Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tượng Phan Bội Châu chờ… quy hoạch

Tạp Chí Giáo Dục

Tượng cụ Phan vẫn đang được "đặt tạm" trong khuôn viên Khu lưu niệm Phan Bội Châu với bối cảnh nhà cửa lộn xộn chung quanh – ảnh: M.P

Bức tượng do họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, cùng nhóm sinh viên trong phong trào đô thị Huế khởi xướng, vận động và thực hiện từ năm 1973 – 1974. Thế nhưng, từ đó đến nay, bức tượng cụ Phan vẫn chưa tìm ra vị trí thích hợp trong lòng xứ Huế.

Tác phẩm điêu khắc có một không hai

Vừa qua, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Thừa Thiên – Huế đã tổ chức buổi tọa đàm đề xuất điểm dựng tượng Phan Bội Châu vào năm 2010.

Tượng do họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn thực hiện năm 1973 cùng với sự tham gia của Ban cán sự giáo chức và trí thức giải phóng (thuộc Thành ủy Huế), trường Cao đẳng mỹ thuật, gia đình cụ Phan và các ban đại diện, cán sự sinh viên và học sinh Huế. Bức tượng cao 4,5m, rộng 3,5m, dày 2,5m, gồm 12 mảnh ghép thể hiện chân dung cụ Phan với hai mảng phù điêu phản ánh hiện thực và ước mơ. Mảng bên trái là bóng tối thể hiện xiềng xích nô lệ, áp bức và tù đày của chế độ thực dân xâm lược. Mảng bên phải biểu đạt ước vọng hòa bình và độc lập, ấm no và hạnh phúc. Tượng được đặt trên một bệ hình khối chữ nhật cao 2m bằng đá hộc. Theo các nhà chuyên môn, bức tượng được đánh giá là lớn và đẹp nhất nước hiện nay, nhưng vì nhiều lý do mà hơn 30 năm qua, vẫn chưa tìm được vị trí tương xứng.

Gian nan tìm vị trí

Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa tâm sự: "Giá như tượng Phan Bội Châu được đặt tại một công viên hoặc một trục đường tương xứng thì Huế sẽ có thêm một điểm văn hóa đặc sắc, tô điểm thêm một nét riêng cho thành phố". Theo đó, ông Hoa đề xướng: “Nếu tượng cụ Phan được đặt ở công viên 3 Tháng 2, trước Tòa Khâm sứ cũ, như chủ trương của Thành ủy Huế từ ngày Huế chưa được giải phóng thì đó là điều lý tưởng”.

Một đề xuất khác là có thể chọn đoạn công viên bên bờ sông Hương, tiếp cận với đường dẫn về Bến Ngự, nơi có di tích nhà ở của cụ Phan, để tạo thành một trục không gian lịch sử gợi nhớ về Phan Bội Châu. Ngoài ra, họa sĩ Đặng Mậu Tựu cũng cho rằng tượng có thể đặt tại vị trí hiện nay đang đặt văn phòng Trung tâm Festival Huế (phía bên phải chân cầu Trường Tiền) là trung tâm của thành phố.

Còn ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên – Huế, đơn vị đang trực tiếp quản lý Khu lưu niệm Phan Bội Châu cho rằng việc tìm cho tượng cụ Phan một vị trí tương xứng cần phải có quy hoạch tổng thể (đề án cụ thể), phù hợp với quy hoạch của tỉnh, thành phố rồi mới đề cập đến vấn đề đặt tượng ở đâu.

Vậy là sau hơn 30 năm, kể từ khi tượng Phan Bội Châu được hình thành trong ý tưởng của một lớp trí thức, thanh niên, sinh viên Huế, tác phẩm điêu khắc có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng này vẫn chưa có được một nơi thích hợp để đặt lên. Sau cuộc tọa đàm, vị trí bức tượng sẽ được đặt ở đâu vẫn phải chờ cơ quan chức năng quyết định, chờ quy hoạch…

Minh Phương (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)