Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Tượng nhân sư Giza và những câu đố bí ẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Truyền thuyết kể rằng một hoàng tử Ai Cập tên là Thutmose, vì được cha yêu mến hơn nên bị các anh em ganh ghét. Một số người còn âm mưu giết hoàng tử. Để được bình yên, ông lang thang trong sa mạc và một ngày kia gặp tượng nhân sư.
Ai Cập nổi tiếng và thu hút du khách không chỉ bởi các kim tự tháp mà còn ở các công trình nhuốm màu thần thoại. Một trong số đó là bức tượng nhân sư lớn The Great Sphinx ở Giza.
Theo các nhà khoa học, đây là một trong những bức tượng lớn và cổ xưa nhất trên thế giới. Tượng được tạc với hình dáng đầu người, thân sư tử, nằm trong tư thế phủ phục ở cao nguyên Giza, tả ngạn sông Nile. Khuôn mặt của tượng được cho là khắc họa chân dung của Khafra, vị pharaoh huyền thoại của đất nước Ai Cập. Có nhiều tài liệu cho rằng thời điểm xây dựng tượng nhân sư là vào giai đoạn 2558-2532 trước Công nguyên. Đây cũng là quãng thời gianpharaoh Khafra cai trị.
Tượng nhân sư Giza và những câu đố bí ẩn
Tượng nhân sư lớn ở Giza là một trong những điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách ở Ai Cập.
Tuy nhiên vào năm 2004, Vassil Dobrev, nhà Ai Cập học người Pháp tuyên bố đã tìm ra bằng chứng mới cho thấy Đại Nhân sư là do Pharaoh Djedefra – anh trai của Pharaoh Khafra xây dựng, để tưởng nhớ vua cha Khufu.
Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến tượng nhân sư, nhưng nổi tiếng nhất là câu chuyện về hoàng tử Ai Cập tên là Thutmose. Vì được cha yêu mến nên Thutmose trở thành cái gai trong mắt những người anh chị em mình. Một số thậm chí còn âm mưu giết chết hoàng tử.
Để được bình yên, Thutmose bắt đầu cuộc sống xa nhà. Ông dành phần lớn thời gian trên sa mạc, và được dân gian nhớ đến là một người mạnh mẽ, rất thích đi săn và bắn cung. Trong chuyến đi săn định mệnh, Thutmose tới trước tượng Sphinx và cầu nguyện. Một trong những lời hứa mà vị hoàng tử dành cho nhân sư chính là nếu trở thành pharaoh tiếp theo, ông sẽ giải thoát bức tượng khỏi sự chôn vùi của bão cát. Khi đó, Shinx bị cát vùi lấp đến vai.
Hoàng tử lưu lạc sau này trở thành người cai trị tiếp theo của Ai Cập, và đã thực hiện lời hứa với nhân sư. Ông cho tiến hành một cuộc khai quật có quy mô lớn, và dần dần đào được hai chân của nhân sư. Ông đặt giữa chúng một tấm bia làm bằng đá hoa cương, được biết đến với tên gọi Tấm bia Giấc mơ.
Bên cạnh đó, tượng nhân sư còn nổi tiếng với những câu đố bí ẩn, mà du khách vẫn quen với tên gọi Câu đố của nhân sư.
Nếu nhân sư theo quan điểm của người Ai Cập là con thú đầu người mình sư tử thì trong thần thoại Hy Lạp, đây là loại linh vật có thân sư tử, đầu người và đôi cánh của loài chim. Nhân sư nổi tiếng nhất ở Hy Lạp là con từng gác cửa vào thành phố Thebes. Nó thường đưa ra những câu hỏi bí hiểm cho những ai muốn vào thành. Một trong những câu đố nổi tiếng nhất của nhân sư chính là:"Sinh vật nào đi bằng 4 chân vào buổi sáng, 2 chân vào buổi trưa và 3 chân vào buổi chiều, và khi nó càng đi bằng nhiều chân thì nó càng yếu".
Tượng nhân sư Giza và những câu đố bí ẩn
Nhân sư trong truyền thuyết của Hy Lạp: đầu người phụ nữ, thân sư tử, đuôi rắn và cánh đại bàng.
Nếu người bị hỏi không trả lời được, nhân sư sẽ bóp cổ họ. Oedipus là người đã giải được câu đố hiểm hóc này, khi đưa ra đáp án là Con người – bò bằng 4 chân khi còn trẻ con, đi bằng 2 chân khi trưởng thành và chống gậy khi đã già.
Một câu đố khác của nhân sư, nhưng ít được nhắc đến hơn là "Có hai chị em: một người sinh ra người kia và người kia lại sinh ra người này". Câu trả lời chính là ngày và đêm – hai từ trong tiếng Hy Lạp đều là giống cái.
Truyền thuyết kể tiếp rằng bị giải đố, Nhân sư xấu hổ vì thua đã tự lao mình xuống thềm đá và chết. Một phiên bản khác nói rằng nó tự ăn thịt mình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Oedipus chính là đại diện cho sự chuyển tiếp của tôn giáo cũ (nhân sư đã chết) và sự trỗi dậy của cái mới, các vị thần Olympia.
TT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)