Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển giáo viên 2014 tại TP.HCM: Thiếu lớp nhỏ, thừa lớp lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Các ứng viên tham gia xét tuyển GV THPT theo dõi danh sách phỏng vấn ngày 15-7
Trong hai ngày 15, 16-7, Sở GD-ĐT TP.HCM tiến hành phỏng vấn xét tuyển giáo viên (GV) cho các trường THPT và trung tâm GDTX. Năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT TP cần tuyển 371 GV THPT, nhưng có tới 960 ứng viên tham dự phỏng vấn. Và trước khi được tham dự phỏng vấn, các ứng viên đã phải trải qua nhiều cửa ải cam go…
Từ “chạy” hộ khẩu
Theo thông báo về kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT TP.HCM năm học 2014-2015, ngoài các yêu cầu về bằng cấp, các ứng viên muốn đăng ký xét tuyển GV bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Tuy nhiên, đa phần giáo sinh có mong muốn trở thành viên chức ngành GD-ĐT TP.HCM lại là người ngoài TP. Do vậy, đã xuất hiện tình trạng “chạy” hộ khẩu…
Anh Bùi S. – đăng ký xét tuyển môn CNTT – kể: “6 năm trước, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM em về quê (Vĩnh Long) xin việc nhưng không được nên quay lại TP.HCM dạy ở trường tư thục. 4 năm nay, em đang dạy tại một TTGDTX của TP. Tuy nhiên chỉ là dạy hợp đồng, dạy tiết nào hưởng lương tiết đó. Trong khi đó, những đồng nghiệp ở trung tâm, ngoài lương còn có phụ cấp và nhiều khoản thu nhập khác. Năm ngoái, em tính đăng ký xét tuyển GV nhưng khi “chạy” hộ khẩu thì người ta hét tới 50 triệu đồng nên thôi. Năm nay, do thời gian em tạm trú đủ 3 năm nên giá cũng rẻ hơn chút đỉnh – còn 35 triệu đồng. Tuy vậy, có được hộ khẩu cũng mới chỉ đủ điều kiện để đăng ký xét tuyển chứ chưa chắc đã trúng tuyển”.
Những trường hợp như S. không phải là ít. Đơn cử như Thảo Nguyên (quê Ninh Bình) – đăng ký dự tuyển môn văn. Năm 2007, Thảo Nguyên tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I. Thảo Nguyên về quê xin việc nhưng vì không “quen biết”, không thế lực, cha mẹ cũng chẳng phải “đại gia” nên đành quay lại Hà Nội làm… gia sư. “Làm được hai năm, em theo bạn bè vào TP.HCM. Vì nghe nói ở đây năm nào cũng tuyển cả ngàn GV. Nhưng vào đây rồi mới thấy mọi chuyện không hề đơn giản”, Thảo Nguyên tâm tư.
4 năm sống ở TP.HCM, vừa làm gia sư, vừa làm GV hợp đồng cho một trường THPT tư thục ở Q.Tân Phú, cách đây hơn một tháng Thảo Nguyên cũng “mua” được cái hộ khẩu TP với giá hai năm tiền lương hưu của bố (gần 50 triệu đồng). Tuy vậy, giấc mơ trở thành cô giáo dạy văn của Thảo Nguyên cũng chưa chắc đã trở thành hiện thực bởi tỷ lệ chọi của môn văn tương đối cao…
Đến căng thẳng tỷ lệ chọi

Các ứng viên tham gia xét tuyển giáo viên THPT theo dõi danh sách được gọi phỏng vấn sáng 15-7

Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, hiện đang học thạc sĩ nhưng Minh Hà (Q.9) không khỏi lo lắng: “Môn tiếng Anh lấy 57 GV nhưng có hơn 100 người tham gia phỏng vấn nên em không tự tin là mình sẽ trúng tuyển. Bởi vì đối thủ của em đều là những người có kinh nghiệm đứng lớp, có người đã nhiều năm dạy hợp đồng ở các trường THPT dân lập, các TTGDTX. Còn em thì chỉ dạy ở trung tâm ngoại ngữ. Trong khi đó, phần phỏng vấn sẽ phải dạy một bài trong chương trình sách giáo khoa lớp 10 hoặc lớp 11”.
Sự lo lắng của Minh Hà đã nhanh chóng lan truyền sang các ứng viên khác. Nhất là những ứng viên tham gia phỏng vấn môn hóa như Đình Huy. Là dân tỉnh nên trước khi được Sở GD-ĐT TP.HCM mời tham gia phỏng vấn xét tuyển GV, Huy cũng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để “chạy” hộ khẩu. Giờ đây nhìn thấy tỷ lệ chọi của môn hóa, Huy tỏ rõ sự bất an. Huy nói: “Môn hóa là môn có tỷ lệ chọi cao nhất, chỉ tiêu là 22 nhưng có tới 150 người tham gia phỏng vấn. Năm ngoái tỷ lệ chọi thấp hơn mà em còn rớt, năm nay cao vậy không biết có cơ hội trúng tuyển không”.
Tương tự, môn toán, môn lý, môn sử, môn thể dục cũng có tỷ lệ chọi rất cao. Cụ thể, tỷ lệ chọi của môn toán là 1/4, môn lý 1/6, môn sử 1/3, thể dục 1/3…
Tình trạng cung nhiều hơn cầu ở một số môn học cơ bản cũng xảy ra ở bậc THCS. Trong khi đó ở tiểu học và mầm non thì lại thiếu rất nhiều. Như tiểu học, nhu cầu tuyển dụng là 1.694 GV nhưng mới chỉ có 983 ứng viên đăng ký tham gia xét tuyển; mầm non cũng còn thiếu khoảng 400 GV…
Thiếu GV lớp nhỏ, thừa GV lớp lớn đã xảy ra hàng chục năm nay ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung nhưng bài toán dường như không bao giờ có lời giải. Bởi các trường sư phạm chỉ biết đào tạo, còn người học cũng chỉ biết học, không bên nào chịu quan tâm đến đầu ra. Có lẽ đã đến lúc Bộ GD-ĐT nói chung, các tỉnh, thành nói riêng phải tính đến đầu ra trước khi tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm. Dù sao sư phạm cũng là ngành học được ngân sách Nhà nước bao cấp học phí nên không thể cứ lãng phí mãi được…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)