Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Tương lai chờ đội Đức

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ xếp hạng 3 nhưng Đức mới là đội gây ấn tượng đậm nét nhất khi trình làng những gương mặt trẻ trung cùng lối chơi tấn công cống hiến.
Bóng đá Đức khẳng định vị thế cường quốc thế giới sau chiến thắng có phần vất vả trước Uruguay với tỉ số 3-2 ở trận tranh huy chương đồng rạng sáng 11-7. Đây là lần thứ 4 đội Đức có mặt trong top 3 của 5 giải lớn liên tiếp, sau danh hiệu á quân World Cup 2002, hạng 3 World Cup 2006 và á quân Euro 2008.
Điều bất ngờ là đội tuyển Đức giữ được sự ổn định ở tầm cao bằng đội hình trẻ trung nhất trong 75 năm qua và chơi cống hiến còn hơn đoàn quân J. Klinsmann tại World Cup trên sân nhà cách đây 4 năm.

Bốn năm nữa, Đức sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm để đủ sức trở lại đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới.

Đức là đội duy nhất dám cách tân đội tuyển trong vòng 1 năm trước World Cup khi bổ sung nhiều gương mặt trẻ từ đội U21 vô địch châu Âu năm 2009. Nhưng đó không phải là sự thay đổi liều lĩnh mà rất khoa học, nhờ  cách đào tạo cầu thủ trẻ bài bản của bóng đá Đức, cũng như nhiều HLV ở giải hạng nhất nước này mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ hoặc biết cách phát hiện tiềm năng. Đấy là lý do người Đức không quên công lao của HLV trưởng Bayern Munich, ông Luis Van Gaal. Nhà cầm quân người Hà Lan đưa Schweinsteiger lên tầm cao mới khi kéo số 7 đội Đức từ biên phải về vị trí tiền vệ trung tâm, cũng như trọng dụng tiền đạo 20 tuổi T. Mueller, người 15 tháng trước còn chơi cho đội hình 3 của Bayern Munich!
Đội bóng của HLV J. Loew còn đáng khen ở chỗ ghi bàn nhưng không bao giờ dừng lại. Đức là đội bóng giữ kỷ lục về số bàn thắng – 16 bàn (tính đến trước trận chung kết) – và có 3 trận ghi được 4 bàn, hiện tượng trong World Cup mà đa số các đội thích không thua hoặc thắng vừa đủ thay vì lao lên phía trước.
Không chỉ làm say lòng người hâm mộ với lối chơi mạnh mẽ và hiệu quả, đội Đức cũng để lại bài học cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác thông qua cách xây dựng, gắn kết những tuyển thủ có nguồn gốc, chủng tộc khác nhau. Người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức cùng chung niềm vui với dân bản xứ sau những pha đi bóng tuyệt vời của tiền vệ M. Ozil, thế hệ thứ 3 trong gia đình Thổ ở Đức. Cộng đồng Ghana cũng hân hoan khi thấy hậu vệ J. Boateng mang hai dòng máu Đức – Ghana góp không ít công sức cho đội bóng quê hương mới.
Thất vọng duy nhất của Đức là lối chơi e dè, dẫn đến thất bại trước Tây Ban Nha ở bán kết, một sai lầm của cả thầy và trò. HLV J. Loew và cộng sự có lẽ quá đề cao đối thủ trong bối cảnh tiền vệ T. Mueller bị treo giò, còn hàng thủ bỏ lỏng C. Puyol trong bàn thua từ pha phạt góc vào cuối hiệp 2.
Nhưng thành công nào không trả giá. Cái thiếu của thầy trò ông Loew xem ra chỉ là kinh nghiệm ở những trận đánh lớn và người Đức tin rằng 4 năm nữa, tại Brazil, đội hình hiện tại của Đức (trừ tiền đạo M. Klose và trung vệ Friedrich) sẽ đạt độ chín, sự gắn kết lý tưởng để trở lại ngôi vua bóng đá thế giới lần đầu tiên sau 24 năm. 
Văn Quyên (theo NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)