Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Tuyển người… “chat” đêm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Để thúc đẩy kinh doanh, một số doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách xây dựng một kênh giao tiếp liên tục “suốt ngày đêm” với khách hàng. Và “chat” trở thành giải pháp được nhiều nơi lựa chọn.

Các siêu thị điện máy đã sẵn sàng tư vấn qua chat. Ảnh: H.P

Công việc lạ!

Hơn một năm trở lại đây, bên cạnh những kênh tư vấn, chăm sóc khách hàng như điện thoại, gửi e-mail…, hầu hết các siêu thị điện máy trực tuyến, các website kinh doanh đồ điện tử quy mô từ nhỏ tới lớn đều tích hợp thêm tính năng "chat" (tán gẫu, nhắn tin tức thời trực tuyến) nhằm mở rộng khả năng tương tác, hỗ trợ trực tuyến với khách hàng. Có thể kể đến một số trang web thương mại như của Pico, hchomecenter, techland… Cũng trong thời gian gần đây, trên các trang thông tin rao vặt tìm việc làm như muaban.net… đã xuất hiện thông tin cần tuyển người làm công việc tư vấn sẵn sàng ngồi “chat” với khách hàng.

Trang muaban.net hiện đang đăng thông tin rao vặt cần tuyển nhân viên gửi e-mail, chat với khách hàng cho Tổng công ty hàng không Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đối tượng từ 18 – 50 tuổi, có thể làm việc 7 tiếng một ngày (hưởng lương 3 triệu đồng) và làm 3 tiếng một ngày (lương 1,5 triệu). Sau khi nhận thông tin về khách hàng thì có thể mang về nhà làm online. Cũng theo nội dung quảng cáo, người lao động làm công việc này còn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tại hội thảo về thương mại điện tử do Bộ Công thương tổ chức mới đây, trao đổi về các công cụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, ý kiến của một số chuyên gia đã khẳng định, trong các phương tiện như e-mail, gọi điện thoại… thì kênh giao tiếp tương tác trực tuyến như “chat Yahoo” (nhắn tin trực tuyến sử dụng chương trình của Yahoo) đang tỏ rõ là một phương tiện hữu hiệu. Theo nhận định của bà Thu Hằng – Giám đốc công ty cung ứng nhân lực Nguyễn Hà (Hà Nội), hiện nay những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhân lực vào vị trí như vậy không nhiều, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, đặt trong sự phát triển chung của xã hội thì có lẽ không lâu nữa đây sẽ là xu hướng phổ biến của các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, ứng dụng mạnh thương mại điện tử tại Việt Nam.

Nhu cầu chưa nhiều

Chăm sóc, tư vấn khách hàng chu đáo – điều đó cũng đồng nghĩa với việc uy tín của doanh nghiệp sẽ được tăng thêm, tuy nhiên, dù dịch vụ có vẻ như đã rất sẵn sàng nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo BĐVN, hiện các trang web chưa khai thác triệt để tiện ích. Tại các website thương mại, phần lớn công việc này đều do những người quản lý các nhóm hàng của doanh nghiệp kiêm nhiệm, chưa đi vào chuyên nghiệp như bố trí hẳn một nhân viên chuyên trách nên dẫn đến chuyện khi online, khi thì không, rất thất thường.

Như trường hợp của pico.vn lúc 14h ngày 29/10 (tức là ngay trong giờ làm việc) thì khu vực chăm sóc khách hàng để chế độ “Not Online”… tối thui, không thấy “sáng đèn” để khách hàng có thể tiện vào trao đổi. Rồi Techland cũng trong tình trạng tương tự với chế độ “Not Online” của nhân viên bán hàng và kỹ thuật viên.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong khi tại Việt Nam – các doanh nghiệp mới đang dần để ý đến chuyện hỗ trợ tư vấn khách hàng qua công cụ “chat” thì ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhiều doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đã ứng dụng mạnh công cụ này, trong đó có cả việc bố trí nhân viên tư vấn dịch vụ trực bằng công cụ chat YahooMessenger đến đêm khuya. Vậy cần chăng, các doanh nghiệp Việt Nam nên đi theo hướng này, tức là tuyển nhân viên chăm sóc khách hàng ngoài giờ hành chính (từ 18 giờ đến 22 giờ đêm) để đẩy mạnh công tác hỗ trợ, chăm sóc cho khách hàng chỉ có thời gian rảnh rỗi lên mạng tìm hiểu thông tin sản phẩm trong khoảng giờ này?

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Quang Đức – Phụ trách Truyền thông của hệ thống siêu thị điện máy Pico, chuyện bố trí nhân viên chăm sóc khách hàng qua “chat” trong khung thời gian trên có lẽ còn là… tương lai xa đối với Việt Nam. “Hiện nay trên website của Pico, hầu hết các “gian hàng” đều tích hợp tiện ích “chat” để người bán có thể trao đổi trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, qua một thời gian ứng dụng công cụ này chúng tôi nhận thấy khách hàng với tâm lý và thói quen mua sắm thông thường vẫn chủ yếu cần được tư vấn trực tiếp qua điện thoại cho… nhanh chóng, chứ chưa để ý nhiều đến công cụ “chat”, ông Đức khẳng định.

Một số chuyên gia đã khẳng định, trong các phương tiện để chăm sóc khách hàng như e-mail, gọi điện thoại… thì kênh giao tiếp tương tác trực tuyến như “chat Yahoo” (nhắn tin trực tuyến sử dụng chương trình của Yahoo) đang tỏ rõ là một phương tiện hữu hiệu.

H.P (Theo Dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)