Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển diễn viên: Nơi đìu hiu, chỗ rộn ràng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau đợt tuyển sinh của Trường SK& ĐA, Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC phát động Cuộc thi tuyển diễn viên truyền hình.
Ngược lại với vẻ đìu hiu ở “lò chuyên nghiệp”, chỉ trong một thời gian ngắn VFC nhận được hơn 1.500 hồ sơ đăng ký. Từ 500 hồ sơ được chọn thi sơ khảo, rồi chung khảo, BTC cuộc thi đã “chấm” 40 gương mặt tham gia lớp đào tạo diễn viên truyền hình 3 tháng.
 Đìu hiu … vì sao?
Niềm vui của thí sinh khi vượt qua vòng chung khảo
Một nghệ sĩ được mời tham gia tuyển chung khảo lớp diễn viên của Trường SK &ĐA mới đây kể, trong số 70 thí sinh dự tuyển, ông chỉ chọn được 10 người. Không hề khắt khe, thậm chí đã nới tay cũng chỉ chọn được ngần ấy. Thế nhưng chỉ tiêu năm nay cần gấp 4-5 lần như thế, thế là đành quay lại lựa lọc trong số 60 người loại cho đủ chỉ tiêu (!).
Nói điều này, nhiều người bảo, nhìn vào số lượng phim truyền hình phát sóng thời gian qua, tưởng diễn viên phải là nghề “đắt sô” lắm. Chẳng thế sao ca sĩ, người mẫu, hoa hậu- những người “tiền đè bẹp người” vẫn “đánh ngang” sang lĩnh vực phim truyền hình cát xê “bèo bọt”, mà đôi khi còn bị “quỵt tiền” nếu gặp phải NSX làm ăn chộp giật.
Trong khi đó, các lò đào tạo diễn viên chuyên nghiệp , đặc biệt là khu vực phía Bắc luôn lâm vào cảnh “đỏ mắt chờ người đẹp”. Người đẹp ở đây, đương nhiên là những người (cả nam và nữ) có hình thể đẹp; gương mặt bắt mắt, cá tính và có khả năng diễn xuất tốt và đam mê điện ảnh chứ không phải chỉ có mỗi lợi thế … chân dài.
Lý giải hiện tượng đìu hiu ở khu vực tuyển sinh diễn viên của Trường SK & ĐA, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN ( VFC) nói: “Với thực tế sản xuất phim hiện nay, nhu cầu về nguồn lực diễn viên với hoạt động làm phim truyền hình trên cả nước rất lớn, đặc biệt với những gương mặt có vóc dáng, kỹ năng diễn xuất nổi bật.
Phía Nam có thị trường làm phim quanh năm, tại thị trường này, diễn viên có thu nhập ổn định, có thể sống bằng nghề vì ngoài làm phim, còn có thể tham gia diễn kịch, và các hoạt động giải trí khác. Vì vậy, ở vùng đất cởi mở với nghệ sĩ này, một vài năm gần đây, trường SK&ĐA thành phố HCM đều thu hút một lượng lớn thí sinh đăng ký dự tuyển lớp diễn viên.
Còn ở phía Bắc, thị trường sản xuất phim kém sôi động, các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng hoạt động cầm chừng. Một khi nghề diễn không nuôi sống diễn viên lâu dài, không cho họ một tương lai nên những người có điều kiện nhất định về hình thức, trình độ sẽ lựa chọn những ngành nghề khác. Thêm nữa, họ nhìn thấy sự vất vả và sự bào mòn của nghề diễn viên trong khi tương lai lại không sáng sủa cho lắm nên tỉ lệ thí sinh có chất lượng nhất định dự thi không cao”.
Cũng theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, trong số 70 thí sinh dự tuyển vòng Chung khảo của Trường SK &ĐA vừa qua, tỉ lệ thí sinh đến từ các thành phố lớn rất ít. Những người có vóc dáng đẹp và khả năng diễn xuất tốt không nhiều nên sẽ mất nhiều thời gian cho việc đào tạo diễn xuất và cả việc làm đẹp cho số người này, cho dù thời gian đào tạo ở “lò chuyên” là 4 năm.
Rộn ràng khu vực đào tạo 3 tháng
Chỉ sau 1 tháng phát động, VFC đã nhận được hơn 1.500 hồ sơ đăng ký tham dự Cuộc thi tuyển diễn viên truyền hình 2011. 40 gương mặt được tuyển vào lớp đào tạo 3 tháng/ tổng số 1.500 hồ sơ cũng có thể coi là kết quả khả quan của một cuộc đua có tính cạnh tranh khốc liệt. Thông thường, trong các cuộc tuyển diễn viên, BGK luôn mong muốn tìm được những gương mặt có khả năng ứng đối linh hoạt.
Tại vòng Chung kết cuộc thi tuyển diễn viên Truyền hình của VFC, một thí sinh sở trường với các vai hiền lành, nhu mì ở vòng loại đã phải đón nhận thử thách của BGK khi chỉ định vai “xã hội đen”. Thể hiện vai diễn này, thí sinh nọ chỉ thẳng vào mặt đạo diễn Trọng Trinh (với tình huống Trinh đã “xử” hai cô gái mà mình mua về) rằng: Thằng Trinh là thằng nào? Thằng Trinh đâu rồi? Đạo diễn Trọng Trinh đáp: Gọi bố mày kiểu gì đấy. “Ứng đối lại ”, thí sinh đã quật nát bó hoa trên bàn giám khảo: Bọn mày nói thế mà nghe được à? Thế bọn mày tính toán vụ này thế nào…
Với sự ứng đối linh hoạt và cách diễn “chuyển màu” nhanh, thí sinh này đã… được tuyển vào khóa đào tạo diễn xuất. Đánh giá chất lượng những gương mặt được tuyển cho khóa đào tạo về mặt hình thức, BTC cuộc thi khẳng định: “Khá hài lòng”. Còn từ kinh nghiệm thực tế, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói: “Mỗi khóa học này chỉ cần bồi dưỡng được khoảng 10-15 gương mặt đảm nhận được vai chính là đã thành công. Bởi, nghề diễn là công việc đặc biệt, chỉ có thể theo đến tận cùng nếu thực sự đam mê và thường xuyên trau dồi khả năng diễn xuất”.
Quay trở lại với lý do có hàng ngàn hồ sơ đăng ký tham dự Cuộc thi tuyển diễn viên truyền hình và nhan sắc những người dự tuyển hơn hẳn các “lò chuyên”, điều dễ nhận thấy là các thí sinh biết chắc chỉ sau 3 tháng họ sẽ có chân trong các dự án phim do VFC sản xuất. Không chỉ là các dự án phim đang chờ casting diễn viên; VFC còn lên kế hoạch giám sát các học viên trong suốt 3 tháng đào tạo để lựa chọn những nhân tố điển hình của lớp học, sau đó viết kịch bản phù hợp cho chính khả năng của họ.
Tại cuộc thi tuyển diễn viên 2010, VFC phối hợp với tạp chí Thế giới điện ảnh tổ chức, những gương mặt đoạt giải như Huỳnh Anh, Hoàng Nhung, Thu Huyền, Minh Hoài đã đảm nhận một số vai khá quan trọng trong một số phim truyền hình đã phát sóng và nhận được phản hồi tốt từ khán giả. Cho thấy, từ những phát hiện ở các cuộc thi và đào tạo diễn viên ngắn hạn, nếu các bạn trẻ đam mê và chịu khó rèn luyện nghề một cách nghiêm túc, họ sẽ tỏa sáng trong lĩnh vực diễn xuất và màn ảnh sẽ có lực lượng diễn viên kế cận nhiều triển vọng.
Theo Khuê Minh
(VH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)