Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuvantuyensinh.vn: Tuyển sinh ĐH – CĐ 2013 có gì mới?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết và đưa ra những đổi mới, phương hướng kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2013 (22/01/2013), rất nhiều quý phụ huynh, học sinh đã gửi câu hỏi về trang Tuvantuyensinh.vn để nhờ Ban tư vấn giải đáp.
Với mong muốn mang đến những thông tin mới, chính xác nhất và tháo gỡ những băn khoăn lắng cho các em về những thông tin trước mùa tuyển sinh ĐH – CĐ 2013, sáng 26/01, trang Tuvantuyensinh.vn tiếp tục trả lời trực tuyến tất cả những câu hỏi thắc mắc được gửi về chương trình.
  Ban tư vấn đang trả lời thắc mắc của quý phụ huynh, học sinh gửi về Tuvantuyensnh.net
Khách mời tham dự chương trình gồm các chuyên gia, nhà giáo đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh.
-TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
-PGS.TS Nguyễn Đình Phư – Giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn trang Onthi.net.vn.
 -TS  Nguyễn Viết Đông – Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Toán học, Giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
-Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM.
  Giải đáp những thắc mắc.
Kỳ tuyển sinh 2013, Bộ GD&ĐT đưa ra rất nhiều thông tin mới. Để nắm chắc những thông tin mới, bạn Mạc Đình Cẩm Tú hỏi: Em định thi Học viện Tài chính nhưng có thông tin là Trường đã ngừng đào tạo khối ngành Tài chính – Ngân hàng. Thưa thầy, thông tin này có chính xác không ạ? Thầy có thể cho em biết thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đóng của một số ngành Kinh tế không? Với câu hỏi này TS. Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định thông tin về việc ngừng tuyển sinh hoặc ngừng đào tạo nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng là hoàn toàn không chính xác. Bộ GD&ĐT chỉ khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành  kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật,… Chỉ hạn chế mở ngành mới thuộc nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng ở những trường mới thành lập hoặc những trường không có năng lực đào tạo về nhóm ngành này.
Bạn Nguyễn Quốc Vinh hỏi: Năm nay trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM có tổ chức thi khối A1. Thầy có thể tư vấn giúp em các ngành nào của trường có tổ chức thi khối ngành này? PGS.TS Nguyễn Đình Phư trả lời: Theo quy định của Ban tuyển sinh ĐHQG TP.HCM thì Trường ĐH KHXH & NV sẽ tuyển sinh khối A và A1 vào các ngành sau: Triết học, Địa lý học, Xã hội học, Thông tin học, Quy hoạch Vùng và  Đô thị.
Chưa nắm rõ thông tin về khối thi của ngành Công nghệ Thông tin, Bạn Trà My gửi câu hỏi về Tuvantuyensinh.vn. Để giải đáp thắc mắc của My, TS Nguyễn Viết Đông cho biết Ngành Công nghệ thông tin thi khối A. Thành phố Hố Chí Minh có nhiều trường đào tạo ngành này: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Bách khoa. Ba trường này thuộc ĐHQG TP. HCM  có uy tín cao, cơ hội tìm việc làm tốt, có đủ khả năng học tiếp các bậc sau ĐH. Ngoài ra còn có các trường ngoài ĐHQG cũng đào tạo ngành này: ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Nông lâm, ĐH Kỹ thuật Công nghệ…
Kì thi tới Bộ GD&ĐT sẽ không tổ chức thi Ngữ Văn mà chỉ xét điểm học phổ thông. Vậy cách lấy điểm thi môn Văn thì lấy ở bậc THPT thì lấy thế nào? Bạn Lê Quang Huy thắc mắc. TS. Nguyễn Đức Nghĩ đã khẳng định thông tin về việc không tổ chức thi môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 cũng là một thông tin không chính xác. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013, theo dự kiến, Bộ GDĐT sẽ phê duyệt đề án tuyển sinh riêng của 10 trường thuộc khối văn hóa – nghệ thuật, theo đó các khối thi H, N, S ở những trường này chỉ tổ chức thi môn năng khiếu, còn môn Văn được xét tuyển dựa vào thi tốt nghiệp và điểm trung bình ba năm học THPT.
  Bằng cấp quyết định sự thành công?
Gửi câu hỏi đến Tuvantuyensinh.vn, bạn Đặng Ngọc Quang thắc mắc: “Em xin hỏi thầy, có phải bằng cấp càng cao sẽ quyết định sự thành công trong xã hội và tương lai, đúng không thầy”. Với câu hỏi này Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ về thực tế thị trường lao động đã minh chứng, khi người thanh niên chính thức bước vào thị trường lao động, trình độ và cấp bậc học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, hay Sơ cấp chỉ là phần cơ bản của nghề, điều cốt lõi là mỗi thanh niên phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão làm việc và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Cùng chung những băn khoăn về nghề nghiệp trong tương lai bạn Mai Duyên hỏi về nhu cầu nhân lực của ngành Bác sĩ Thú y sau khi ra trường. Ông Tuấn cho rằng khi Kinh tế – xã hội phát triển thì nhu cầu nhân lực của ngành Bác sĩ Thú y ngày càng nhiều đây là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực chuyên môn giỏi trong nhiều năm tới. Nếu em học ngành này có thể làm việc trong những cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp chuyên ngành chăn nuôi, hoặc có thể tự làm việc tại nhà và chữa trị thú y cho các gia đình trong xã hội.

 Rút ngắn thời gian xét tuyển; thành lập Ban chấm thanh tra tuyển sinh; tuyển thẳng vào đại học (ĐH),  cao đẳng (CĐ), những học sinh tham gia đội tuyển…. Là những điểm mới trong mùa tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2013 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại Hội nghị tuyển sinh ĐH –CĐ 2013.

Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013, Bộ GD&ĐT cho biết: Sẽ giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Nông lâm, Thủy sản, Y dược, Nghệ thuật. Bên cạnh đó, Bộ giáo dục và Đào tạo cũng cung cấp nhiều thông tin về chính sách ưu tiên; đối tượng dự thi, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông…

Yến Thanh (Tổng hợp)  

Bình luận (0)