộc đời cho phép. Nguyên lý của phương pháp Thử và Sai (Trial And Error Method) là tuần tự thử triển khai các giả thuyết, rồi loại bỏ dần các giả thuyết sai cho đến khi tìm được kết quả đúng, như cách mà nhà bác học Thomas Edison thất bại hơn 10.000 lần để mang lại ánh sáng cho nhân loại. Dẫu vậy, có những cái sai sửa được, cho ta một cơ hội thứ hai để thực hiện lại, cho ta một bài học để trải nghiệm. Thế nhưng, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ từng viết trong tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác”, đòi buộc chúng ta phải cẩn trọng mỗi bước đi và trân quý mỗi quyết định.

Ngày 5-3 vừa qua, đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 tại TP.HCM, ở câu 1 có nội dung: Trong tập thơ “Có người sực tỉnh cơn mơ…”, nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân trải lòng: Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại/ Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông/ Rồi đến lúc chẳng còn nhiều chọn lựa/ Đành yên lòng chấp nhận chuyện sai hơn. Hãy viết về một bài học cuộc sống mà anh/chị rút ra được từ bài thơ trên.

Thật đâu dễ đưa ra quyết định chấp nhận hay buông bỏ, khi ta phải đứng giữa ngã ba đường. Người khôn ngoan sẽ thấy trước đích đến để chọn con đường sẽ đi. Người vội vàng chọn sai thì phải đi một đoạn khá xa, để rồi cuối cùng vẫn quay lại vạch xuất phát, mà khi đó cái giá phải trả là mất rất nhiều thứ quý giá như là thời gian đeo đuổi, phí công phí sức, phí hoài tuổi xuân, và có khi đánh mất cả niềm tin vào chính mình, cho một bài học cay đắng, xót xa: “Đói lòng ăn trái khổ qua/Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười”.

Điều mà nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân muốn gửi gắm qua hai câu thơ: “Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại/ Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông”, có thể bắt gặp đâu đó khi bạn chọn cho mình môi trường sống và làm việc, định hướng nghề nghiệp tương lai, đầu tư trong kinh doanh… và kể cả cách lựa chọn người yêu của giới trẻ hiện nay. Nhiều người nghĩ cứ thích rồi sẽ là thương. Khoảng cách giữa thích và thương mong manh như sợi tóc, mà trong cuộc đời mỗi người nếu may mắn lắm mới gặp được 1 hoặc 2 người thương mình, còn lại là những loại tình cảm na ná như thương thì nhiều lắm. Tìm một người đi bên cạnh lúc vui thì dễ, mà tìm một người ở bên cạnh lúc buồn mới khó. Thích một người không thích mình, chính là dù mình có cố gắng đến mức nào thì trong mắt họ mối quan tâm với mình chỉ là màn sương vô cùng mờ nhạt. Có bên cạnh thì vui, không có cũng chẳng buồn. Gặp gỡ, quen biết, trao yêu thương và rồi chia tay có phải là nỗi cay đắng trong trái tim con người. Sai lầm càng lớn, rủi ro càng cao. Tuổi trẻ cho ta nhiều cơ hội lựa chọn, thế nhưng các bạn trẻ ơi, đừng vội bước vào cuộc đời người khác bằng sai lầm, đừng vội lao vào tìm kiếm một nửa kia để rồi thay bạn như thay áo, cho dù có ràng buộc bởi thể xác nhưng chẳng thể trói buộc tâm hồn. Yêu cuồng sống vội chốc phát sẽ chốc tàn, rồi chợt nhận ra khóe mắt nhỏ lệ, ôm lấy những nỗi trống vắng không thể lấp đầy…

Khi người ta đã trải qua sự đổ vỡ rồi, người ta mới thấu được mọi sai lầm, mọi sự nuối tiếc đều không thể lấy lại được. Rồi, một lúc nào đó chúng ta chợt nhận ra có những điều không nên so đo là ai đúng ai sai, quan trọng là chúng ta có muốn giữ mối quan hệ đó hay không, và người đó quan trọng tới mức nào với chúng ta.

Lâm Vũ Công Chính
(giáo viên Trường THPT Nguyễn Du,
Q.10, TP.HCM)

 

Bình luận (0)