Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển giảng viên ồ ạt, chất lượng sẽ ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, khi kết thúc đợt thanh, kiểm tra 24 trường ĐH, CĐ trên cả nước, Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 với 3 trường ĐH, CĐ và 12 ngành của 4 trường ĐH, đồng thời cảnh báo 7 trường ĐH khác do chưa thực hiện đúng cam kết thành lập trường.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn khẳng định: Đến năm 2013, nếu 3 trường bị đình chỉ tuyển sinh không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học như cam kết, Bộ sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục, thậm chí xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường. Quyết định đình chỉ tuyển sinh và những tuyên bố cứng rắn của Bộ GD-ĐT thực sự làm rung động hệ thống giáo dục đại học nước nhà.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Chủ tịch HĐQT Trường ĐHDL Đông Đô, một trong 3 trường vừa bị đình chỉ tuyển sinh khẳng định: “Việc Bộ GD-ĐT xử lý một số trường chưa đảm bảo thực hiện cam kết thành lập trường là một việc làm có quy trình và đúng quy định. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm và biện pháp xử lý “mạnh tay” của Bộ. Đây là một đòn đau nhưng đúng lúc để chấn chỉnh chất lượng đào tạo ĐH, CĐ trong cả nước”.
các trường phải có chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên hết sức rõ ràng
  Các trường cần có chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên hết sức rõ ràng
(ảnh chỉ mang tính minh họa/Internet)
Thực tế cho thấy, nếu cứ chiểu theo tiêu chí 25 sinh viên/1 giảng viên cơ hữu thì không ít các trường công lập có uy tín cũng khó có thể đảm bảo được. Trong bối cảnh nhu cầu học tập càng ngày càng cao, các trường ĐH, CĐ được thành lập ồ ạt nhưng nghề sư phạm không mấy hấp dẫn với những người có năng lực, chính vì thế, việc tuyển giảng viên đã khó, nay càng khó hơn. Đã thế, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, năm nay các trường phải tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh của mình dựa trên 2 tiêu chí (25 sinh viên/1 giảng viên cơ hữu, diện tích sàn xây dựng thuộc sở hữu của trường 2m2 /sinh viên). Chính vì vậy, để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh năm nay bằng…năm ngoái mà không rơi vào "tầm ngắm" của Thanh tra Bộ GD-ĐT, nhiều trường phải nhanh chóng tăng cường đội ngũ giáo viên cơ hữu. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của các trường đầy ắp các thông tin tuyển giảng viên. Tuy nhiên, tuyển gấp giảng viên vào thời điểm này không dễ dàng gì. Đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ của ta nhìn chung vừa thiếu, vừa yếu. Để xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ mạnh, đáp ứng được tiêu chí của Bộ GD-ĐT không dễ. Việc các trường đua nhau tuyển gấp giảng viên cho đủ chỉ tiêu, cho kịp mùa tuyển sinh đã cận kề rất có thể dẫn đến chất lượng giảng viên không đảm bảo. Khi chất lượng giảng viên không tốt, hậu quả của nó sẽ rất nặng nề và người học sẽ lãnh đủ. Ngoài ra, việc tuyển giảng viên ồ ạt cũng dễ dẫn đến tình trạng tranh giành giảng viên giữa các trường. Trong “cuộc chiến” này, phần thắng nghiêng về các trường ngoài công lập, bởi họ có cơ chế “thoáng” hơn, lương trả cao hơn… Trong những năm gần đây, không ít các trường công lập bị “rút ruột” giảng viên theo nhiều cách, từ thỉnh giảng theo kiểu “chạy sô” đến chuyển hẳn sang trường khác. “Tấm chăn” mang tên “giảng viên” đã hẹp, cứ kéo mãi kiểu này thật khó phủ kín nhu cầu của người học, nhu cầu tuyển sinh của các trường. 
Theo ý kiến của một số nhà quản lý giáo dục thì các trường phải có chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên hết sức rõ ràng và khoảng thời gian thực hiện chiến lược ấy không dưới 5 năm. Một câu hỏi đặt ra: Nếu Bộ GD-ĐT đòi hỏi đến năm 2013, những trường bị đình chỉ tuyển sinh 2012 và những trường “có nguy cơ” bị đình chỉ tuyển sinh không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học như cam kết, Bộ sẽ “đình chỉ hoạt động giáo dục, thậm chí xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường” thì các trường trên sẽ xoay xở ra sao?
Những câu hỏi đại loại như vậy chắc chắn sẽ được giải đáp trong Hội nghị tuyển sinh sắp tới, tuy nhiên, chuyện nhãn tiền rằng trong khoảng thời gian gấp gáp như vậy, việc các trường tổ chức tuyển giảng viên, xây tạm trường lớp để đối phó là khó tránh khỏi. Nếu không có chiến lược đầu tư dài hơi nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT và song song với điều đó là xây dựng thương hiệu của từng trường thì giáo dục đại học của ta khó có cơ cất cánh để sánh vai với giáo dục đại học của các nước tiên tiến trong khu vực.
Theo Thụy Anh
(GD&TĐ)

Bình luận (0)