Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tựu trường ở Lý Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Thời tiết thuận lợi cho những chuyến đi biển “no” và trúng mùa tỏi, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có một mùa tựu trường tràn ngập nụ cười.

Gian nan nhưng không bỏ học

Cô Nguyễn Thị Thu Mai (chủ nhiệm lớp 5A Trường TH An Hải), chia sẻ: “Hầu hết học sinh của trường đều là con em ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và làm nông nghiệp (trồng tỏi – PV), chỉ số ít làm nghề khác như mua bán nhỏ, tham gia các dịch vụ du lịch. Thời tiết thất thường ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của nông dân lẫn ngư dân, vì thế đường đến trường của con em họ cũng lắm gian nan”.

Tuy nhiên, cái nghèo không đáng sợ bằng nỗi đau mất người thân. Em Nguyễn Thị Nhiều (học lớp 4 Trường TH An Hải) chỉ biết mặt cha qua bức ảnh thờ, tấm ảnh duy nhất nhà có được trong lần ông được tuyên dương ở xã. Ở xứ biển, nhà không có đàn ông gánh nặng càng đè lên đôi vai gầy yếu của người phụ nữ. Mẹ của Nhiều cũng thế, vừa chống chọi với nỗi đau mất mát quá lớn, vừa phải gồng gánh nuôi hai con ăn học. Trước tình cảnh của gia đình, Nhiều từng có ý định bỏ học. Những ngày cận kề năm học mới, cô học trò nhỏ này mới biết mình sẽ được đến trường như các bạn.

Chị Dương Thị Xuân (xã An Vĩnh) đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại ngày chị nhận tin thuyền nhà bị tàu Trung Quốc đâm cách ngư trường Hoàng Sa chừng 7 hải lý. Ngày ấy như đám mây xám xịt kéo đến bủa vây gia đình chị. Chiếc thuyền mà gia đình vay tiền ngân hàng đóng xuất bến chưa lâu đã hư hỏng nặng, riêng chồng chị Xuân bị thương nặng phải điều trị dài ngày. Nợ ngân hàng đến ngày thanh toán, thuyền lại nằm bờ bao ngày, cả nhà không có được giấc ngủ ngon… Em Lê Thị Xuân Mai (học lớp 4B Trường TH số 2 An Vĩnh, con gái chị Xuân) chia sẻ về ước mơ của mình: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo như các chú, các anh”.

Học sinh nghèo là con em ngư dân Lý Sơn không may bị tai nạn khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa được Báo Giáo dục TP.HCM trao học bổng

Còn em Nguyễn Văn Việt (học sinh Trường THPT Lý Sơn) cho biết mùa tựu trường năm nay gia đình em đỡ vất vả hơn nhờ trúng tỏi. Diện tích trồng tỏi khiêm tốn nhưng biết tận dụng sức người trong nhà, không phải thuê mướn nên mùa tỏi này gia đình Việt có chút ít lãi. Bạn bè, thầy cô ai cũng mừng cho Việt và cầu mong chuyện học luôn suôn sẻ với cậu học trò nghèo học giỏi.

Cầu “trúng mùa tỏi, chuyến biển êm”.

Thầy Nguyễn Văn Việt (giáo viên Trường THPT Lý Sơn) cho biết từ khi huyện đảo Lý Sơn có điện, đời sống của người dân cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mặc dù dịch vụ du lịch Lý Sơn còn tự phát, manh mún nhưng cũng góp phần nâng cao đời sống, cải thiện về mọi mặt cho người dân. Nhờ đó mà học sinh trong những gia đình khó khăn không phải chật vật mưu sinh ngoài đồng tỏi hay nơi cầu cảng mà công việc nhẹ nhàng hơn ở các điểm đến trên đảo dành cho khách du lịch.

Ông Phạm Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, chia sẻ (tại buổi lễ trao học bổng do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 22-8): “Kinh tế Lý Sơn thay đổi khá rõ rệt khoảng hai năm trở lại đây, tuy nhiên không ít gia đình vẫn còn chật vật mưu sinh, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ không may bị tai nạn trên biển. Trẻ em ở Lý Sơn cũng đã tự mình bươn chải với con ốc, con cá từ biển ra chợ để được tiếp tục đến trường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm, hỗ trợ gia đình tiếp sức và ngăn dòng bỏ học”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Mai tự hào nói về học sinh của mình: “Các em vừa học vừa mưu sinh nhưng sức học chẳng thua kém ai. Chuyện học và bỏ học của các em trong tương lai không thể nói trước được vì còn phụ thuộc vào những chuyến biển và vụ mùa. Chúng tôi sẽ luôn quan tâm, khuyến khích các em hãy học tập thật tốt để tương lai tươi sáng hơn”.

Bài, ảnh: Trần Anh

Bình luận (0)