Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tượng tôn giáo – nhạy cảm trong quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

Đặt tượng trong nhà, trong quán cà phê… có phải xin phép? Tượng tôn giáo có phải là tượng đài? Cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.

Tượng tôn giáo - nhạy cảm trong quản lý - Ảnh 1.

Tượng Phật trong sân vườn một quán cà phê tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: TRUNG DŨNG

Có những quán cà phê mua tượng chiến binh La Mã về đặt trang trí ở các hàng rào. Huyện hỏi chúng tôi nên xử lý thế nào, có cần phải xin phép không? Nhưng chúng tôi cũng chưa biết xử lý thế nào

Đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre

Sáng 24-10, ông Vương Duy Biên – thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng ông Vi Kiến Thành – cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm – chủ trì buổi hội thảo về góp ý xây dựng thông tư thay thế thông tư số 18/2013. 

Lý do là thông tư 18 ra đời nhằm hướng dẫn nghị định 113 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, nhưng lại có những quy định không khớp với nghị định.

 

Ở phần thảo luận, không ngạc nhiên khi vấn đề nóng nhất của hoạt động quản lý mỹ thuật vẫn là… tượng đài!

Thế nào là "tượng ngoài trời"?

Một vấn đề nóng mà sở Văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh yêu cầu làm rõ ở hội thảo là khái niệm "tượng ngoài trời".

Tượng trong các khuôn viên tôn giáo, trường học, quán cà phê, nhà ở… có phải là "tượng ngoài trời" không, có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật về tượng đài, tranh hoành tráng hay không, mức độ quản lý như thế nào?

Còn tượng anh hùng, danh nhân… ở các trường học do kinh phí được đóng góp bởi lòng hảo tâm nên không nhiều, nếu tuân theo quy định thành lập hội đồng nghệ thuật thì chi phí sẽ tăng lên rất nhiều. 

Hay tượng ở nhà riêng, như từng có tiền lệ gia đình ông Tống Hồ Phương (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đặt tượng Đức Trần Hưng Đạo trong vườn nhà, sau đó bị yêu cầu tháo dỡ. 

Những trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?

Ông Vi Kiến Thành giải thích: "Nếu tượng đặt trong vườn nhà mà có tường bao kín chung quanh, nghĩa là không có sự tác động đến không gian công cộng thì không can thiệp được. 

Còn nếu khu vườn đó là một không gian mở, nghĩa là có sự tác động đến không gian công cộng thì phải xin phép sở Văn hóa, thể thao và du lịch. 

Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải làm điều này không máy móc!". 

Với sự giải thích này, ông Vi Kiến Thành xác nhận rằng tượng đặt trong quán cà phê cũng là không gian công cộng nên vẫn phải xin phép.

Tượng tôn giáo - nhạy cảm trong quản lý - Ảnh 5.

Tượng đài Đinh Tiên Hoàng trong công trình hơn 1.500 tỉ đồng đúc không đúng mẫu, bị hoen gỉ, không thể nghiệm thu – Ảnh: V.V.T.

Khi điêu khắc gia từ chối nhận… tác giả!

Khi bàn về chất lượng tượng đài, điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên một lần nữa nhắc lại vấn đề ông đã lên tiếng lâu nay, đó là chất lượng hội đồng nghệ thuật duyệt tượng đài. 

Ông nói: "Theo quy định của pháp luật hiện nay thì hội đồng nghệ thuật phải có 2/3 thành viên là điêu khắc gia, họa sĩ.

Nhưng đó là kẽ hở của quy định.

Bởi vì có những tỉnh không có điêu khắc gia nào, mà hội đồng nghệ thuật duyệt tượng đài không thể chỉ có họa sĩ.

Theo tôi, pháp luật nên quy định cụ thể rõ rằng các điêu khắc gia phải chiếm trên 50% thành viên hội đồng".

Một tồn tại nữa được ông Nguyễn Xuân Tiên nêu ra là quyền hạn của điêu khắc gia khi các công ty trúng thầu toàn quyền thi công trên thực tế. Điều này khiến các điêu khắc gia bức xúc vì đứa con tinh thần của mình đẻ ra bị què quặt. 

Tôi biết nhiều tác giả không dám ký tên mình dưới công trình.

Nếu những vấn đề này không được khắc phục, tôi cũng mạnh dạn đề xuất là chúng ta nên dừng việc xây tượng đài đi.

Vì càng làm càng xấu, càng làm càng bị góp ý thì chúng ta làm để làm gì?

Ông Nguyễn Xuân Tiên

Ông Vi Kiến Thành xác nhận thực trạng hiện nay có những điêu khắc gia làm bảng đồng ghi tên dưới tượng đài rất to.

Nhưng cũng có điêu khắc gia từ chối nhận mình là tác giả của tượng. 

Ông nêu ví dụ tượng Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình bị điêu khắc gia Đào Châu Hải từ chối nhận tác giả.

Lý do là bởi ông Hải cho rằng đơn vị thi công đã thực hiện không đúng ý đồ nghệ thuật của tác phẩm. 

Mâu thuẫn giữa tác giả và đơn vị thi công khiến tượng Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình làm tám năm nay vẫn chưa thể nghiệm thu, trở thành "tượng hoang".

"Làm quy hoạch là hạn chế công trình"

Với tượng tôn giáo, ông Vi Kiến Thành cho biết: "Tượng tôn giáo vẫn là tượng đài, nên vẫn được điều chỉnh bởi nghị định 113 về quy chế tượng đài, tranh hoành tráng…".

Tuy nhiên, đại diện Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đồng Nai cho biết Đồng Nai là tỉnh có rất đông người Công giáo, Phật giáo… nên Đồng Nai hiểu sự "nhạy cảm" của việc quản lý tượng tôn giáo.

Do đó, đại diện tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nên tham khảo thêm Luật tín ngưỡng tôn giáo vừa ban hành trong quá trình xây dựng quy chế quản lý với tượng tôn giáo.

Áp lực quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cũng được đại diện sở Văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh đưa ra tại hội thảo. 

Đại diện Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đồng Nai cho biết Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch yêu cầu các tỉnh phải xây dựng quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng 2014 – 2020.

Nhưng cho đến nay theo đại diện này được biết chỉ có mỗi tỉnh Kon Tum là hoàn thành.

Đại diện Đồng Nai tiếp tục dẫn ví dụ như tỉnh Bình Dương chi 3 tỉ đồng, trong ba năm xây dựng quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cho tỉnh nhưng… thất bại (!). 

Tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long cũng nhận không biết bao nhiêu đơn của các đơn vị, tập thể, cựu chiến binh… đề nghị dựng tượng đài khiến nhà quản lý lúng túng.

Về việc này, ông Vi Kiến Thành thừa nhận thực tế nhu cầu làm tượng đài ở các tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, theo ý ông: "Làm quy hoạch là hạn chế công trình, vấn đề là chọn công trình nào xứng đáng để làm".

Trong khi xây dựng quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng 2014 – 2020 đang là bài toán hóc búa của các tỉnh, ông Vi Kiến Thành cho biết Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã hoàn thành quy hoạch tượng đài Bác Hồ trên cả nước đến năm 2030 và đang bắt tay vào xây dựng quy hoạch tượng đài anh hùng, danh nhân lịch sử…

QUANG THI/ TTO

 

Bình luận (0)