Hội nhậpThế giới 24h

Tương lai chính trường Thái Lan sau thất bại của ông Pita

Tạp Chí Giáo Dục

Quốc hội Thái Lan đã bác bỏ việc đề cử ông Pita Limjaroenrat cho vị trí thủ tướng, sau khi chính trị gia trẻ tuổi bị "treo giò" tại hạ viện.

Ông Pita, lãnh đạo của đảng Tiến lên (MFP), ngày 19.7 tiếp tục được liên minh chiếm đa số ở hạ viện Thái Lan đề cử làm thủ tướng, bất chấp thất bại trong cuộc bỏ phiếu tuần trước. Song quốc hội lưỡng viện của Thái Lan đã không chấp nhận việc đề cử này.

Cánh cửa đã khép

Theo báo Bangkok Post, quốc hội Thái Lan đã công bố quyết định nói trên sau một cuộc biểu quyết vào chiều 19.7, trong đó 395 nghị sĩ phản đối và 312 nghị sĩ ủng hộ việc tái đề cử ông Pita cho vị trí thủ tướng. Điều này có nghĩa là cánh cửa để trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan đã khép lại với ông Pita.

Trước đó trong ngày, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã tạm thời đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita tại hạ viện, sau khi khi tòa chấp nhận thụ lý đơn kiến nghị của Ủy ban Bầu cử Thái Lan. Ủy ban này yêu cầu tòa tước bỏ tư cách nghị sĩ của ông Pita, cho rằng ông đã vi phạm quy định trong cuộc bầu cử hạ viện ngày 14.5 vì nắm giữ cổ phần tại một công ty truyền thông hiện đã giải thể.

Tương lai chính trường Thái Lan sau thất bại của ông Pita - Ảnh 1.

Ông Pita tại quốc hội Thái Lan ngày 19.7. Reuters

Ông Pita vốn đã bác bỏ cáo buộc, cho biết số cổ phiếu nói trên là một phần trong tài sản người cha quá cố của ông để lại mà ông là người quản lý. Ông không sở hữu số cổ phiếu đó và đã giải thích việc này với Ủy ban Bầu cử Thái Lan trước khi nhậm chức nghị sĩ. Tổng cộng 42.000 cổ phiếu sau đó đã được chuyển cho những người họ hàng của ông.

Trong cuộc bầu cử hôm 14.5, MFP đã giành chiến thắng và sau đó bắt tay với 7 đảng khác, bao gồm đảng về nhì Pheu Thai, trong nỗ lực thành lập chính phủ liên minh. Liên minh này nắm giữ 312 ghế trong hạ viện 500 ghế của Thái Lan, nhưng đã không thể giúp ông Pita trở thành thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu của lưỡng viện quốc hội ngày 13.7. Theo AFP, ông Pita chỉ nhận được 324 phiếu ủng hộ, với 13 phiếu từ 249 thượng nghị sĩ đang phục vụ, cách xa so với mức tối thiểu là 375 phiếu để đắc cử thủ tướng.

Pheu Thai có kế hoạch riêng ?

Bangkok Post ngày 19.7 dẫn các nguồn tin cho biết Pheu Thai, đảng có liên hệ với gia tộc cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, đã lên kế hoạch thành lập một liên minh mới không có MFP trong trường hợp ông Pita tiếp tục thất bại. Các nguồn tin này cũng tiết lộ rằng Pheu Thai dự định đưa các đảng trong chính phủ hiện nay vào liên minh mới.

Song ông Cholnan Srikaew, lãnh đạo Pheu Thai, cùng ngày đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên, cho biết đảng hiện không có kế hoạch dự phòng nào như vậy, theo báo The Nation. Ông Cholnan cũng cho biết Pheu Thai vẫn chưa có kế hoạch đề cử nghị sĩ Srettha Thavisin làm thủ tướng và họ sẽ phải đợi quyết định của liên minh hiện tại trước khi tìm cách khác để thành lập chính phủ.

Ngày 18.7, bà Paetongtarn Shinawatra, con gái ông Thaksin và là một trong 3 ứng viên thủ tướng của Pheu Thai, nói đảng sẽ đề cử ông Srettha nếu ông Pita không thể đắc cử. Ở tuổi 60, ông Srettha là một doanh nhân thành đạt và được giới tinh hoa Thái Lan xem là lựa chọn khả dĩ cho vị trí lãnh đạo chính phủ thay vì ông Pita. Theo AFP, trong trường hợp ông Srettha được đề cử làm thủ tướng, MFP có khả năng sẽ đứng ở phe đối lập.

Bản thân ông Pita đã tuyên bố sẽ nhường cơ hội cho ứng viên của Pheu Thai nếu thất bại lần 2. Ngoài việc bị đình chỉ tư cách nghị sĩ, ông Pita đang phải đối mặt với những chướng ngại khác. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đồng ý xem xét cáo buộc cho rằng cam kết tranh cử của MFP về việc sửa đổi luật cấm phỉ báng hoàng gia tương đương với kế hoạch "lật đổ" chế độ quân chủ lập hiến. 

Theo Lam Vũ/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)