Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuyển sinh 2015: “Sáng – tối” từ quy chế

Tạp Chí Giáo Dục

Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015 (gọi tắt quy chế tuyển sinh) vừa được Bộ GD-ĐT công bố khiến hàng triệu người quan tâm thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ những nội dung của quy chế tuyển sinh sát với thực tế, gạt bỏ những “sáng kiến” mơ hồ trong bản dự thảo và trên hết là dễ hiểu và tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, trong thời gian 68 ngày kể từ ngày công bố dự thảo, quy chế tuyển sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ khiến nhiều thí sinh băn khoăn.
Biết lắng nghe
Khi công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đưa ra cụ thể thời gian tiếp thu ý kiến, đóng góp để chỉnh sửa dự thảo trong 45 ngày. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã dành đến 68 ngày để lắng nghe, cân nhắc và thận trọng trước khi chính thức cho ra quy chế.
Đáng nói hơn, đích thân thủ lĩnh ngành giáo dục Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trực tiếp lắng nghe những ý kiến đóng góp xác đáng, những kiến nghị rất thực tế từ hàng trăm thầy cô giáo, nhà quản lý trong buổi tọa đàm được tổ chức vào cuối tháng 1-2015 tại TPHCM. Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã mạnh dạn gạt những “sáng kiến” phi thực tế của ban soạn thảo, cam kết giữ và bổ sung những ý kiến hợp lý, sát sườn hơn.

Thực tế, quy chế tuyển sinh đã thay đổi nhiều so với dự thảo trước đó với nhiều điểm sáng. Từ băn khoăn và kiến nghị của các trường nên “sáng kiến” thang điểm 20 được hủy bỏ và giữ lại thang điểm 10, cho thí sinh mang Atlat vào phòng thi, điểm liệt từ 2 chuyển thành 1… sẽ giúp giáo viên và học sinh không cảm thấy bỡ ngỡ.

Thí sinh vẫn còn mơ hồ vì Quy chế xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015 còn thiếu nhiều nội dung.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh ĐH-CĐ, ngoài những điểm tích cực trên, nhiều điều chỉnh cũng theo hướng giảm phức tạp về kỹ thuật và tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong quá trình xét tuyển vào các trường. Nếu dự thảo trước đây, việc xét tuyển lần lượt 4 nguyện vọng “cứng” với 4 giấy chứng nhận kết quả thi và yêu cầu trên giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch thì quy chế ban hành đã bỏ mã vạch, 1 nguyện vọng cứng (nguyện vọng 1) và 3 nguyện vọng bổ sung. Sự thay đổi này khá hợp lý vì nó thay cho nguyện vọng đăng ký dự thi vào một trường cụ thể như các năm trước.
Việc cho thí sinh được dùng 3 giấy chứng nhận kết quả thi nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 để nộp vào 3 trường khác nhau, cho thấy ban soạn thảo đã tạo điều kiện nhiều hơn cho thí sinh.

Điểm phức tạp và khiến nhiều trường rối rắm trong khâu xác định điểm ưu tiên (ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực) cũng được ban soạn thảo cập nhật đầy đủ các quy định, nghị định của Chính phủ để thí sinh và các trường dễ dàng đối chiếu để thực hiện.
Nhiều điểm chưa rõ
Dù thận trọng, cân nhắc và điều chỉnh rất nhiều lần, nhưng xen lẫn những điểm “sáng” trong quy chế còn khá nhiều điểm “tối” khiến thí sinh và các trường không khỏi băn khoăn.

Về thời hạn nhận hồ sơ thi THPT Quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT chỉ đưa thời hạn kết thúc (ngày 30-4) mà không có thời hạn bắt đầu nhận hồ sơ. Tương tự, thời hạn nhận hồ sơ và kết thúc các đợt xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng không có trong quy chế. Hiện nay, thí sinh vẫn chưa biết thi ở cụm thi nào. Dù trước đó, ban soạn thảo liên tục thông tin sẽ có 34 cụm thi trên cả nước. Tuy nhiên, trong quy chế tuyển sinh lại bỏ trống những thông tin này.

Điểm tiếp theo đối với thí sinh dự thi liên thông chưa đủ 36 tháng theo Thông tư 55 không biết số phận sẽ ra sao. Năm 2014, những thí sinh này phải tham dự kỳ thi 3 chung. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa biết sẽ thi hay không thi. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hiện nay bộ đang sửa lại Thông tư 55. Khoảng tháng 3 sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những thí sinh thuộc diện này.

Trao đổi về những điểm mà quy chế chưa đề cập đến, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Những thông tin như cụm thi, thời hạn nộp hồ sơ, lịch thi, thời hạn xét tuyển ĐH-CĐ… Bộ sẽ soạn thảo và dự kiến ban hành trong tháng 3-2015 để hướng dẫn cụ thể cho thí sinh và các trường”.
Về cấu trúc đề thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Cấu trúc đề thi sẽ phân hóa theo mức độ từ dễ đến khó để đánh giá năng lực của thí sinh. Nội dung sẽ tập trung vào chương trình lớp 12 cũng như những kiến thức phổ thông. Do đó, thí sinh đừng quá lo lắng về cấu trúc đề thi mà nên tập trung cho việc học và nắm chắc kiến thức các môn học để tập trung tinh thần chuẩn bị vượt qua kỳ thi cho tốt”.

Thực ra Quy chế tuyển sinh năm 2015 chỉ là “bình mới rượu cũ” vì phần lớn là bản Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 được chỉnh sửa và điều chỉnh một số từ ngữ, bổ sung vài nội dung. Lẽ ra dư luận sẽ không quá căng thẳng nếu như không có những phát biểu bất nhất và những “sáng kiến” lạ đời được đưa vào bản dự thảo. Vì vậy, điều mà các trường mong muốn nhất từ nay đến ngày thi và xét tuyển là Bộ GD-ĐT nên gút lại các hướng dẫn cụ thể, thông tin một cách nhất quán, đừng để các trường lẫn thí sinh phải “vừa chạy vừa xếp hàng” theo những thay đổi cập rập của bộ.

THANH HÙNG

(SGGP)

Bình luận (0)