Sở GD-ĐT TP tổ chức rà soát dữ liệu đối với các ứng viên đăng ký dạy bậc THPT (ảnh chụp sáng 9-7-2012) |
Từ ngày 4-7, Sở GD-ĐT TP.HCM, các phòng GD-ĐT quận, huyện và các trường CĐ – trung cấp trên địa bàn TP bắt đầu rà soát dữ liệu đối với các ứng viên dự tuyển giáo viên. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, nhiều nơi ứng viên đua nhau đăng ký, ngược lại cũng có nơi cầu thì nhiều mà cung chẳng bao nhiêu…
Thiếu vẫn thiếu…
Sau khoảng một tháng triển khai việc đăng ký dự tuyển giáo viên (GV) trên trang web của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngành GD-ĐT TP đã có 7.491 ứng viên đăng ký. Trong khi đó, nhu cầu chỉ có 3.484 GV. Nếu chỉ nhìn vào những con số thì mùa tuyển dụng năm nay có trên 4.000 ứng viên “không có cửa” bước vào các trường công lập…
Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế thì… Cũng như nhiều năm trước, năm nay TP.HCM sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng tuyển không đủ GV ở một số bậc, cấp học tại nhiều quận, huyện.
Trước tiên phải nói đến GV tiểu học (TH). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2012, các quận, huyện có nhu cầu tuyển dụng 2.004 GVTH. Trong đó, huyện Bình Chánh cần tuyển 305 GV, Q.Thủ Đức – 192 GV, Q.Tân Phú – 134 GV, huyện Nhà Bè – 130 GV, huyện Hóc Môn – 124 GV, huyện Củ Chi – 111 GV, Q.12 – 109 GV… Tuy nhiên, để tránh tình trạng thiếu GV cục bộ, nghĩa là các ứng viên chen nhau đăng ký ở quận nội thành, còn ngoại thành và một số quận ven, huyện ngoại thành thì bỏ trắng nên đợt 1 Sở GD-ĐT chỉ phân bổ chỉ tiêu cho 24 quận, huyện là 884 GV TH dạy nhiều môn và 162 GV dạy ngoại ngữ, tin học, năng khiếu. Theo đó, Bình Chánh được phân bổ chỉ tiêu 187 GV, hiện có 222 ứng viên đăng ký. Tuy nhiên, riêng GV dạy nhiều môn mới chỉ có 137 ứng viên đăng ký, dù chỉ tiêu là 150 GV. Điều đáng quan ngại là không phải tất cả các ứng viên đã đăng ký đều sẽ tới Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh để rà soát dữ liệu. Vả lại, còn một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua là không ít GV mới được tuyển dụng đã bỏ nhiệm sở ngay từ ngày đầu đi làm.
Huyện Củ Chi được phân bổ chỉ tiêu đợt 1 là 92 GVTH, nhưng hiện chỉ có 30 ứng viên đăng ký. Trong đó, “thảm” nhất là GV dạy nhiều môn, chỉ tiêu 55 GV mà mới có 15 ứng viên đăng ký. Hay như huyện Nhà Bè, chỉ tiêu là 78 GV nhưng đăng ký chỉ có 50…
Ở mầm non, các quận, huyện có nhu cầu tuyển 1.022 GV. Đợt 1 Sở GD-ĐT chỉ phân bổ chỉ tiêu cho các quận, huyện 783 GV. Theo số liệu tại các phòng GD-ĐT quận, huyện cho thấy đã có 796 ứng viên đăng ký nhưng có nhiều quận, huyện vẫn thiếu…
Chen nhau vào cửa hẹp
Huyện Cần Giờ có nhu cầu GV mầm non là 10 GV mà đăng ký đã lên tới 23 ứng viên. Thực tế trong nhiều năm qua, không ít giáo sinh mầm non có hộ khẩu ở huyện Cần Giờ đã phải chạy sang những quận, huyện khác để xin việc. Điều này cho thấy, huyện Cần Giờ đã làm khá tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT thi vào các trường sư phạm mầm non.
Tương tự, Q.1 nhu cầu đợt 1 là 15 GV nhưng đã có 43 ứng viên đăng ký; Q.Gò Vấp và Q.Tân Bình nhu cầu là 15, đăng ký 40…
Trong khi đó ở Q.11 mặc dù không phải là khu vực khó khăn, trường lớp được xây mới cũng nhiều nhưng số ứng viên đăng ký lại rất ít. Hiện tại mới chỉ có 18 ứng viên đăng ký dạy mầm non dù chỉ tiêu đợt 1 là 50 và nhu cầu thực tế là 58. Q.6 đăng ký 26 nhưng nhu cầu lên tới 35 GV mầm non, thực chất là cần 41 GV…
Còn ở bậc TH, nếu chỉ tuyển theo chỉ tiêu phân bổ đợt 1 thì không ít quận có số ứng viên đăng ký cao hơn nhiều so với nhu cầu như Q.1. Gò Vấp…
Riêng GV dạy tại các trường THPT, trung cấp, CĐ thì nhu cầu chẳng bao nhiêu mà số đăng ký lại rất nhiều. Chẳng hạn như ở bậc THPT nhu cầu chỉ có 525 GV, trong khi đó có tới 2.994 ứng viên đăng ký. Từ các môn thường thi tốt nghiệp như toán, văn, tiếng Anh, lý, hóa, sinh, sử, địa đến những môn phụ là giáo dục công dân, thể dục, quốc phòng, kỹ thuật công nghiệp – nông nghiệp, nữ công đều dư.
Theo đó, chủ trương của Sở GD-ĐT là chỉ tuyển những ứng viên có hộ khẩu TP, còn KT3 thì phải đăng ký dạy ngoại thành (tất nhiên chỉ những môn các trường có nhu cầu). Mặt khác, ưu tiên tuyển dụng ứng viên có bằng giỏi, khá thuộc các trường ĐH sư phạm chuyên ngành sư phạm chứ không phải chuyên ngành cử nhân… Tuyệt đối không tuyển ứng viên tốt nghiệp ĐH hệ tại chức. Các ứng viên không thuộc ngành sư phạm nếu chưa qua đào tạo chuyên môn sư phạm cũng không tuyển. Trong khi những năm trước, đối tượng này đều được nợ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (sau khi được tuyển dụng sẽ đi học bổ sung).
Tình trạng thiếu GV mầm non, TH và thừa GV bậc THPT không chỉ mới xảy ra ở TP.HCM năm 1, năm 2 mà là 5-6 năm nay. Vậy tại sao học sinh tốt nghiệp THPT không thi ngành sư phạm mầm non, TH để ra trường là có việc làm ngay mà cứ chen vào cửa hẹp là các trường THPT – tỷ lệ chọi có thể lên tới 4-5…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)