Không còn cơ hội vào bán kết AFF Cup 2020, nhưng tuyển Campuchia sẽ muốn rời giải với một trận đấu đẹp.
Vé bán kết đã ở ngoài tầm với tuyển Campuchia. Sau 3 lượt đấu, Campuchia chỉ thắng Lào, bên cạnh 2 trận toàn thua trước Malaysia, Indonesia. Khoảng cách 4 điểm với đội nhì bảng khi vòng bảng chỉ còn 1 lượt khiến cơ hội đi tiếp của Chan Vathanaka cùng đồng đội đã khép lại.
Tuy nhiên, tuyển Campuchia muốn chia tay AFF Cup bằng một trận đấu đáng nhớ. Gặp tuyển Việt Nam là thử thách cực đại cho đội bóng do bộ đôi Ryu Hirose và Keisuke Honda huấn luyện, nhưng cũng là cơ hội để Campuchia kiểm chứng sự tiến bộ.
Campuchia (áo xanh) ghi 6 bàn sau 3 trận, thành tích chỉ đứng sau Indonesia ở bảng B
Để nói về triết lý của bóng đá Campuchia, cần nhắc lại những phát biểu của cựu HLV Felix Dalmas tại SEA Games 30. Sau trận thua tan nát 0-4 trước U.22 Việt Nam tại bán kết, HLV Dalmas của U.22 Campuchia khẳng định: “Điều quan trọng là U.22 Campuchia dám chơi bóng. Dù thua, nhưng cầu thủ vẫn tự tin với lối đá chúng tôi đặt ra từ đầu”.
Giải đấu ấy, U.22 Campuchia khiến giới mộ điệu bất ngờ với lối chơi tấn công dựa trên những đường chuyền ngắn tương đối hiện đại. “Kiến trúc sư” trong hành trình lột xác của Campuchia chính là Keisuke Honda. Cựu cầu thủ AC Milan muốn Campuchia chơi ban bật kỹ thuật với hình mẫu là tuyển Nhật Bản. Ông truyền đạt yêu cầu chiến thuật thông qua các buổi họp trực tuyến và Dalmas là người trực tiếp huấn luyện.
Tuyển Campuchia chơi tấn công dù gặp các đối thủ mạnh hơn như Malaysia, Indonesia.
U.22 Campuchia không thể giành huy chương SEA Games, nhưng liên đoàn bóng đá nước này vẫn kiên định với con đường đã chọn. HLV Ryu Hirose sau đó được bổ nhiệm thay Dalmas bởi là đồng hương của Honda. Điều này cho thấy cựu tuyển thủ Nhật Bản được tạo điều kiện hết mức để giúp tuyển Campuchia xây dựng lối chơi đẹp mắt.
Tại AFF Cup 2020, tuyển Campuchia thua Malaysia (1-3) và Indonesia (2-4), nhưng đội bóng xứ Chùa tháp để lại ấn tượng tốt. HLV Honda sử dụng sơ đồ 4-3-3 giàu sức tấn công với 2 nguyên tắc: pressing mạnh khi không có bóng và luân chuyển bóng bài bản theo chiều dọc sân khi giành lại quyền kiểm soát nhờ sự cơ động của hàng tiền vệ.
Với Honda, lần đầu tiên Campuchia dám triển khai tấn công từ hàng hậu vệ. Dù lối chơi này khiến Campuchia nhiều lần trả giá vì mạo hiểm, nhưng HLV người Nhật Bản không thay đổi.
Campuchia cho thấy sự tiến bộ qua từng trận. Gặp Malaysia, đội bóng của Honda cầm bóng tấn công chủ động, triển khai nhiều pha lên bóng có nét và sút nhiều hơn đối thủ trong hiệp 1.
Đến trận gặp Indonesia, Campuchia thua trước 3 bàn trong 45 phút đầu nhưng không vỡ trận. Sokpheng cùng đồng đội thể hiện tinh thần thi đấu tuyệt vời với 2 bàn thắng và nhiều lần uy hiếp cầu môn Indonesia. Nhìn chung, tuyển Campuchia chỉ thua vì non kinh nghiệm, chứ không lép vế về nhiệt huyết và lối chơi.
Ở trận gặp tuyển Lào, HLV Honda tin dùng Chan Vathanaka – cầu thủ từng 3 lần sút tung lưới Becamex Bình Dương ở BTV Cup 2016. Đáp lại, Vathanaka ghi 2 bàn, giúp Campuchia thắng trận đầu tay ở AFF Cup 2020.
Đã chắc chắn bị loại, nên có thể tuyển Campuchia sẽ chơi tấn công cởi mở ở trận cuối, đúng như tuyên bố của HLV Hirose. Đây là cơ hội lý tưởng để tuyển Việt Nam ghi nhiều bàn vào lưới đối thủ, bởi thầy trò HLV Park Hang-seo chưa bao giờ ngại những đội tuyển mạnh tấn công nhưng yếu phòng ngự kiểu như Campuchia.
Việc chơi đôi công, hoặc ít nhất không đặt nặng nhiệm vụ phòng ngự có thể khiến Campuchia trở thành “mồi ngon” để tuyển Việt Nam thể hiện khả năng phản công hoặc chuyển đổi trạng thái – thứ bóng đá làm nên thương hiệu thời ông Park.
Dù chơi tấn công sắc nét, nhưng tuyển Campuchia phòng ngự rất kém với 7 bàn thua sau 3 trận, chỉ khá hơn Lào và Timor Leste. Tuyến phòng ngự lỏng lẻo của Campuchia nhiều khả năng bị đánh sập ở trận tới, trong bối cảnh các chân sút Việt Nam đang khao khát thể hiện sau trận đấu không thành công trước Indonesia.
Tuyển Campuchia đã trưởng thành, nhưng rất khó để “Những chiến binh Angkor” cản bước tuyển Việt Nam lúc này.
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)