Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tượng đài Bác Hồ và tấm lòng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Tạp Chí Giáo Dục

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại công viên trước Trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (quận 1), đang được gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng để tổ chức Lễ báo cáo với nhân dân và Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 17/5 tới, đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015).

Đây là công trình được nhân dân và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mong mỏi, ấp ủ trong suốt gần 40 năm qua, sau khi đất nước thống nhất và cũng gần bằng ấy thời gian, thành phố vinh dự được mang tên Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã được cải tạo xây dựng trở thành quảng trường, phố đi bộ, tạo không gian đẹp trước khuôn viên Tượng đài, để tôn vinh công trình Tượng đài Bác Hồ. (Ảnh: TTXVN)

Khắc họa rõ nét thần thái của Người

Để có được Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại vị trí trang trọng, trung tâm của thành phố như hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chuẩn bị, tổ chức triển khai trong hơn 4 năm qua, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng chính thức đồng ý chủ trương cho thành phố xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại trung tâm hành chính Thành phố.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, quyết định rất cẩn trọng để có được Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đẹp nhất, thể hiện chân thực nhất con người, nhân cách của Người. Một cuộc thi sáng tác mẫu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát động từ tháng 5/2013 đến tháng 8/2013. Kết quả đã có 32 mẫu phác thảo của 24 tác giả và 1 đơn vị tham gia, được Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức trưng bày để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Cuối cùng, mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đã được chọn để thực hiện.

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới tâm sự: "Tham dự cuộc thi sáng tác mẫu tượng lần này, khi Hội đồng nghệ thuật chấm và chọn mẫu tượng phác thảo của tôi, tôi ý thức được rằng đây cũng chính là lúc lịch sử đã đặt vào tay mình một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Do vậy, tôi đã xác định một quyết tâm rất cao để thực hiện tốt nhất tác phẩm quan trọng này."

Theo nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, áp lực đặt lên vai người nghệ sỹ sáng tác rất cao trong việc hoàn thành tượng Bác lần này. Bởi lẽ, sau khi phác thảo được chọn và được đưa ra lấy ý kiến quần chúng nhân dân 2 lần tại thành phố, các ban, ngành, đoàn thể, các giới, các tầng lớp nhân dân đã đến xem phác thảo và đóng góp ý kiến. Phác thảo của ông đã nhận được hơn 4.000 ý kiến và số lượng văn bản giấy tờ góp ý lên tới 15 kg.

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới chia sẻ nghiên cứu, đọc tài liệu góp ý, bản thân ông thấy áp lực ghê gớm. Điều này chứng tỏ mọi người rất quan tâm đến tác phẩm tượng Bác lần này. Rồi tác phẩm được đưa ra Bộ Chính trị duyệt, cũng 2 lần. Yêu cầu đặt ra là tượng đặt ở thành phố mang tên Bác nên mẫu tượng phải thật đẹp, thật tốt và có thể làm mẫu mực cho cả nước. Điều đáng mừng là qua quá trình thực hiện, từng bước một mẫu tượng ngày càng được hoàn thiện, khiến ông có thể yên tâm về tác phẩm mình đã làm.

Với những nỗ lực của bản thân và sự góp ý của nhân dân, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đã xây dựng, hoàn thiện Tượng đài Bác Hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh với dáng đứng thanh cao, khoan thai nhẹ nhàng.

Ông Lâm Quang Nới cho biết tượng thể hiện Bác đang đi rất thong dong, thoải mái và dang tay chào mọi người. Bác mặc áo trong là sơ mi, ngoài là áo khoác, không cài nút, tà áo bay ra. Hình ảnh thể hiện tính phóng khoáng của con người Nam bộ. Khuôn mặt của Bác là phần khó nhất trong quá tình thực hiện tượng đài Bác, tác giả Lâm Quang Nới đã nỗ lực khắc họa được vầng trán cao rộng, đôi mắt bao trùm, chứa chan tình yêu thương của Người. Tượng dù ở góc độ nào cũng có thể nhận ra được đó là Bác Hồ, toát lên vẻ đẹp trí tuệ, nét vui tươi, gần gũi, thân thiện của Người.

Bác Hồ giữa lòng thành phố mang tên Bác

Vị trí đặt tượng Bác đã được các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương xem xét, cân nhắc rất kỹ trước khi chọn địa điểm tại công viên trước trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, hướng ra bờ sông Sài Gòn, dọc tuyến đường Nguyễn Huệ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận, vị trí đặt tượng là “địa chỉ vàng” của thành phố cả về cảnh quan, không gian kiến trúc, về giá trị văn hóa, lịch sử, gắn với sự phát triển hiện tại; là không gian mở, đẹp, trang trọng, ấm cúng, gần gũi với người dân. Đây cũng là nơi đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước đến thành phố Hồ Chí Minh tham quan.

Thống nhất cao vị trí này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, địa điểm này nằm ở trung tâm thành phố, nơi đã đặt tượng Bác Hồ (Tượng nghệ thuật "Bác Hồ với thiếu nhi"), một địa điểm gắn với tiềm thức của nhân dân và du khách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; một địa điểm có cảnh quan đô thị đảm bảo tính trang nghiêm nhưng ấm cúng và gần gũi với cuộc sống của nhân dân thành phố, có cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho đầu tư hiệu quả, tiết kiệm. Có thể nói, đây là vị trí trang trọng, thuận lợi để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đến chiêm ngưỡng chân dung của Bác khi đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đề án, tổng thể Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có chiều cao là 7,2m, trong đó Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hợp kim đồng cao 4,5m, bệ tượng 2,7m. Chiều cao này đảm bảo tỷ lệ hài hòa giữa tượng đài và chiều cao công trình trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, phù hợp với phối cảnh, cảnh quan kiến trúc xung quanh công viên.

Cùng với việc triển khai xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Huệ với kinh phí hơn 430 tỷ đồng. Theo đó, toàn bộ trục đường Nguyễn Huệ đã được cải tạo xây dựng trở thành quảng trường, phố đi bộ, tạo không gian đẹp trước khuôn viên Tượng đài, để tôn vinh công trình Tượng đài Bác Hồ.

Ngay trong ngày 14/5, khi tượng đài Bác được dỡ bỏ giàn che chắn để chuẩn bị cho lễ khánh thành, nhiều người dân thành phố đã tập trung về đây để tận mắt chứng kiến Tượng đài Bác sau bao ngày mong đợi.

Em Lê Ngọc Vỹ, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Nghe đến việc Thành phố xây dựng tượng đài Bác từ lâu và hôm nay được thấy Tượng bác đã hoàn thành, em rất xúc động. Hình ảnh của Bác thật giản dị, như vẫy chào tất cả chúng ta khi đến đây, với ánh mắt, nụ cười trìu mến. Em sẽ thường xuyên ra đây tham quan để được ngắm nhìn Bác.

Cùng tâm trạng phấn khởi với nhiều người dân thành phố khi tượng đài Bác hoàn thành, ông Huỳnh Thanh Bảo (quận 3), hồ hởi: Từ nay Thành phố Hồ Chí Minh đã có một tượng đài Bác xứng tầm với vai trò, vị trí của thành phố. Người dân thành phố và khách thập phương khi đến tham quan thành phố sẽ có thêm một địa chỉ không thể bỏ qua, đó là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Riêng đối với nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, việc hoàn thành Tượng đài Bác là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Tất bật cùng với anh em có mặt tại khu vực thi công Tượng Bác để hoàn thiện những công việc cuối cùng, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới xúc động chia sẻ: "Đây là một giấc mơ của 40 năm qua, thực hiện nguyện vọng thiết tha từ lúc bắt đầu làm nghệ thuật khi luôn luôn lấy đề tài Bác Hồ làm cơ sở, cảm hứng để sáng tác. Trong thâm tâm, từ lâu tôi có ước mơ được làm và làm được những tác phẩm Tượng Bác Hồ thật đẹp, thật giống, thật tình cảm, gần gũi với mọi người. Bản thân tôi rất hãnh diện, vinh dự tự hào khi đã hoàn thành bức tượng, một tác phẩm mà ở đó có niềm tin, tình cảm của rất nhiều người đặt vào và Tượng được đặt ở vị trí trang trọng nhất của thành phố mang tên chính Chủ tịch Hồ Chí Minh."

Song song với Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên trước Trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã cung thỉnh Tượng nghệ thuật "Bác Hồ với thiếu nhi" về Nhà thiếu nhi Thành phố (phường 7, quận 3). Nhà thiếu nhi thành phố có diện tích khuôn viên là hơn 15.000m2, đã được thiết kế cải tạo, nâng cấp toàn diện để phù hợp với bức tượng nghệ thuật "Bác Hồ với thiếu nhi"./.  

ANH TUẤN

(TTXVN/VIETNAM+) 

Bình luận (0)