Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tuyến du lịch Tà Năng – Phan Dũng có quá nhiều nguy hiểm, không nên để hoạt động tự phát

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 8/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị, địa phương liên quan đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng về công tác quản lý tuyến du lịch trekking Tà Năng – Phan Dũng.

Theo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận, cung đường Tà Năng – Phan Dũng là một trong những cung đường trekking (tạm dịch là loại hình du lịch đi bộ dài ngày ở những nơi hoang dã) đẹp nhất Việt Nam. Đây cũng là cung đường rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bởi tính chất địa hình đồi núi, có nhiều thác, suối. 
Tuyến đường này bắt đầu từ địa phận xã Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) qua địa phận xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Thời gian qua, đã xảy ra một số sự cố với du khách khi đi phượt (du lịch khám phá tự do) trên tuyến đường này. Cụ thể, vào tháng 10/2017, một nữ du khách ở Đồng Nai bị nước lũ cuốn trôi tại xã Phan Dũng; tháng 5/2018, một nam du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh bị lạc đường và tử vong ở khu vực thác La Phào, xã Phan Dũng. 
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi những vấn đề xoay quanh tuyến du lịch này. Đại diện một công ty du lịch đến từ Lâm Đồng cho biết, chỉ có khoảng 20% khách đi du lịch khám phá cung đường này thông qua các tour của những công ty chuyên tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm, được trang bị đầy đủ và có hướng dẫn viên; còn lại 80% là các nhóm tự phát hoặc do những người đã từng đi, dựa trên kinh nghiệm để tổ chức. Cung đường này rất dễ bị lạc nhất là vào địa phận rừng Phan Dũng. Hơn nữa, vào mùa mưa, trên những con suối ở đây lũ về rất nhanh, bất ngờ và nguy hiểm nếu không được trang bị phương tiện và kỹ năng thì rất khó qua được. 
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong (Bình Thuận), vào các ngày cuối tuần có gần 200 người đi khám phá cung đường này; riêng các ngày lễ, tết có khoảng 1.000 người. Ban quản lý đã nhiều lần hỗ trợ và dẫn đường cho du khách bị lạc. Ngoài địa hình hiểm trở, có việc một số nhóm du khách khi đi đã tự ý vẽ hoặc để lại dấu hướng dẫn lung tung khiến những người đi sau bị mất phương hướng dẫn đến lạc đường. Một thực trạng nữa là vấn đề rác thải vứt bừa bãi, nhất là khu vực thác, suối. 
Các đại biểu cho rằng, việc kịp thời đưa ra các giải pháp vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, vừa đảm bảo kiểm soát rừng, bảo vệ môi trường và khai thác một sản phẩm du lịch mới kết nối hai địa phương là hết sức cần thiết. Các đại biểu đề xuất phải xây dựng trạm kiểm soát ngay điểm đầu Tà Năng để kiểm soát lượng khách với đầy đủ thông tin cá nhân, cung cấp những điều cần lưu ý cho du khách… 
Trên cơ sở phối hợp, ngành du lịch hai địa phương cùng các ban quản lý rừng, chính quyền địa phương tiến hành thẩm định chọn một tuyến đường được nhiều du khách lựa chọn để cắm biển hướng dẫn dọc đường đi, xây dựng sơ đồ kèm các thông tin hỗ trợ kịp thời cho du khách. Việc thành lập các điểm tập kết rác và các nhóm cứu hộ, cứu nạn cũng được các đại biểu thảo luận. Một số ý kiến cho rằng, nên kêu gọi các doanh nghiệp, công ty du lịch và cộng đồng cùng tham gia khai thác tuyến tour du lịch mạo hiểm này. 
Bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong tháng 6/2018, Ngành du lịch Bình Thuận sẽ phối hợp với Ngành du lịch Lâm Đồng tiến hành cắm mốc, lắp đặt biển báo hướng dẫn du khách. Về lâu dài, Sở sẽ phối hợp với Ngành du lịch Lâm Đồng và các địa phương triển khai các giải pháp nhằm quản lý tuyến du lịch này, vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, vừa kiểm soát bảo vệ rừng.

Hồng Hiếu (TTXVN)
 
 

 

Bình luận (0)