Thi tuyển hay xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm 2021 tại TP.HCM trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay là câu chuyện cần phải tính toán kỹ. Nhiều chuyên gia giáo dục nhìn nhận, việc xét tuyển chỉ nên được xem là phương án cuối cùng song cũng cần chủ động tính toán, đặc biệt khi dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng TP.HCM cần chủ động xây dựng thêm phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay (ảnh minh họa)
Chỉ có thi tuyển mới tạo ra sự công bằng
TP.HCM là địa phương chịu áp lực về tuyển sinh lớp 10 THPT công lập lớn thứ 2 cả nước, sau Hà Nội. Năm 2021, toàn thành phố có 83.599 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10; trong đó 75.902 học sinh thi vào lớp 10 THPT thường, 6.722 học sinh thi chuyên và 975 học sinh thi tích hợp. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập năm 2021 của thành phố là 67.989 học sinh.
Trừ mức chọi trong trường chuyên, thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy năm nay các trường THPT tốp đầu như Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình); Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3); Gia Định (Q.Bình Thạnh); Bùi Thị Xuân (Q.1)… tiếp tục có tỷ lệ chọi cao, dao động 1 chọi 3 (1:3). Từ con số này, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định rất khó để có thể xét tuyển đảm bảo khách quan, công bằng nhất cho học sinh vào lớp 10 THPT công lập dựa trên nguyện vọng mà các em đăng ký. “Các tiêu chí xét tuyển vào trường cứ cho là dựa vào kết quả học tập của học sinh ở bậc THCS; ở 3 môn văn, toán, tiếng Anh; tính toán thêm đến yếu tố đi lại của học sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp có quá nhiều học sinh cùng có kết quả học tập như nhau thì việc xét tuyển cũng sẽ gặp khó bởi khi đó lại cần đưa ra thêm các tiêu chí phụ, sàng lọc…”, vị cán bộ trên cho biết.
Đặc biệt, theo vị cán bộ này, các trường THPT tốp đầu sẽ càng khó xét tuyển nếu chỉ dựa vào nguyện vọng 1 hay thậm chí là đưa ra các tiêu chí riêng biệt của từng trường. Cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) cũng cho rằng việc xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập sẽ rất khó vì quá nhiều học sinh cùng chung nguyện vọng vào một trường. Nếu xét tuyển chỉ dựa vào kết quả học tập của học sinh cũng chưa chắc đã có sự công bằng, ngoài ra còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của trường THPT… “Có thể tổ chức thi muộn nhưng vẫn phải thi bởi đây là bước ngoặt quan trọng cho nhiều học sinh. Mức độ “tốp” giữa các trường THPT cũng ở mức khác nhau nên chỉ có thi tuyển mới tạo ra sự công bằng”, cô Trang nói. Bên cạnh đó, cô Trang cho biết thêm, đến thời điểm này học sinh lớp 9 đã có quá trình ôn tập nghiêm túc, đặt rất nhiều kỳ vọng, phấn đấu để đạt được mục tiêu đậu vào nguyện vọng 1. Vì vậy, dù muộn, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại TP.HCM vẫn cần được tổ chức, chỉ có việc thi mới đủ sức để phân hóa học sinh, chọn lựa được những em học giỏi vào các trường THPT tốp đầu.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, trong đề xuất về việc hoãn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2021, ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cũng nhấn mạnh, thành phố vẫn phải tổ chức kỳ thi vì rất nhiều học sinh có nguyện vọng cùng một trường.
Cần tính toán thêm phương án
TP.HCM từng có thời gian áp dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở một số địa phương nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh trong địa bàn. Tuy nhiên, nhìn lại hiệu quả của hình thức xét tuyển này, lãnh đạo nhiều trường THPT cho biết “cực kỳ bất cập” bởi các tiêu chí riêng phải đưa ra xét tuyển, nhất là đối với các trường THPT tốp đầu. “Giả sử như Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, chỉ tính riêng nguyện vọng 1 đã có kết quả là 1:3,3. Học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường này đều có lực học giỏi, hạnh kiểm tốt. Nếu xét tuyển bằng kết quả học bạ sẽ rất khó cho nhà trường. Đấy là còn chưa kể số lượng lớn học sinh đặt trường làm nguyện vọng 2, tức là các em cũng có mong muốn vào trường. Như vậy cực kỳ khó để đảm bảo khách quan, công bằng, công tâm cho học sinh khi thực hiện xét tuyển. Đó là chưa kể việc xét tuyển sẽ phủ nhận những nỗ lực của học sinh trong quá trình ôn tập”, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Tân Bình phân tích.
Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, có tỉnh đã áp dụng hình thức xét tuyển. Tuy nhiên, với TP.HCM thì việc xét tuyển là cực kỳ khó. “TP.HCM có số lượng học sinh thi tuyển quá đông, sự chênh lệch giữa chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng học sinh đăng ký dự thi cũng cao – có khoảng trên 15 ngàn học sinh không trúng tuyển. Do vậy, nếu xét tuyển sẽ rất khó đảm bảo công bằng, khách quan, thậm chí là gây xáo trộn tâm lý học sinh, phụ huynh và xã hội”, ông Ngai nhìn nhận.
Theo ông Ngai, trước đây TP.HCM đã từng triển khai phương án xét tuyển nhằm giảm áp lực cho học sinh, áp dụng tại một số khu vực ngoại thành – nơi có nhiều trường lớp có thể tuyển hầu hết học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn vào lớp 10 công lập. Song, thẳng thắn mà nói thì chất lượng dạy và học có ảnh hưởng. “Với đặc thù TP.HCM thì tổ chức thi tuyển sinh 10 là hợp lý nhất, vì mỗi học sinh chọn 3 nguyện vọng, không quá phụ thuộc địa bàn, nhiều học sinh khá giỏi vẫn muốn chọn tốp trường mà các em yêu thích. Thi tuyển sẽ tạo điều kiện để học sinh chọn trường học đúng khả năng, thúc đẩy các em nỗ lực học tập đạt kết quả tốt”, ông Ngai nhấn mạnh.
Mặc dù thời gian vào năm học mới vẫn còn khá dài, đủ để tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 vào sát thềm năm học mới, song ông Ngai cho rằng không thể lường trước được tình hình dịch bệnh như thế nào, cho nên bên cạnh phương án thi đã được chuẩn bị, ngành GD-ĐT TP.HCM cần tính toán, chuẩn bị phương án xét tuyển hợp lý để chủ động ứng phó với tình hình. Việc xét tuyển cần nêu rõ các tiêu chí để đảm bảo tương đối công bằng: Dựa vào kết quả tốt nghiệp THCS, điểm trung bình 3 môn văn, toán, ngoại ngữ kết hợp cùng một số tiêu chí khác. “Xét tuyển dựa trên kết quả học tập của học sinh cũng có nhiều bất cập. Thực tế, mặc dù dựa vào thông tư đánh giá xếp loại của Bộ GD-ĐT, song khi vận dụng vào đánh giá ở mỗi trường thì mức độ nặng nhẹ sẽ khác nhau, điểm số không đồng đều, gây thiệt thòi cho học sinh. Nếu bắt buộc phải xét tuyển thì ngành GD-ĐT thành phố cần tính toán thật kỹ không chỉ đảm bảo tính công bằng cho học sinh mà còn đảm bảo khách quan ở các trường THPT. Đặc biệt là một khi đã tổ chức thi tuyển thì thi hết, còn xét tuyển là xét tuyển hết chứ không nên kết hợp trường này thi tuyển, trường kia xét tuyển”, ông Ngai chỉ rõ.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)