Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh 2009: Những ngành đắt giá

Tạp Chí Giáo Dục

Dự báo mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tới, ngành công nghệ vẫn giữ "phong độ", kỹ thuật sẽ tăng, còn khối nông – lâm – ngư sẽ "lên ngôi". Trong khi đó, Y – dược vẫn được xem là ngành đỉnh cao…

Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin ngày càng tăng cao – Ảnh: Đ.N.T (Thanh Niên).

Chọn ngành học nào để vừa dễ đậu, lại vừa kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp? Đó là băn khoăn của không ít thí sinh (TS) khi mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay đang đến gần.

Chúng tôi đã thống kê, phân tích những số liệu có giá trị và lấy ý kiến của các chuyên gia tuyển sinh xung quanh vấn đề này nhằm cung cấp cho TS những thông tin hữu ích khi lựa chọn ngành nghề để dự thi.

Kinh tế có còn chiếm ưu thế?

Trong những năm gần đây, xu hướng đăng ký dự thi của TS thường tập trung vào một số ngành nghề đang dễ kiếm việc làm như kinh tế, tài chính. Đặc biệt, niên khóa 2007 – 2008, ngành học này được rất đông TS lựa chọn.

Tại các trường ĐH có đào tạo ngành kinh tế, số TS đăng ký ngành học này đạt tỷ lệ cao. Do đó, điểm chuẩn ngành kinh tế của các trường ĐH đều ở mức khoảng 21 – 24 điểm như: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, Học viện Tài chính, khoa Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thương mại…

Theo nhận định của một số chuyên gia tuyển sinh, năm nay nhu cầu đào tạo ngành kinh tế, tài chính vẫn không thay đổi do nguồn cung hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến năm 2010, nhu cầu nhân lực cho các lĩnh vực  bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá là khoảng 13.500 người. Do nhu cầu tăng, ngành học này vẫn có thể được nhiều TS lựa chọn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hiện có rất nhiều trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành tài chính – ngân hàng với quy mô đào tạo tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của  Bộ GD-ĐT, số sinh viên theo học ngành tài chính – ngân hàng thường chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số sinh viên theo học ĐH, CĐ.

Ví dụ: năm học 2006 – 2007, số sinh viên theo học ngành này chiếm tới 27,32%. Hiện mỗi năm có khoảng 76.000 sinh viên hệ ĐH và 48.000 sinh viên hệ CĐ tốt nghiệp ngành này.

Việc số sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng cũng sẽ tạo áp lực khi tìm việc, bởi các doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng tuyển dụng cũng như đưa ra những yêu cầu cao hơn.

Ngành công nghệ vẫn giữ "phong độ"

Xu hướng TS chọn ngành công nghệ để dự thi thời gian qua vẫn khá phổ biến, do đây là ngành học được nhận định là mũi nhọn trong thời kỳ kinh tế tri thức. Tuy nhiên, không phải cứ học công nghệ là có việc làm vì đây là một ngành học khó, yêu cầu người học phải đạt đến trình độ cao.

Ví dụ: ngành công nghệ thông tin hiện đang rất thiếu nhân lực nhưng tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cũng khá cao do không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, từ năm 2001 – 2007, các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin tại TP.HCM đã đào tạo được 213.000 người, nhưng chỉ sử dụng được 20.100 người (tỷ lệ 9,4%).

Trong đó, nguồn đào tạo của bậc ĐH được sử dụng nhiều nhất: 13.000/15.000 người (87%), bậc CĐ: 3.300/18.000 người (18%). Thấp nhất là các cơ sở đào tạo kỹ thuật viên: dù đào tạo 180.000 người nhưng số lượng theo nghề là 3.800, chỉ chiếm 2%!

Không chỉ có ngành công nghệ thông tin, trong khối ngành công nghệ còn có nhiều ngành khác những năm qua đã thu hút được lượng TS đăng ký vừa đông lại vừa "tinh", khiến điểm chuẩn của những ngành này rất cao như: công nghệ điện tử viễn thông, công nghệ hóa học… Có thể thấy, đây là những ngành vẫn giữ được "phong độ" trong mùa tuyển sinh sắp tới.

Ngành kỹ thuật sẽ tăng

Cũng như ngành kinh tế, đa số TS đăng ký dự thi khối A đều có xu hướng chọn các ngành kỹ thuật. Có thể kể một số tên ngành quen thuộc: điện – điện tử, cơ khí, vật lý kỹ thuật, cơ điện tử, điện công nghiệp… Có lẽ đây là những ngành mà TS thấy có triển vọng về việc làm.

Thực tế, đây là những ngành được đánh giá là chủ lực ở một số địa phương khi thực hiện công nghiệp hóa. Vì vậy, những năm vừa qua các ngành này có mức điểm chuẩn tương đối cao, khoảng 20 điểm.

Điểm đáng chú ý là ngành học này được đào tạo với nhiều chuyên ngành hẹp giúp TS dễ dàng cân nhắc khi khai hồ sơ đăng ký dự thi.

Ví dụ, ngành cơ khí, được các trường đào tạo theo nhiều hướng khác nhau như cơ khí chế tạo (trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM); cơ khí chế tạo máy, cơ khí động lực (trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM); cơ khí nông lâm, cơ khí bảo quản chế biến thực phẩm (trường ĐH Nông Lâm TP.HCM); cơ khí tàu thuyền, cơ khí điện tử (trường ĐH Thủy sản); cơ khí chuyên dùng (trường ĐH Giao thông vận tải)…

Trong nhóm ngành này có một số trường, một số ngành mà điểm chuẩn trong những năm gần đây thường thấp hơn 20 điểm như kỹ thuật địa chất, kỹ thuật nhiệt, trắc địa, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật in, kỹ thuật công nghiệp…

Theo kinh nghiệm của các nhà tuyển sinh thì năm nay số TS đăng ký khối kỹ thuật có khả năng sẽ tăng do lượng TS dự thi khối A sẽ chọn kỹ thuật thay cho kinh tế, một ngành có thể nhận định là nhu cầu đào tạo đã tương đối ổn định.

Khối nông – lâm – ngư lên ngôi

Năm 2008, nhóm ngành học này đã được TS để ý vì đây là ngành học đang thiếu nhân lực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm cần phải đào tạo nghề cho 1 đến 1,1 triệu lao động nông thôn.

Trong giai đoạn từ nay đến 2015 cần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho một số ngành có lợi thế cạnh tranh ở thị trường trong nước và thế giới như: chế biến lúa gạo, rau quả, chè, cà phê, cao su, gỗ, thịt, thủy sản…

Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy ở vùng núi, nông thôn, số TS trúng tuyển ĐH, CĐ chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng dần nhưng số TS vào học các khối nông –  lâm – ngư không nhiều, chỉ chiếm khoảng 4,7%.

Có lẽ do nhận thức được nhu cầu về nhân lực của ngành học này, năm vừa qua một số trường đào tạo nông – lâm – ngư đã thu hút được đông đảo lượng TS đăng ký dự thi. Bằng chứng là tỷ lệ chọi và điểm chuẩn của những ngành thuộc nhóm này đang ngày càng tăng.

Năm 2005, điểm chuẩn của ngành nuôi trồng thủy sản của ĐH Cần Thơ là 19 điểm với tỷ lệ chọi là 1/17,4, trong khi các ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn 3 – 4 điểm.

Năm 2008, trường ĐH Lâm nghiệp cũng bất ngờ với hơn 14.000 bộ hồ sơ đăng ký dự thi, tăng gần 6.000 bộ so với năm trước và nhiều nhất từ trước tới nay, kể cả trong thời kỳ "hoàng kim" của trường (cũng chỉ đạt 11.000 bộ). Do đó điểm chuẩn của trường cũng tăng lên đáng kể, có ngành tăng 2-3 điểm.

Y-dược vẫn là đỉnh cao

Có lẽ, những năm gần đây, TS đều choáng với mức điểm chuẩn vào hai ngành y và dược. Có năm điểm chuẩn trường ĐH Y Hà Nội lấy đến 29 điểm/3 môn. Trường ĐH Dược thường lấy mức điểm chuẩn khoảng 26 điểm.

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cho hai ngành học này có mức điểm chuẩn cao là do đây là ngành đang được ưa chuộng và đang thiếu nhân  lực trầm trọng.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác là do chỉ tiêu vào hai ngành này rất ít, số trường đào tạo lại không nhiều, vì thế số TS muốn vào học phải chen chân qua một cánh cửa hẹp khiến cho điểm chuẩn cứ thế tăng cao.

Thiếu hụt nhân sự công nghệ thông tin

Toàn thế giới hiện đang thiếu khoảng 1,5 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và đến năm 2010 con số này sẽ là 3 triệu. Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành phần mềm ngày càng tăng cao, ước tính giai đoạn 2008-2010 cần 12.000 – 15.000 người/năm; giai đoạn 2011 – 2015 cần từ 20.000 – 25.000 người/năm.

Trong khi đó, quy mô đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của VN hiện chỉ đạt 9.000 – 10.000 người/năm. Nếu chỉ tính số sinh viên tốt nghiệp đạt yêu cầu tuyển dụng thực tế thì còn thấp hơn.

(Theo Hội Tin học TP.HCM)

Theo Vũ Thơ
Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)