Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Túp lều “chuột” và ước mơ giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Trong căn lều “chuột” xiêu vẹo được cất tạm bợ nằm cạnh cầu quay sông Hàn (TP Đà Nẵng), lần lượt bốn người con đã vào ĐH từ sự dành dụm, chắt chiu, làm việc quần quật bất kể ngày đêm của đôi vợ chồng nghèo khó…
Vợ chồng anh Phước – chị Hồng chăm chút bộ lưới đánh cá vốn là cần câu cơm của cả gia đình – Ảnh: Đăng Nam
Con đường dẫn vào xóm An Thị (tổ 7, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cứ ngoằn ngoèo trong đám cỏ gà. Nằm trong khu “ổ chuột” này, nhà của gia đình chị Huỳnh Thị Hồng là một căn lều tạm lụp xụp được dựng quanh bởi những tấm tôn rách tươm, bên trên che bởi tán lá của một cây vú sữa già.
Lều “chuột” bên sông
Thấy có người vào nhà, chị Hồng đang nằm bẹp trên giường vì bệnh vội lò dò đứng lên chào khách. Trong căn lều tuềnh toàng rộng chưa đầy 30m2, sách vở có lẽ là thứ được thấy nhiều nhất. 
Ngồi trên chiếc giường gỗ ọp ẹp, đôi mắt đượm buồn, chị Hồng trông già sọm hẳn so với tuổi 47 của mình. Là dân nghèo phố thị, không được học hành, năm 20 tuổi chị Hồng bắt đầu theo bạn bè đi buôn những chuyến hàng dài. Thế rồi trong một lần buôn chuyến lên tận chợ Trung Phước (Quảng Nam), chị quen anh Phước làm nghề buôn trầm hương. Họ đến với nhau và bé Vi rồi lần lượt Lộc, Thắm, Tươi ra đời. Nhưng rồi những ngày tháng sung túc đó trôi qua rất nhanh. Chỉ dăm chuyến “dạt” (mất) hàng, anh Phước bỗng chốc trắng tay. Cuối năm 1997, họ quyết định bỏ xứ tìm về quê ngoại ở Đà Nẵng với hi vọng làm lại cuộc đời. Chị Hồng vẫn còn nhớ như in ngày trở về quê trong tâm trạng chán nản, ê chề của một kẻ chạy trốn nợ nần. Còn bé Vi khi ấy mới 12 tuổi cùng ba em nhỏ trở nên lạc lõng trong thế giới thị thành bởi gia đình quá nghèo. Nghèo đến mức không có một mảnh đất cắm dùi, không có tấm bìa hộ khẩu, đành phải ở “ké” nhà bà ngoại.
Ở nhà ngoại một thời gian thì xảy ra chuyện xích mích. Vậy là hai vợ chồng đành liều dọn ra ngoài lề đường Bạch Đằng Đông ở tạm. “Hằng ngày, vợ chồng tui xuống bến thay phiên chạy ghe đưa khách sang bến cá Thuận Phước lấy tiền nuôi con ăn học. Nhưng chỉ ở được một thời gian thì phải đi vì lấn chiếm lề đường. Vậy là dọn lần mãi đến chỗ này”. Chị Hồng đưa tay chỉ chỗ mình đang ngồi: “Đây là nền nhà thứ năm rồi đó. Cũng là đất của Nhà nước mình mượn tạm, khi nào kêu đi thì tiếp tục đi”.
Nói rồi chị Hồng rơm rớm nước mắt kể: “Hồi bão Xangsane, căn lều này sập ngay trong trận gió đầu tiên. Bão tan, mẹ con nhìn nhau ngơ ngác, đêm không biết ngủ ở đâu. May nhờ có người hàng xóm mách dưới đáy sông có nhiều tôn của người ta rơi xuống lắm…”. Sau hơn hai ngày hụp lặn với nhiều vết cắt ở tay, chân sâu hoắm, anh Phước mang về gần chục tấm tôn rách. Túp lều được dựng lên trong nỗi mừng vui khôn tả của cả nhà.
Tăng Thị Thắm dạy học cho trẻ trong xóm – Ảnh: Đăng Nam
Chông chênh mơ ước
“Nhà nghèo nhưng cả mấy chị em chưa đứa nào dám tính đến chuyện bỏ học giữa chừng. Cứ nghĩ đến cảnh ba má phải mò mẫm chạy ghe trong đêm đen, bất kể nắng hay mưa miễn sao có tiền để con ăn học là tụi em ứa nước mắt” – Tăng Thị Vi, chị cả, kể. Vi hiện là sinh viên năm 4 khoa công nghệ sinh học (ĐH Bách khoa Đà Nẵng). Vi vẫn nhớ cách đây chừng ba năm, khi ấy bến cá Thuận Phước còn chưa bị giải tỏa và chiếc ghe của ba má Vi còn là phương tiện lựa chọn của nhiều người. Cứ đêm đến, khi cả bốn chị em đã ngon giấc thì ba má âm thầm ra sông chở khách.
Chừng 3g sáng, khi bến cá Thuận Phước bắt đầu đông thì lúc ấy má Vi rón rén chèo thuyền trở về nhét vào khe cửa mấy nghìn đồng vừa thu được của khách để các con có tiền ăn sáng trước khi đi học rồi mới quay lại bến. “Có hôm thức dậy thấy ở khe cửa móc một túi nilông bên trong đựng mấy ổ bánh mì đẫm nước mưa mà thương ba má quá chừng. Không đứa nào nói một lời, cả bốn chị em vừa gặm bánh mì vừa khóc” – Vi tâm sự. Suốt mấy năm học THPT, cả ba chị em gái có duy nhất một chiếc quần để học thể dục. Hết chị mặc rồi đến em, năm này chuyển qua năm khác đến khi đáy quần không còn chỗ vá thì thôi. Cực khổ đến vậy nhưng càng học chị em Vi càng giỏi. “Nhìn học bạ cuối năm của các con mà tôi không cầm được nước mắt. Chẳng lẽ nó học giỏi vậy mà bắt nó nghỉ thì tội nghiệp quá. Mà cho đi học tiếp thì lấy gì nuôi bây giờ” – anh Phước nói. 
Hằng ngày hai vợ chồng anh hết chèo ghe đưa khách thì chuyển sang quăng lưới, thả câu… Họ làm việc quần quật dưới thuyền bất kể ngày hay đêm. Còn trên bờ mấy chị em Vi tự chăm bẵm dạy dỗ nhau. Rồi lần lượt Lộc, Thắm cũng bước chân vào giảng đường ĐH. Hiện Lộc đang theo học khoa công nghệ thông tin ĐH Bách khoa Đà Nẵng, còn Thắm đang theo học ngành quản trị marketing, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Đà Nẵng. Mới đây nhất, Tươi cũng vừa thi đậu vào khoa sử ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Hôm nhận được tin bé Tươi đậu ĐH, đầu óc chị Hồng như mụ mẫm, quay cuồng bởi: “Thêm một đứa vào ĐH nữa thì tiền đâu chu cấp. Chẳng lẽ bán chiếc thuyền đi thì lấy gì mà nuôi cả nhà”. Rồi chị nhẩm tính: “Riêng tiền nhập học của cả bốn đứa đầu năm nay đã hết hơn 5 triệu đồng, mà trong nhà giờ không có lấy một đồng”.  Ngồi bên bậu cửa nghe mẹ nói chuyện nhà, bé Tươi buồn rười rượi. Tươi bảo: “Mơ ước của em là được học chuyên ngành để trở thành một hướng dẫn viên lịch sử”.
Khát vọng được học của cô bé vốn ba năm liền đoạt giải nhất môn lịch sử cấp TP có nguy cơ không đến được với giảng đường khiến nhiều người chạnh lòng, xót xa. Để phụ ba má, cả bé Vi, bé Thắm đều tìm cách mở lớp dạy thêm ngay tại nhà. “Nhưng xóm An Thị này nghèo quá nên tiền dạy cũng chẳng được nhiều, thậm chí có gia đình tiền học thêm cho con còn xin khất nợ… Vậy nên em phải chuyển sang vừa dạy thêm vừa trồng nấm bán” – cô chị cả cười buồn, chỉ tay về phía góc nhà nơi có mấy túi rơm treo lủng lẳng. 
Chia tay túp lều “chuột” với những phận đời nghèo khó ngay bên sông Hàn, chúng tôi bất chợt nhớ lại câu nói đầy thèm khát của mấy mẹ con chị Hồng: “Ước chi cả nhà có được một đêm ngủ ngon giấc mà không bị chuột cắn”. Một ước vọng quá giản đơn là vậy mà đôi khi với họ cũng khó thành hiện thực.
ĐĂNG NAM (TTO)

Bình luận (0)