Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuyển sinh 2015: Cả trường lẫn thí sinh cùng rối

Tạp Chí Giáo Dục

Thời hạn nhận hồ sơ thi THPT quốc gia 2015 và xét tuyển ĐH-CĐ bắt đầu từ ngày 1-4 nhưng đến thời điểm này nhiều cán bộ phụ trách thu nhận hồ sơ ở các trường THPT và cả thí sinh đều không nắm rõ các thông tin hướng dẫn thu nhận hồ sơ. Trong khi đó, thông tin hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT cũng liên tục cập nhật và bổ sung nên ngay cả cán bộ tuyển sinh cũng không thể nắm bắt kịp thời.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký thi tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ngày 9-4

Lúng túng
Tại buổi tọa đàm “Tập huấn quy trình tuyển sinh – Kỹ năng vào đại học” do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 9-4 cho các sở GD-ĐT và cán bộ thu nhận hồ sơ các trường THPT tại TPHCM, rất nhiều ý kiến được nêu ra xung quanh việc hướng dẫn ghi hồ sơ, thu lệ phí và xử lý hồ sơ. PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, rất nhiều thông tin kỹ thuật liên tục thay đổi khiến chúng tôi còn theo không kịp chứ đừng nói thí sinh. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, thực tế các yếu tố kỹ thuật của kỳ thi như cách ghi hồ sơ, xác định khu vực, đối tượng ưu tiên, mã cụm thi… cán bộ thu nhận hồ sơ ở các trường THPT cần phải hiểu rõ để hướng dẫn cho học sinh. Đơn giản như nếu thí sinh là học sinh THPT ngoài việc thi các môn xét tốt nghiệp, nếu không đánh dấu vào các môn xét tuyển ĐH-CĐ thì thí sinh sẽ không có phiếu điểm để tham gia xét tuyển.
Theo phản ánh của nhiều trường THPT tại TPHCM, thời hạn nhận hồ sơ bắt đầu ngày 1-4 nhưng đến ngày 8-4 các trường mới có hồ sơ cho thí sinh, chậm hết một tuần của thí sinh. Ngoài ra, mọi năm Sở GD-ĐT đều tập huấn trước cho cán bộ thu nhận hồ sơ nhưng năm nay đến thời điểm này những thông tin về mã tỉnh, mã cụm thi, mã trường THPT… đều chưa được tập huấn nên các trường chưa dám nhận hồ sơ.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT gọi tắt là Thông tư 40, quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, phí dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) hướng dẫn chưa rõ ràng khiến nhiều sở lúng túng. Theo quy định, với thí sinh chỉ thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT thì không thu bất cứ khoản phí nào. Tại Điều 3 của thông tư quy định, với thí sinh thi dùng kết quả xét ĐH, CĐ, trung cấp thì mỗi môn thi đóng 35.000 đồng, lệ phí tuyển sinh là 30.000 đồng. Như vậy, với quy định này thì khi thí sinh nộp hồ sơ có đăng ký môn thi để xét ĐH, CĐ, trung cấp thì phải đóng thêm 30.000 đồng/hồ sơ cùng lúc.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo SGGP về quy định này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) lại khẳng định: “Lệ phí tuyển sinh 30.000 đồng/hồ sơ đến tháng 8 khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường mới đóng. Còn hiện nay thí sinh chưa đóng lệ phí tuyển sinh này khi nộp hồ sơ”. Trong khi đó, tại Điều 5 (tổ chức thực hiện) của Thông tư 40 lại hướng dẫn thực hiện theo Điều 3, không hề nói rõ đến tháng 8 mới thu 30.000 đồng/hồ sơ.
Cùng tháo gỡ khó khăn
Trước những băn khoăn của 8 cụm thi tại TPHCM, ngày 9-4, cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Sở GD-ĐT TPHCM họp bàn phối hợp trong công tác tổ chức cho kỳ thi THPT quốc gia tại TPHCM.
Theo TS Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM: “Buổi họp có đại diện các trường ĐH chủ trì các cụm thi tại TPHCM, lãnh đạo các sở GD-ĐT các tỉnh có thí sinh dự thi tại TPHCM. Đây là buổi họp đầu tiên mà Bộ GD-ĐT tổ chức để giải quyết những băn khoăn, tổ chức tốt cho kỳ thi”. Cũng theo TS Hà Hữu Phúc, tại cuộc họp các bên đã giải tỏa được nhiều lo lắng trong khâu kỹ thuật tổ chức. Sở GD-ĐT TPHCM cam kết sẽ hỗ trợ và lo tốt công tác tổ chức, địa điểm thi cho thí sinh các tỉnh về TP dự thi. Về khâu chấm thi các môn tự luận, đại diện các sở GD-ĐT cũng nhất trí nếu cần giáo viên chấm thi, các sở sẽ phối hợp điều động giáo viên tham gia chấm thi cũng như việc lo thù lao chấm thi cho giáo viên. Ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý, TPHCM và Bình Dương không tổ chức cụm thi địa phương. Các tỉnh còn lại có thí sinh thi tại cụm thi TPHCM đều có cụm thi địa phương do sở GD-ĐT chủ trì với lượng thí sinh đăng ký từ 15% – 20%.
Ngoài vấn đề trên, Sở GD-ĐT TPHCM cũng chủ trì phối hợp, báo cáo UBNDTP về các giải pháp về an ninh, điện nước, y tế… để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc.
Trao đổi về việc tại sao nhiều sở GD-ĐT bỏ quên tập huấn các bộ hướng dẫn thu nhận hồ sơ, PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho rằng: “Về phần mềm nhập liệu năm nay hoàn toàn mới nên các sở GD-ĐT tập trung tập huấn, hướng dẫn kỹ hơn. Nếu nhập liệu sai thì rất khó để chỉnh sửa. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lưu ý các sở GD-ĐT tập huấn và hướng dẫn kỹ hơn cho những cán bộ thu nhận hồ sơ để giúp thí sinh khai hồ sơ cho chính xác”. Ngoài ra, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng cũng vừa ban hành Danh mục chuẩn 2015 quy định cụ thể về mã tỉnh, huyện, xã, khu vực ưu tiên… để thí sinh tra cứu thông tin khi làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Thanh Hùng

(SGGP)

Bình luận (0)