Trong cuốn “Nguyễn Hiến Lê, con người và tác phẩm”, nhà nghiên cứu Châu Hải Kỳ đã giới thiệu về cuốn “Tương lai trong tay ta”: cuốn sách viết cho các bạn thanh niên nam và nữ về cách chọn lối sống, giữ sức khỏe, cách làm việc, nghỉ ngơi, luyện trí và lựa bạn trăm năm, giữ gìn hạnh phúc…
Học sinh THPT trao đổi với chuyên gia trong một hoạt động ngoại khóa (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.Yến
Trong lời tựa cuốn sách này, viết ngày 1-4-1961, học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Tôi có cảm tưởng rằng mỗi người là một cuộc thám hiểm và khi ta bước chân vào đường đời, tâm trạng, tình cảnh của ta cũng từa tựa tâm trạng, tình cảnh của một nhà thám hiểm – chẳng hạn Megellan. (…) Sau khi lược qua hành trình của nhà thám hiểm lừng danh, ông đặt ra các câu hỏi: “Eo biển ở chỗ nào, có xa về phương Nam không hay chỉ ở dưới Ba Tây một chút? Rồi đại dương ở bên kia châu Mỹ ra sao? Rộng lắm không? Sóng gió nhiều không? Đi mấy tháng thì tới? Những điều đó còn hoàn toàn bí mật”. Rõ ràng, mượn chuyện của nhà thám hiểm Magellan, tác giả muốn nói đến những trăn trở về chính cuộc đời của mỗi người: chúng ta sẽ đi đến đâu, đi bao xa, đi như thế nào, có những khó khăn gì, đi với ai, liệu có đến đích nào đó không… Hẳn trong chúng ta đều có những câu hỏi tương tự mà trong từng lúc không dễ gì trả lời được.
Thì đây, tác giả giúp chúng ta định ra một lối đi và gợi ý những cách sống: “Nhớ lại những lầm lỗi trước, sao mà nhiều thế! Kể làm sao cho khỏi rườm? Cho nên tôi chỉ lựa những điều quan trọng mà hồi trên dưới hai mươi năm tuổi ít ai để ý tới. Và tôi thấy những điều đó có thể gồm làm sáu bảy mục: Tìm một nhân sinh quan, tự hỏi sống để làm gì, đời người ra sao?; Nhận rằng bổn phận mỗi người là tạo hạnh phúc cho bản thân và cho người xung quanh; Muốn làm tròn bổn phận, phải giữ gìn sức khỏe và tu luyện trí để làm việc; Nhưng phải biết cách làm việc cho hiệu quả; Rồi làm việc xong thì phải nghỉ, kiếm được tiền thì phải tiêu, vậy vấn đề hưởng thú ở đời cần thiết như vấn đề phục vụ xã hội; Phải lo tính cho tuổi già khỏi bệnh tật, túng thiếu mà thành một gánh nặng cho gia đình xã hội; Sau cùng vấn đề quan trọng nhất với thanh niên là vấn đề hôn nhân, vì có khéo lựa bạn trăm năm thì mới có người giúp đỡ, mới vui vẻ, mới hăng hái làm việc, mới hưởng hạnh phúc ở đời được”.
Chúng ta đều nhớ câu cách ngôn của người Trung Quốc: gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Vậy thì số phận của ai đó hẳn do bản thân mình tạo ra chứ không phải do người khác tác động, dẫn dắt, định sẵn, dù rằng chúng ta vẫn hay nói đến “số mệnh” của mỗi người. Với tên sách “Tương lai trong tay ta”, có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh đến yếu tố chúng ta gieo tính cách thế nào thì sẽ gặt số phận thế ấy. Còn tính cách từ đâu mà ra thì do thói quen, do hành vi, tức là cũng do chính chúng ta tạo ra mà thôi!
Sách ngoài lời tựa còn có 11 chương và một phụ lục trắc nghiệm về tinh thần già dặn; gồm: Chương 1 – Vấn đề nguyên tắc; Chương 2 – Sức khỏe trước hết; Chương 3 – Làm việc; Chương 4 – Ai cũng có thể bất hủ; Chương 5 – Nghỉ ngơi và tiêu tiền; Chương 6 – Tu tâm luyện trí; Chương 7 – Hôn nhân; Chương 8 – Lựa bạn trăm năm; Chương 9: Để giữ hạnh phúc trong hôn nhân; Chương 10 – Lời khuyên riêng các bạn gái; Chương 11 – Dự bị cho tuổi già. Cách bố cục đó của tác giả hẳn có dụng ý rất sâu sắc. Theo đó, chương 1 cho chúng ta cách thức tiếp cận một phương thức sống để từ đó đi đến từng vấn đề cụ thể. Các nguyên tắc được nhà văn tóm tắt gồm: 1/ Cái tuổi trên dưới hai mươi lăm; 2/ Nhân sinh quan thay đổi tùy người, tùy thời; 3/ Khi vào đời, bạn nên phác một nhân sinh quan; 4/ Nhân sinh quan của tôi (tức Nguyễn Hiến Lê); 5/ Phải sống hợp với quy tắc của mình; 6/ Đời người là một chuỗi tình cờ. Như vậy, ở chương này, tác giả gợi cho chúng ta mấy điều chính: đến tuổi trên dưới 25, chúng ta đã cơ bản có sự hoàn thiện về tính cách, trình độ, kinh nghiệm, vốn sống để thực sự bắt đầu cuộc sống độc lập của mình. Khi đó, chúng ta nên tự định ra cho mình một lối sống, một quan điểm sống, tùy theo điều kiện cụ thể của bản thân và hoàn cảnh xã hội. Nguyễn Hiến Lê đúc kết: “Việc mà hợp với đạo nhân, phải làm thì làm, cương quyết sáng suốt mà làm; còn việc không đáng làm thì thôi. (…) Mê việc học thì cứ tạm bỏ những việc khác mà học, nhưng học mệt rồi thì nghỉ, gặp công việc gấp hơn thì ngừng”.
Đã đề ra quy tắc sống (từ nhân sinh quan) thì ráng mà thực hành theo, coi như là một nguyên tắc, nhưng không phải là bất di bất dịch. Bởi đã là nguyên tắc mà tùy tiện thay đổi thì hóa ra chúng ta sống vô nguyên tắc, hời hợt, vô chừng, rất có hại cho chính bản thân, bởi khi thay đổi nguyên tắc tức là thay đổi cách sống, thay đổi mục tiêu, thay đổi nhiều điều khác nữa. Nhưng, cuộc đời thì thay đổi liên tục, nó không đứng lại hoặc chiều theo ý chúng ta, nên chúng ta phải linh hoạt; vậy nên nguyên tắc cũng có thể thay đổi tùy theo điều kiện cụ thể, trong khi cuộc đời thì có quá nhiều sự bất ngờ, mà tác giả gọi là “một chuỗi tình cờ”, tức là chúng ta không thể nào biết trước được nó sẽ như thế nào.
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Hiến Lê đặt ra vấn đề sức khỏe trước tiên, ngay sau chương các vấn đề nguyên tắc, bởi sức khỏe gần như là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể làm điều gì đó và trong mỗi điều kiện sức khỏe khác nhau của từng người thì có thể chọn cách sống khác nhau, như cách làm việc, cách thụ hưởng cuộc sống… Ông đề ra mấy gợi ý: đau ốm vẫn có thể làm việc được, nhưng giữ gìn sức khỏe vẫn là một bổn phận; chúng ta vận động, không phải để thành một lực sĩ; nên biết ít nhiều về y học thường thức… Ở chương này, Nguyễn Hiến Lê khẳng định, mỗi người có thể làm việc tùy theo điều kiện cụ thể của mình, chứ không phải có đau bệnh thì không thể làm gì, không được làm gì. Chính làm việc một cách phù hợp với điều kiện riêng của mình mà cảm thấy hạnh phúc.
Ở chương nói về làm việc, Nguyễn Hiến Lê có những gợi ý cách chọn nghề, tâm thế làm việc và thái độ ứng xử với các hoàn cảnh cụ thể của công việc. Đó là: 1/ So sánh nghề công chức và nghề tự do; 2/ Muốn thành công trong công việc thì phải: biết làm không công trong một thời gian. Tìm cái khó mà làm, đừng tìm cái dễ. Việc gì có thể làm được ngay thì đừng để đến ngày mai. Luôn luôn sẵn sàng; 3/. Nếu thất bại thì nên nhớ rằng: ai cũng đã có lần thất bại. Có thất bại mới có kinh nghiệm. Những cây quý nhất là những cây chậm lớn. Chưa thành công và thành công chỉ cách nhau có năm mười phút. Có khi thất bại mà gấp mười thành công. Một sự thành công thấp nhất là làm giàu.
Các chương còn lại tiếp tục có những gợi mở tích cực cho người đọc, đặc biệt là người trẻ, có những định hướng cho tương lai của mình một cách chủ động và thiết thực. Đôi khi, các bạn trẻ có nhiệt huyết, có kiến thức, có sức khỏe, có kiến thức… nhưng lại thiếu một gợi mở, định hướng nên có thể lúng túng trong việc xác định hướng đi của cuộc đời mình, nên cuốn sách này thực sự rất có ý nghĩa. Với nhiều câu chuyện cụ thể và những lời khuyên giản dị, dễ hiểu, Nguyễn Hiến Lê cho rằng, một cách cơ bản, cuộc đời ta hoàn toàn có thể do ta quyết định dù luôn có những điều tình cờ. Chính sự chủ động và có tâm thế chuẩn bị tốt nhất sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống lành mạnh, tích cực, vui vẻ và hạnh phúc. Nên cuốn sách này nên là sách gối đầu giường cho các thanh niên!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)