Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuổi trẻ TPHCM và tinh thần dấn thân

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiệm kỳ qua, Thành đoàn TPHCM đã triển khai và kiên trì xây dựng các giá trị mẫu hình thanh niên với các tiêu chí: yêu nước – khát vọng, đạo đức – trách nhiệm, tri thức – sáng tạo, năng động – văn minh. 

Bên cạnh yếu tố năng động, sáng tạo trong phong trào lập thân, lập nghiệp, tuổi trẻ thành phố còn thể hiện rõ nét nhiều phẩm chất tốt đẹp, dám nghĩ, dám dấn thân vào những phần việc khó, chung tay đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Dám nghĩ, dám hành động
Tầm 7 giờ sáng, trên đường đi làm, như thói quen, chị Nguyễn Thị Mỹ Trang ghé vào cửa tiệm bánh mì Má Hải trên đường Vĩnh Viễn (quận 10) mua ổ bánh mì chả cá hương vị quen thuộc. Ngoài chị Trang, cửa tiệm này còn có rất nhiều khách “ruột”. Với cách trưng bày bắt mắt, màu cam cửa tiệm nổi bật, phong cách phục vụ nhanh nhẹn, dễ thương của nhân viên và nhất là chất lượng ổ bánh đậm đà phong cách riêng, cửa tiệm đã “níu chân” khách hàng muốn trở lại lần sau.
Tuổi trẻ TPHCM và tinh thần dấn thân ảnh 1
Thương hiệu Bánh mì Má Hải trao phương tiện sinh kế hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.
Sự thành công của chuỗi thương hiệu bánh mì Má Hải được Hồ Đức Hải, Đoàn Văn Minh Nhựt thực hiện từ số vốn khởi nghiệp chỉ… 2 triệu đồng. Sau 7 năm khởi nghiệp, thương hiệu bánh mì Má Hải đã có mặt tại hơn 500 điểm bán khắp nước (TPHCM có hơn 200 điểm, cửa hàng) theo hình thức nhượng quyền. Doanh thu mang lại trên toàn hệ thống hàng tháng hơn 1 tỷ đồng.
Theo Minh Nhựt, khó khăn ban đầu thì vô số kể, nhưng khi thương hiệu được khẳng định bằng chính chất lượng sản phẩm, các bạn nghĩ đến việc mở rộng cửa hàng. Điều may mắn của 2 ông chủ trẻ này chính là nhận được sự trợ sức từ Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC). Khi 2 anh quyết định đầu tư nhà máy, BSSC đứng ra đỡ đầu về vốn. “Sự tiếp sức kịp thời của BSSC còn ở khâu tư vấn khởi nghiệp, kết nối cung cầu, các kênh mở rộng đầu tư, quảng bá hình ảnh… cho thương hiệu. Nhờ đó, bánh mì Má Hải có được chỗ đứng như ngày nay”, Minh Nhựt chia sẻ. Đến nay, thương hiệu ấy trao phương tiện sinh kế (xe bánh mì) hỗ trợ nhiều thanh niên lập nghiệp.
Vừa trở về từ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia, Nguyễn Hồng Huy, CEO Công ty TNHH Sô Cô La Hallelu (tại TP Thủ Đức), cho biết anh có thêm động lực và niềm tin để bước trên con đường đã chọn. “Sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM và Trung ương cũng như sự hỗ trợ của BSSC giúp người trẻ tự tin bước tiếp”, Hồng Huy bày tỏ. Khởi nghiệp từ niềm đam mê và số vốn ít ỏi tích cóp được, anh chọn sản xuất sô cô la, với mong muốn ban đầu là giúp người nông dân tiêu thụ trái ca cao. Vốn là kỹ sư, anh nghiên cứu và chế tạo ra máy sản xuất sô cô la cho doanh nghiệp của mình, được Sở KH-CN TPHCM đánh giá cao. Từ quyết tâm, dám nghĩ, dám làm và tinh thần sáng tạo cùng sự hỗ trợ kịp thời của BSSC, đến nay Hồng Huy đã hoàn thiện dây chuyền gồm 10 công đoạn – từ sử dụng máy móc hiện đại đến những khâu thủ công tỉ mỉ.
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM Ngô Minh Hải chia sẻ, phong trào “Thanh niên thành phố khởi nghiệp – lập nghiệp” là nội dung nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên thành phố. Đến nay, nguồn Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thành phố đã giúp khoảng 215 tỷ đồng cho hơn 1.000 dự án, mô hình thanh niên của thành phố khởi nghiệp.
Tạo môi trường để tuổi trẻ rèn luyện, phát triển
Thời gian qua, tuổi trẻ TPHCM đã phát huy nhiều phẩm chất tốt đẹp, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào những phần việc khó. Tinh thần xung kích, dấn thân càng thể hiện rõ trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM. Lúc đó, hàng ngàn thanh niên đã tình nguyện tham gia các mặt trận phòng chống dịch, xông pha vào những nơi gian nguy nhất.
Đây cũng là thời điểm nhiều mô hình sáng tạo trong phòng chống dịch được ra đời từ những đôi bàn tay, khối óc của người trẻ, góp phần không nhỏ vào thành quả phòng chống dịch. Hẳn nhiều người không quên các ATM gạo do Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM Hoàng Tuấn Anh sáng tạo. Sau đó, các ATM oxy và ATM F0 được phối hợp thực hiện từ nhiều đơn vị đã góp sức giải quyết vấn đề an sinh ở thành phố khi dịch bệnh xảy ra. Hay kênh Go Volunteer! trở thành kênh huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch trên các mặt trận.
Chỉ tính trong đợt phòng chống dịch Covid-19, tuổi trẻ TPHCM đã có hàng ngàn sáng chế, ý tưởng tham gia phòng chống dịch. Trong nhiệm kỳ qua, Thành đoàn TPHCM đã tiếp nhận hơn 1 triệu sáng kiến (đạt 101,3% chỉ tiêu đề ra), trong đó hơn 18.700 ý tưởng, sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn (đạt 187% chỉ tiêu đề ra).
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM xác định: “Xây dựng TPHCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”. Thành đoàn TPHCM đã cụ thể hóa nghị quyết bằng “Không gian Bác Hồ với thiếu nhi” tại Nhà Thiếu nhi TPHCM. Đồng thời, các cơ sở Đoàn trên địa bàn TPHCM đồng loạt xây dựng nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ không gian vật thể, phi vật thể đến không gian trên mạng. Trong đó, với cách truyền tải đa dạng, nội dung thông tin phong phú, được trích dẫn từ những nguồn thông tin tin cậy, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng của Đoàn Trường Đại học Sư phạm TPHCM và Đoàn Trường Đại học KHXH-NV TPHCM đã trở thành địa chỉ quen thuộc của sinh viên.
Phát huy thế mạnh của sinh viên với các khoa ngoại ngữ, nhiều tư liệu và các tác phẩm của Bác trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng của Đoàn Trường Đại học Sư phạm TPHCM còn được biên tập, biên dịch ra nhiều thứ tiếng. Qua đó, các bạn đoàn viên, thanh niên có thêm cơ hội nghiên cứu, tìm hiểu và giới thiệu đến bạn bè quốc tế về gia thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Bên cạnh đó, việc sử dụng các bài hát, rap sôi động cũng đã đưa tư tưởng, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trở nên gần gũi hơn, góp phần lan tỏa, làm phong phú thêm kho tàng kiến thức của nhiều bạn trẻ. 
THU HƯỜNG (theo SGGP)

Bình luận (0)