Tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, đội tuyển bóng đá Brazil sẽ đến thi đấu với các tuyển thủ Việt Nam trên sân Mỹ Đình vào ngày 1-8 tới đây. Các ngôi sao sáng chói như Ronaldinho, Robinho, Pato, Diego… lần đầu tiên đến Việt Nam thi đấu chắc chắn sẽ làm nức lòng giới hâm mộ. Đây cũng là cơ hội giúp các cầu thủ Việt Nam có thêm kinh nghiệm “trận mạc” khi được “chạm trán” với một đội tuyển “danh giá” trong làng bóng đá như Brazil.
Đó quả thực là tin vui của làng bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, chính vì là tuyển hàng “sao” cho nên VFF đã phải chi cho Olympic Brazil lệ phí ra sân (chưa kể chi phí đi lại, ăn ở) ít nhất cũng phải tới 300.000 EURO, gần nửa triệu USD, tức tương đương khoảng 8,5 tỷ đồng Việt Nam. Cùng với nhiều chi phí khác, chắc chắn VFF bỏ ra không dưới 10 tỷ cho sự kiện thể thao đặc biệt này. Phải mất một khoản tiền quá lớn như vậy cho một trận cầu giao hữu diễn ra trong 2 giờ, trong thời buổi khó khăn như hiện nay thì đối với những người dân nghèo như tôi, không khỏi cảm thấy xót ruột.
Không biết tuyển Việt Nam sẽ học tập được gì qua cuộc đọ tài này khi trình độ, đẳng cấp giữa hai đội tuyển quá chênh lệch nhau. Có lẽ đây sẽ chỉ là một buổi trình diễn cho vui. Nhưng dẫu sao Olympic Brazil đến Việt Nam vẫn là sự kiện tích cực: thêm một dịp để quảng bá du lịch Việt Nam, các nhãn hàng tài trợ có dịp phô diễn thương hiệu của mình với công chúng; một số “fan” cuồng nhiệt có dịp nhìn ngắm trực tiếp “thần tượng” bóng đá của mình; đồng thời các cầu thủ bạn có dịp du lịch đến một đất nước giàu truyền thống chống ngoại xâm và các cầu thủ của ta có dịp “lên đời” khi được chạm chân với các ngôi sao thế giới.
Tuy nhà nước không bỏ ngân sách để làm việc này, nhưng như trên đã nói, người nghèo vẫn thấy xót của khi VFF phải vất vả mời mọc, tổ chức công phu và nhà tài trợ phải bỏ ra cả chục tỷ đồng cho một sự kiện chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ. Trong bối cảnh các năm gần đây VFF và các tuyển thủ Việt Nam có quá nhiều tai tiếng, nhiều người tự hỏi có cần thiết phải làm như vậy không?
Giá như VFF dành số tiền ấy cho việc đào tạo nghiệp vụ trong vài ba năm ở các trường năng khiếu bóng đá, thì sẽ có lợi nhiều hơn. Đương nhiên, nếu âm thầm thực hiện thì khó tìm kiếm được tài trợ. Nhưng với thế mạnh của mình,VFF, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Bộ GD-ĐT thừa sức tạo ra các sự kiện không kém “hoành tráng” để các nhà tài trợ hăng hái “nhảy vào”. Số tiền mà các nhãn hàng tài trợ chắc cũng không dừng lại bấy nhiêu. Cần phải phát triển bóng đá học đường, vì nền giáo dục của chúng ta đã được phổ cập đến tất cả các đối tượng thanh thiếu niên. Các trường năng khiếu bóng đá đang rất thiếu điều kiện đào tạo nghiệp vụ chuyên môn. Phải có điều kiện sân bãi và chuyên gia “xịn”, các trường này mới đào tạo được các thế hệ cầu thủ “vàng” thực sự – xét ở nhiều khía cạnh như thể lực, kỹ thuật, đạo đức, văn hóa ngang tầm khu vực – cho đất nước.
QUANG ĐỨC
Bình luận (0)