Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển giáo viên năm học 2009 – 2010: Vì sao nhiều năm liền Củ Chi không thiếu giáo viên?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Lê Hùng Sen đang phát biểu tại một hội nghị

Hiện nay, ngành GD-ĐT các quận, huyện lại “đau đầu” với tình trạng thiếu GV khi số lượng học sinh ngày một tăng cao. Nhưng đối với ngành GD-ĐT huyện Củ Chi có thể nói là một trong những quận huyện khắc phục được tình trạng thiếu GV… Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Sen – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi.
PV: Xin ông cho biết năm học này Củ Chi có thiếu GV?
Ông Lê Hùng Sen: Hiện nay, Củ Chi có hơn 53.000 học sinh, địa phương chỉ thiếu từ 20 đến 30 GV. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2-3 năm, địa phương không có nhu cầu tuyển dụng nên nhiều GV quê Củ Chi công tác tại các quận, huyện khác. Nay những GV này xin về công tác tại Củ Chi nên địa phương không thiếu GV nữa. Nếu có thiếu chỉ thiếu cục bộ tại một vài trường, mỗi trường cũng chỉ thiếu một, hai GV. Phòng sẽ điều chỉnh GV từ nơi thừa sang nơi thiếu. Về cơ bản là đảm bảo đủ GV.
Thưa ông, trước đây huyện Củ Chi có bị cuốn vào tình trạng thiếu GV?
Trước đây, Củ Chi cũng là địa phương thiếu nhiều GV. Do đặc thù là huyện ngoại thành nên rất ít GV nội thành về công tác. Có chăng chỉ là giải pháp tạm thời. Sau vài năm những GV nội thành này lại chuyển công tác. Trước thực trạng này, Phòng đã lập kế hoạch cụ thể và xin ý kiến của UBND, Huyện ủy. Chúng tôi liên kết với Trường Đại học Sài Gòn và một số trường khác để bồi dưỡng, đào tạo GV cho địa phương.
Cụ thể kế hoạch này như thế nào, thưa ông?
 

Một cán bộ tổ chức Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Cách đây hơn 5 năm, Củ Chi là một địa phương thiếu GV trầm trọng nhất trên địa bàn thành phố. Nhưng nhờ địa phương có kế hoạch chu đáo nên khó khăn này đã được khắc phục tốt”.

Ông Phan Văn Kèo – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết: “Chúng tôi cũng ý thức được thực trạng này từ rất sớm. Cách đây 8 năm chúng tôi đã tiến hành đào tạo nguồn GV cho địa phương. Tuy nhiên, sau khi đào tạo xong, nhiều GV chuyển sang công tác ở các trường dân lập. Vì vậy nên xảy ra tình trạng thiếu GV”.
Ngay từ cuối học kỳ 1 hằng năm, Phòng Tổ chức cán bộ làm việc với hiệu trưởng các trường trên địa bàn, nghe báo cáo về tình hình nhân sự tại trường để Phòng thống kê. Từ thống kê này chúng tôi lập kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo GV. Nếu môn nào, bậc nào thiếu không nhiều GV, chúng tôi sẽ tuyển theo chuẩn đầu vào của ĐH Sài Gòn rồi gửi những thí sinh này cho Trường ĐH Sài Gòn đào tạo. Đối với những môn, bậc học thiếu GV số lượng nhiều (khoảng trên 50 GV) thì chúng tôi tổ chức lớp học ngay tại địa phương, học vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Có xe đưa rước giảng viên tận nhà. Rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, đối tượng tuyển dụng đào tạo GV là người tại địa phương. Những đối tượng này phải đáp ứng yêu cầu về bằng cấp nhất định, phải thi và đạt chuẩn đầu vào của ĐH Sài Gòn. Vì vậy, 5 năm trở lại đây địa phương đã chủ động về GV. Không chỉ vậy, hiện nay chúng tôi đang liên kết đào tạo tổ trưởng. Đó là những GV giỏi, có triển vọng tại các trường, chúng tôi liên kết với các trường ĐH để bồi dưỡng, đào tạo họ như nguồn nhân lực kế thừa. Đó không chỉ là những GV có chuyên môn tốt mà còn là những cán bộ quản lý có triển vọng. Hiện nay, tại Củ Chi, có trên 70% GV trên chuẩn. Không chỉ có GV, đối với đội ngũ CB, NV của ngành, chúng tôi cũng tiến hành tuyển chọn và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo. Ví dụ, chúng tôi liên kết với Trường Trung cấp Y tế Bình Dương để bồi dưỡng, đào tạo cán bộ y tế cho các trường.
Theo ông, đâu là yếu tố hóa giải thành công bài toán thiếu GV hiện nay khi số học sinh ngày càng tăng?
Phòng GD-ĐT cần phải chủ động có kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc thù của địa phương. Hơn nữa, phải có sự hỗ trợ, quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo địa phương. Tôi đánh giá rất cao sự ủng hộ nhiệt tình, quan tâm sâu sắc của lãnh đạo địa phương.
Xin cám ơn ông!
Công Việt

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)