Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, dù dịch Covid-19 diễn biến khó lường nhưng để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án metro trên địa bàn, các tư vấn, nhà thầu vẫn làm việc không ngừng. Hiện, dự án xây dựng tuyến metro số 1 đã đạt 85% khối lượng và dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đã sẵn sàng để khởi công vào cuối năm nay.
Người dân, doanh nghiệp ủng hộ
Hiện, dọc theo hướng tuyến metro số 2 đi qua, nhất là khu vực quận 10, Tân Bình, gần 99% nhà dân nằm trong diện phải di dời để thực hiện dự án đã bàn giao mặt bằng cho cơ quan chức năng.
Theo đánh giá của nhiều cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án này, gần như trên địa bàn thành phố chưa có dự án nào mà công tác giải phóng mặt bằng lại nhanh như vậy. Ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TPHCM, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương thì yếu tố quyết định đến tiến độ này là sự ủng hộ của người dân.
Theo MAUR, dự án xây dựng tuyến metro số 2 đi qua địa bàn của 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thực hiện 251.136m2. Hiện các quận này đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường (601/603 trường hợp, đạt 99,67%).
Tỷ lệ bàn giao mặt bằng toàn tuyến đã đạt 78,61% (474/603 trường hợp). Trong đó, quận Tân Bình đã bàn giao mặt bằng để xây dựng 2 nhà ga (S10 – Phạm Văn Bạch; S11 – Tân Bình), quận Tân Phú bàn giao mặt bằng 3 nhà ga (S9 – Bà Quẹo; S10 – Phạm Văn Bạch; S11 – Tân Bình) và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương, quận 10 đã bàn giao mặt bằng 2 nhà ga (S3 – Dân Chủ; S5 – Lê Thị Riêng), quận 12 đang lập hồ sơ bàn giao đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương.
Tuy nhiên, cũng phải nói công tác giải phóng mặt bằng từ đầu năm đến nay chậm lại và chỉ tăng thêm 2,66%, do các quận phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bồi thường. Trong đó, ở quận 3 hệ số giá đất đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Về tiến độ di dời các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, đến nay, MAUR đã hoàn tất việc ký kết biên bản ghi nhớ với hầu hết đơn vị, doanh nghiệp – chủ sở hữu hạ tầng kỹ thuật. MAUR cũng tổ chức đấu thầu và tuyển chọn được các tư vấn thiết kế bản vẽ thi công di dời và tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án.
Hiện tại các tư vấn đang thực hiện công tác thiết kế theo hợp đồng, trong tháng 6 và tháng 7 này sẽ hoàn thành công tác thiết kế, trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt. Đồng thời MAUR cũng đang kiến nghị UBND TPHCM thành lập Hội đồng thẩm định thiết kế các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để thuận lợi hơn trong công tác phối hợp và đẩy nhanh tiến độ thẩm tra phê duyệt các thiết kế.
6 tuyến metro đang được chuẩn bị thực hiện
Tuyến metro số 3A: Bến Thành – Depot Tân Kiên dài 19,8km. Tuyến 3B: Ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước (2,2km). Tuyến số 4A: Thạnh Xuân (quận 12) – Khu đô thị Hiệp Phước (35,75 km). Tuyến 4B: Ga Công viên Gia Định – Ga Lăng Cha Cả (3,2km). Tuyến số 5: Cầu Sài Gòn – Bến xe Cần Giuộc (23,39km). Tuyến số 6: Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm (6,8km). |
Khẩn trương thu xếp nguồn vốn
Với tiến độ như trên, MAUR tự tin trong năm nay sẽ hoàn thành công tác đấu thầu thi công và khởi công thi công một số hạng mục di dời – tái lập hạ tầng kỹ thuật. Hiện MAUR đang tiến hành lập và thẩm định dự toán các gói thầu thi công chính của dự án theo quy định trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Song song đó, làm việc với nhà tài trợ (KfW) để hoàn thiện điều khoản tham chiếu và hồ sơ mời thầu tư vấn thực hiện công tác kiểm soát dự án và giám sát thi công. Từ nay đến cuối năm, phát hành hồ sơ mời thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn.
Người dân sống trên đường CMT8, quận 10 đã giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công.
Để thu xếp vốn cho dự án, UBND TPHCM đã gửi Bộ Tài chính hồ sơ và cũng đã cung cấp các giải trình bổ sung để bộ thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách TPHCM.
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục thẩm định vay lại, xác định cơ chế tài chính, đàm phán các hiệp định vay, ký kết hợp đồng cho vay lại của dự án và hướng dẫn UBND TPHCM triển khai thực hiện. Việc thẩm định cho vay lại này là cơ sở để thực hiện các thủ tục tiếp theo như thẩm định khoản vay, đàm phán ký kết hiệp định vay với ADB và KfW.
Đồng thời, UBND TPHCM cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc gia hạn khoản vay hiện tại của KfW cho dự án và làm việc về khoản vay mới cho dự án. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xem xét hồ sơ liên quan đến công tác thu xếp vốn vay nước ngoài cho dự án.
Đánh giá chung về tiến độ thực hiện tuyến metro số 2, MAUR cho rằng, đến thời điểm hiện tại những khó khăn lớn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng cơ bản đã được tháo gỡ, đặc biệt là những khó khăn liên quan đến thủ tục, vốn. Việc cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách tích cực để đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhằm sớm đưa dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương vào thi công được xem là chưa có tiền lệ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như thời gian qua.
Dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng huy động từ nguồn vốn ODA và vốn đối ứng của TPHCM. Tuyến dài 11,3km (9,3km đi ngầm và 2km đi trên cao) với 11 nhà ga (10 ga ngầm và 1 ga trên cao). Depot Tham Lương đặt tại quận 12 với diện tích 25ha (dùng chung cho tuyến metro số 6). Dự án gồm 8 gói thầu chính: Gói thầu CP0 (di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật); Gói thầu CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương); Gói thầu CP2 (hạ tầng cơ sở Depot Tham Lương); Gói thầu CP3 (gồm CP3a và CP3b – xây dựng đường hầm và các ga ngầm); Gói thầu CP4 (xây dựng cầu cạn, nhà ga trên cao, kết cấu chuyển tiếp và đường dẫn vào depot); Gói thầu CP5 (cơ và điện hệ thống); Gói thầu CP6 (công trình đường ray); Gói thầu CP7 (cơ và điện phi hệ thống). Thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2026. Bên cạnh tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên thì dự án này đang được đông đảo người dân thành phố mong đợi.
|
QUỐC HÙNG (theo SGGP)
Bình luận (0)