Theo kế hoạch, năm học 2011 – 2012, Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh chính thức tuyển sinh bậc học mầm non, cấp 1,2 vào ngày 01/7. Theo thông tin mới nhất từ Sở GD-ĐT 2 TP này, tất cả các khâu chuẩn bị đã sẵn sàng cho một kỳ xét tuyển nghiêm túc, đúng quy định.
Là một trong những địa bàn đông dân cư, kinh tế phát triển nhất cả nước, nhiều năm qua, tuyển sinh đầu cấp vào Mầm non, Tiểu học, THCS tại địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn là vấn đề "nóng", được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm mỗi dịp chuẩn bị một năm học mới.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội
|
Sẵn sàng cả về đội ngũ và hạ tầng cơ sở
Hà Nội: Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Từ nhiều năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có chủ trương "3 giảm": Sĩ số học sinh/lớp, số lớp ở những trường có quy mô quá lớn và số học sinh học trái tuyến. Đến nay, theo đánh giá của ngành giáo dục Thủ đô, chủ trương này đã tạo nên những bước cải thiện đáng kể về chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Thành phố luôn đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh tiểu học và THCS với tỷ lệ trung bình chỉ khoảng trên dưới 40 học sinh/lớp. Nhưng do mật độ dân cư và sự khác nhau về quy mô của từng trường nên tỷ lệ này không đồng đều. Mặt khác, nhu cầu của cha mẹ học sinh đa dạng khiến cho việc tuyển sinh không chỉ là áp lực cho phụ huynh mà cho cả ngành giáo dục và các cấp quản lý.
Sở GD – ĐT Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các trường phải đảm bảo thực hiện quy chế công khai theo quy định tại Thông tư 09 của Bộ GD – ĐT để xã hội cùng giám sát công tác này. Theo phân cấp, các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc quận huyện, thị xã quản lý và vì thế việc kiểm tra công tác tuyển sinh hàng năm do các địa phương thực hiện. Để khắc phục tình trạng này, trong 2 năm 2009 và 2010, thành phố đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng cho ngành giáo dục để xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4, và xuống cấp. Ngoài ra, thành phố còn chi hàng trăm tỷ đồng cho chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chương trình chiếu sáng học đường, xây nhà vệ sinh, mua sắm rất nhiều trang thiết bị khác nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất… Những động thái này nhằm cải thiện chất lượng dạy và học của các trường và tạo cơ hội công bằng cho học sinh giữa các trường khác nhau, góp phần giảm sức ép của "trường điểm".
Thành phố Hồ Chí Minh: Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi tổng kết năm học 2010 – 2011, Sở đã lên phương án, trình kế hoạch tuyển sinh năm học mới và UBND thành phố đã phê duyệt.
Để chuẩn bị cho năm học 2011- 2012, thành phố đã xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng thêm 10.085 phòng học với đầy đủ trang thiết bị dạy học theo quy định, đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trong độ tuổi trên địa bàn.
Về vấn đề chuẩn bị đội ngũ, ông Sơn cho biết, đây là năm thứ hai Sở thực hiện phân cấp tuyển dụng (các trường tự tuyển dụng theo nhu cầu tại chỗ, công khai Hồ sơ đăng ký trên Website của Sở, sau khâu kiểm định, đối chiếu Hồ sơ gốc, các trường sẽ tổ chức tuyển dụng theo phương thức chung). Hiện nay công tác chuẩn bị đội ngũ đã đầy đủ cả về số lượng và chất lượng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Chọn trường, đâu là nguyên nhân?
Ngành Giáo dục đã có khuyến cáo, không phải cứ xin học vào trường danh tiếng thì con em mình sẽ được học cô giáo tốt, có học lực tốt. Các bậc phụ huynh đừng cố ép con mình phải giỏi hơn con người khác. Việc giỏi hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố như trí tuệ, thể lực và sự phối hợp của gia đình với nhà trường. Do đó, nếu có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp, không nên chạy theo “trào lưu” trường điểm, lớp chọn mà phải căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của mình. Hơn nữa, qua công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn thành phố đều có chất lượng giáo dục khá, tốt, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đạt chuẩn theo yêu cầu.
Hà Nội: Nguyên nhân khiến tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội nhiều năm vẫn "nóng" là vì phụ huynh cứ đổ xô vào một số trường mà họ cho là có tiếng, là trường “điểm”. Do nhu cầu lớn, khả năng đáp ứng có hạn nên áp lực trái tuyến năm nào cũng nặng nề, gây những “cơn sốt” không đáng có trong xã hội. Dư âm của những cuộc “chạy đua” chọn trường đã khiến dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm về công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội. Trong khi đó, theo thống kê, còn rất nhiều trường, tỷ lệ học sinh trên lớp chưa đạt chuẩn (35 học sinh/lớp). Ở quận Hoàn Kiếm, chỉ 3 trường tiểu học có sĩ số học sinh/lớp cao là Trần Quốc Toản 44,9, Quang Trung 44,7, Trưng Vương 43,9, còn lại hầu hết đều bằng hoặc ở dưới mức quy định. Tại quận Đống Đa cũng chỉ có 3 trường có sĩ số học sinh/lớp từ 51 đến 54, còn lại đều chỉ từ 21 đến 29.
Có những trường Tiểu học, nhiều năm nay rất khó tuyển đủ chỉ tiêu vào lớp 1 dù cơ sở vật chất không thua kém các trường công lập khác trên địa bàn. Cả 9 chỉ tiêu ngành giáo dục đề ra đều được đánh giá tốt, đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Năm nào, trước thời gian tuyển sinh trường cũng vận động các gia đình trên địa bàn cho con học đúng nơi cư trú… Tuy vậy kết quả vẫn không mấy biến chuyển, số trẻ trên địa bàn nhập học vào trường chỉ bằng hơn 1/3 số trẻ trong độ tuổi đến trường. Điều đáng nói là trong số những học sinh vào trường có không ít con em gia đình lao động ngoại tỉnh thuê nhà gần đó xin học trái tuyến. Thâm chí, nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia và có nhiều thành tích nhưng do "không mấy tên tuổi", nên học sinh của phường đều kéo đi trường khác
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD – ĐT Tp Hồ Chí Minh
|
Thành phố Hồ Chí Minh: Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp Hồ Chí Minh, để giảm thiểu tình trạng chọn trường, chạy trường, ngành giáo dục thành phố đã nỗ lực xóa dần khoảng cách giữa các trường ở nội thành, ngoại thành; tiến đến sự đồng đều về chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. Cụ thể: ngành tập trung đầu tư hạ tầng, thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên giữa các trường,… Những nố lực này nhằm tạo nên mặt bằng mới cho chất lượng giáo dục giữa các trường nói chung, xóa dần tâm lý "chọn thầy giỏi" cho con của các bậc phụ huynh học sinh.
Cũng theo ông Sơn, chọn trường, chạy trường là do tâm lý của phụ huynh còn nặng nề, vương vấn với thương hiệu của nhà trường. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn nhưng phụ huynh vẫn vì thương hiệu cũ của trường mà hay tìm mọi cách để gửi con vào học.
Tuy nhiên, nhờ ráo riết thực hiện kế hoạch phân tuyến tuyển sinh, kiên quyết yêu cầu các trường chỉ nhận học sinh đứng tuyến, đặc biệt đối với học sinh Mầm non và lớp 1 nên tình hình đã được cải thiện đáng kể. Sở chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của các Phòng giáo dục quận, huyện tuyên truyền, vận động, tổ chức gặp gỡ các bậc phụ huynh giải thích chu đáo để có tâm lý tốt nhất trước khi gửi con đến trường. Ngoài một bộ phận nhỏ phụ huynh vẫn còn nặng tâm lý chon trường cho con thì hiện nay đa số phụ huynh đã chọn trường gần nhà để gửi con theo học.
Trong số những phụ huynh có tư tưởng chọn trường cho con học vì lý do chính đáng (trường gần nhà, tiện việc đưa đón) thì mục đích chính của các cuộc “chạy đua” thường là mong muốn khi vào trường điểm con mình sẽ giỏi hơn, tốt hơn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Với chương trình chung và tiêu chuẩn chung cho giáo viên, mức chênh lệch giữa các trường chỉ vài phần trăm chứ không phải “một trời một vực” như nhiều phụ huynh tưởng tượng. Đa phần, các phụ huynh bị thu hút bởi những hoạt động ngoại khóa, năng khiếu hơn là chất lượng đào tạo của các trường. Và không thể phủ nhận là hầu hết phụ huynh đều biết đến các trường nổi tiếng chỉ qua truyền miệng.
Nguyên nhân không phải là Chất lượng giáo dục
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện nay không ít trường vẫn thuộc diện rất khó tuyển sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do trường đóng ở các địa bàn không thuận lợi như ngõ hẹp, đường xá không tốt… Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế thì đây mới chỉ là lý do bề ngoài, còn có những nguyên nhân rất mơ hồ, thiếu thuyết phục như: chất lượng giáo dục của nhà trường không phải là nguyên nhân chính mà do trường quá ít học sinh nên chủ yếu tiếp nhận trái tuyến đối với con em những người lao động tỉnh lẻ có thu nhập thấp. Phụ huynh lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập của con bởi với họ, môi trường học tập là yếu tố rất quan trọng.
Khủng hoảng "thừa – thiếu" và nghịch cảnh trong tuyển sinh đầu cấp một phần cũng là do những lý do khó gọi tên mà các bậc phụ huynh đưa ra. Điều đáng lo ngại là nếu nhiều năm liền số lượng tuyển sinh không đảm bảo thì các trường đó sẽ có nguy cơ bị "xóa sổ" và điều này là một bài toán khó giải đối với các cấp quản lý giáo dục.
Để đối phó với vấn đề này, ngành giáo dục đã có kế hoạch tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp. Với những phường quá đông học sinh trong độ tuổi phải phân tuyến lại để san bớt số học sinh sang trường của phường lân cận. Ngành cũng có nhiều biện pháp để nâng chất lượng giáo dục đồng đều giữa các nhà trường. Xây dựng các trường vệ tinh quanh trường được coi là “điểm”, "Chuẩn" để tạo sức hút với phụ huynh và học sinh. Bản thân các trường cũng có thể tự tạo ra "thương hiệu" cho mình bằng nhiều biện pháp khác nhau như tăng chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục bổ ích, lý thú cho học sinh.
Phụ huynh hãy là nhà thông thái
Phụ huynh hãy là nhà thông thái
Phụ huynh chờ xin học cho con (Ảnh minh họa)
|
Trả lời báo chí về vấn đề "chọn trường", "chạy trường" đầu các cấp học, ông Nguyễn Hiệp Thống – Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh: Việc học trái tuyến không những gây mệt mỏi cho HS và gia đình mà còn gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý, từ việc góp phần làm ùn tắc giao thông, xáo trộn quy hoạch trường lớp, giáo viên, phân bổ kinh phí và thậm chí làm ảnh hưởng cả đến những em HS đang học đúng tuyến vì lớp trở nên đông hơn, sự quan tâm của giáo viên đến từng HS vì thế sẽ bị giảm đi.
Toàn xã hội và ngay chính bản thân các bậc phụ huynh, những người trong cuộc cần có sự đánh giá đúng và nhìn nhận khách quan, chính xác về việc cho con em mình học ở trường nào. Nhiều giáo viên và những hiệu trưởng có kinh nghiệm chỉ ra rằng tại những trường có quy mô nhỏ, sĩ số HS/lớp ít thì giáo viên có thể quan tâm đến từng HS, khác hẳn ở những lớp chen chúc đến trên 50 HS, lại ngồi trong những phòng chỉ thiết kế cho 35-40 HS. Rõ ràng là không phải cứ vào được trường vừa ý là mọi HS đều học giỏi mà điều căn bản là khả năng, ý thức của HS và sự quan tâm của giáo viên, của phụ huynh với việc rèn luyện các cháu. Đừng vì hiệu ứng về “trường điểm”, “lớp chọn” mà phải mất thời gian tiền bạc “oan” cho một số người “môi giới” hứa hẹn xin cho con theo học trái tuyến.
* Quy định về tuyển sinh đầu cấp:
Hà Nội: – Các trường chỉ được phép tuyển sinh từ ngày 1/7 đến ngày 15/7. Sau ngày 15/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao phải báo cáo với Phòng GD – ĐT và căn cứ vào tình hình cụ thể UBND quận huyện, Phòng GD – ĐT cho phép trường được tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu từ ngày 17/7 đến ngày 20/7.
Thành phố Hồ Chí Minh:
– Việc tuyển sinh lớp lá 5 tuổi bắt đầu tổ chức từ ngày 1-7-2011 và công bố danh sách trước ngày 15-7-2011.
– Việc tuyển sinh lớp 1 bắt đầu tổ chức từ ngày 1-7-2011 và công bố danh sách trước ngày 31-7-2011. – Việc tuyển sinh lớp 6 bắt đầu tổ chức vào ngày 15-6-2011, công bố danh sách trước ngày 15-7-2011. |
Theo Bảo Minh
(GD&TĐ)
Bình luận (0)