Ngay khi kỳ thi tuyển sinh 10 tại TP.HCM được dời lại để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa dịch Covid-19, các trường THCS tiếp tục xây dựng kế hoạch ôn tập trong tình hình mới. Việc ôn tập vừa nhằm hệ thống, củng cố lại kiến thức, vừa “hâm nóng” tinh thần, ý thức học tập của học sinh.
Giáo viên Trường THCS Hồng Bàng (Q.5) xây dựng kế hoạch ôn tập trực tuyến cho học sinh lớp 9
“Thử lửa” học sinh
Tại Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), từ đầu tháng 6, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song 19 lớp 9 vẫn liên tục “sáng đèn” trực tuyến vào các buổi sáng thứ hai, thứ tư và thứ sáu trong tuần. Chia sẻ về kế hoạch ôn tập của học sinh trong tình hình mới, thầy Trần Văn Luyện (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết nhà trường kết hợp giữa xây dựng phòng học ảo và lớp học trực tuyến qua 2 phần mềm khác nhau. Trong đó, lớp học ảo đăng tải các bài dạy trực tuyến, video, tài liệu giáo viên sưu tầm phục vụ việc ôn tập cho học sinh; còn tại lớp học trực tuyến, giáo viên củng cố lại các kiến thức cho học sinh trong từng môn thi. “Song song với ôn tập củng cố kiến thức, nhà trường cũng soạn các đề thi thử để học sinh thử sức mình. Ngoài ra, giáo viên còn thiết kế các bài tập nhỏ, bài kiểm tra nhỏ hướng dẫn học sinh rèn kỹ năng làm bài. Thời điểm này quan trọng nhất là duy trì các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh để “hâm nóng” tinh thần, ý thức tự học của các em trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp”, thầy Luyện chia sẻ.
Xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 phù hợp với tình hình mới cũng được Trường THCS Minh Đức (Q.1) triển khai, sắp xếp hợp lý ở 3 môn văn, toán và ngoại ngữ. Theo đó, các buổi sáng thứ hai, thứ tư và thứ sáu, từ 8 giờ đến 10 giờ là khoảng thời gian học sinh ôn tập trực tuyến 3 môn thi tuyển sinh 10. Còn các buổi sáng thứ ba, thứ năm và thứ bảy là khung thời gian học sinh tự chọn để củng cố thêm kiến thức. Ngoài ra, nhà trường cũng bố trí tiết sinh hoạt chủ nhiệm trực tuyến vào chiều thứ sáu hàng tuần để giáo viên chủ nhiệm lớp 9 nắm tình hình ôn tập, tâm lý của học sinh. “Khi học trực tuyến tại nhà, nhất là trong khoảng thời gian đặc biệt này, học sinh rất cần sự động viên, chia sẻ kịp thời từ giáo viên chủ nhiệm. Kiến thức thì đã ôn luyện suốt năm học rồi, bây giờ đôi khi thầy trò chỉ động viên nhau giữ sức khỏe, cố gắng nỗ lực duy trì tinh thần học tập, cập nhật tình hình dịch bệnh để nhắc nhở nhau”, cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng nhà trường) bày tỏ.
Trong khi đó, trước khi xây dựng kế hoạch ôn tập trong tình hình mới, Trường THCS Trần Quốc Toản 2 (TP.Thủ Đức) đã tổ chức cho học sinh lớp 9 làm bài thi thử trực tuyến để không chỉ “thử lửa”, rèn tâm lý phòng thi, trang bị kỹ năng sắp xếp thời gian làm bài mà từ kết quả bài thi trên giúp giáo viên thống kê, đánh giá lại năng lực học tập của học sinh, rút kinh nghiệm cho kế hoạch ôn tập mới. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, từ năng lực học sinh ở thời điểm này, giáo viên bộ môn văn, toán và ngoại ngữ một lần nữa sắp xếp lại các nhóm đối tượng học sinh để việc ôn tập được hiệu quả. “Mỗi tuần, giáo viên bộ môn văn, toán và ngoại ngữ đều có một buổi (thời gian 2 tiếng) ôn tập trực tuyến cho học sinh. Ở từng bộ môn, giáo viên vừa củng cố lại kiến thức, vừa rèn cho học sinh kỹ năng làm bài các dạng đề quen thuộc. Học sinh còn yếu ở phần kiến thức nào, giáo viên chú trọng hơn ở phần đó…”, cô Hằng cho biết.
“Trực chiến” giải đáp các thắc mắc của học sinh, phụ huynh
Theo đại diện nhiều trường THCS, băn khoăn lớn nhất của học sinh và phụ huynh ở thời điểm này là “Khi nào thì kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ diễn ra?”. Vì vậy, ngoài ôn tập kiến thức thì việc kịp thời động viên tinh thần cho học sinh và phụ huynh cũng là vấn đề được các trường hết sức chú trọng. Thậm chí lãnh đạo nhiều trường còn “trực chiến” trả lời các thắc mắc để ổn định tâm lý học sinh và phụ huynh. “Phụ huynh và học sinh thường xuyên nhắn tin, điện thoại hỏi khi nào thì kỳ thi diễn ra. Điện thoại tôi lúc nào cũng phải để chế độ chuông, nhận được tin nhắn, điện thoại của phụ huynh và học sinh về vấn đề này là phải trả lời liền. Khi phụ huynh và học sinh hỏi như vậy thực ra là họ đang rất sốt ruột”, thầy Nguyễn Thành Phát (Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng, Q.10) chia sẻ. Trước những câu hỏi xung quanh kỳ thi, thầy Phát cho hay ông chỉ biết trả lời rằng phụ huynh không nên quá quan tâm đến thời gian khi nào kỳ thi diễn ra mà hãy đồng hành cùng học sinh, đồng hành cùng nhà trường động viên các em chuyên tâm ôn tập, rèn luyện giữ gìn sức khỏe để sẵn sàng nhất khi kỳ thi diễn ra. Nếu quá quan tâm vào thời gian thi sẽ khiến học sinh và phụ huynh hoang mang, sốt ruột. Thay vào đó hãy chuẩn bị tinh thần chủ động, kỹ năng khai thác kiến thức, đảm bảo sức khỏe tốt… “Không chỉ hiệu trưởng “trực chiến” tư vấn tâm lý cho học sinh và phụ huynh mà mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp 9 cũng thường xuyên sinh hoạt lớp, điểm danh học sinh, liên lạc với phụ huynh về tình hình học tập của các em trong thời gian này. Hiện nhà trường đã đưa các bài ôn tập ở 3 môn thi tuyển sinh lên trang web trường. Mỗi tuần, mỗi môn thi sẽ có ít nhất 4 tiết ôn tập trực tuyến, giải đáp các bài tập cho học sinh. Thời gian dù không còn nhiều nhưng nếu học sinh biết tận dụng hiệu quả vẫn sẽ bứt phá đạt kết quả tốt”, thầy Phát nói.
“Bao giờ sẽ thi, thi hay xét tuyển…” là những câu hỏi mà phụ huynh và học sinh Trường THCS Hồng Bàng đặt ra cho lãnh đạo nhà trường. Thầy Trần Văn Luyện cho hay với những câu hỏi này, lãnh đạo nhà trường chỉ có thể động viên học sinh và phụ huynh an tâm ôn tập, giữ mối liên hệ thường xuyên với nhà trường và giáo viên để có thông tin kịp thời, đúng đắn nhất. “Nhiều phụ huynh tâm sự, đọc ở đây thông tin thế này, thế kia nên rất hoang mang. Thực ra thông tin chính thống nhất mà phụ huynh nên cập nhật đó là từ giáo viên chủ nhiệm, từ nhà trường và trang web của Sở GD-ĐT. Còn trong tình hình hiện nay, phụ huynh cần phải theo sát việc tự học của con mình, làm sao “hâm nóng” tinh thần học tập của con, giữ chân con ở nhà trong mùa dịch… Các thông tin về kỳ thi, nhà trường và giáo viên có trách nhiệm cung cấp cho phụ huynh và học sinh sớm nhất”, thầy Luyện cho biết.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng cũng bày tỏ, nhiều phụ huynh vì quá lo lắng nên nhắn tin, điện thoại mỗi ngày hỏi về kỳ thi. Đa số ý kiến của phụ huynh đều mong muốn kỳ thi được tổ chức trong thời gian tới. Hiểu được những lo lắng của phụ huynh, nhà trường sắp xếp các tiết sinh hoạt chủ nhiệm để giáo viên trò chuyện với học sinh. Một số học sinh cần được hỗ trợ tâm lý nhiều hơn để các em không bị xuống tinh thần học tập. “Khi tự học ở nhà thời điểm này, rất ít học sinh có tính tự giác, ba mẹ chỉ cần lơ là một chút là các em dễ dàng bị cuốn vào game, Facebook. Vì vậy, phụ huynh cần thực sự sát sao với học sinh, động viên các em tận dụng khoảng thời gian này để ôn tập nhằm đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh”, cô Hằng chia sẻ.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)