Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh 2021: Cuộc đua khốc liệt tại các trường tốp trên

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều trường đại học, năm nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đều vượt chỉ tiêu xét tuyển. Có những trường đã tuyển xong tới 70-80% chỉ tiêu, nên dự báo đợt xét tuyển tới sẽ là cuộc đua khốc liệt đối với nhiều trường tốp trên.
Ngày 16/9, các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn (ảnh chụp trước ngày 27/4) Ảnh: Diệp An
Ngày 16/9, các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn (ảnh chụp trước ngày 27/4) Ảnh: Diệp An

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo – ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 của các đơn vị trong ĐH Quốc gia Hà Nội sau khi kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng là 129.806, cao gấp 14 lần so với chỉ tiêu. Trong đó, khoa Luật có tỷ lệ chọi cao nhất 1/18, Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn và Trường ĐH Kinh tế cùng có tỷ lệ chọi 1/17. Năm nay là năm thứ 2 Trường ĐH Việt Nhật đào tạo hệ đại học chính quy nên tỷ lệ chọi ở mức thấp nhất 1/8.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay, thống kê đợt đầu cho thấy, số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường tăng gấp rưỡi so với năm 2020, chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp của trường là 3.000, tỷ lệ chọi 1/gần 40. Sau đợt điều chỉnh nguyện vọng, nhà trường chưa nhận được dữ liệu từ Bộ GD&ĐT chuyển về. Tuy nhiên, ông Triệu nhận định sự dịch chuyển sẽ không đáng kể so với đợt đầu.

Từ năm học 2021-2022, chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm chính thức được áp dụng. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm năm 2021 tăng mạnh. Theo dữ liệu của Bộ GD&ĐT, số nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm tăng gấp 2,5 lần so với năm trước. Năm 2020, thí sinh trúng tuyển nhập học các ngành đào tạo giáo viên là gần 36.000, tương đương 61,58% tổng chỉ tiêu. Năm nay, đặt trong bối cảnh COVID-19, tỷ lệ nhập học mong đợi vào ngành sư phạm khoảng 40.000-50.000 sinh viên, đạt 50-60% tổng chỉ tiêu.

Điểm chuẩn vẫn khó lường

Theo kế hoạch, từ ngày 13-15/9, Bộ GD&ĐT, hai nhóm trường miền Nam, miền Bắc sẽ tổ chức lọc ảo xét tuyển đợt 1. Ngày 16/9, các trường ĐH công bố điểm chuẩn. Năm 2021, cả nước có 530.561 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, 14.534 chỉ tiêu CĐ sư phạm mầm non. Bộ GD&ĐT cho biết, đã có 78.173 thí sinh xác nhận nhập học được các trường cập nhật lên hệ thống, tăng khoảng 5.000 em so với năm 2020. Số thí sinh này sẽ bị loại khỏi dữ liệu các trường tải về xét tuyển để tránh ảo. Số chỉ tiêu tuyển sinh ĐH dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn còn khá lớn -hơn 450.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa các trường không giống nhau. Đối với Trường ĐH Ngoại thương, chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT của cả 3 cơ sở là 1.200/3.990 chỉ tiêu, tức chỉ còn 30%. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân còn 50% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội còn 80%.

TS Lương Thanh Tâm, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, cho rằng, chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm thu hút thí sinh vào ngành sư phạm, nhất là hiện nay nhiều gia đình gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay tỷ lệ chọi năm nay của trường thuộc tốp cao nhưng giữa các ngành trong trường có sự chênh lệch đáng kể. Những ngành thu hút lượng lớn thí sinh quan tâm là Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Quan hệ công chúng, Báo chí… Trong đó, ngành Hàn Quốc học năm 2020 có điểm chuẩn tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cao nhất nước – 30 điểm. Ông Tuấn nhận định, điểm chuẩn các ngành năm nay không thay đổi nhiều so với năm trước.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nói rằng, theo số liệu thống kê nguyện vọng đăng ký đợt đầu, tỷ lệ chọi vào trường chỉ tính riêng nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất của thí sinh) là 1/4. Ông Vinh nhận định, do tổ hợp tuyển sinh của trường phần lớn là A00 (Toán, Lý, Hóa) nên điểm chuẩn không tăng, còn A01 (Toán, Lý, Anh) có tăng nhưng không đáng kể.

Trước diễn biến dịch bệnh, một số trường ĐH quyết định kéo dài thời gian, chia nhiều đợt xét tuyển để tạo thuận lợi, cơ hội cho thí sinh. Trường ĐH Y khoa Vinh năm nay giữ nguyên các phương án như năm 2020 với 3 phương án xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ và xét tuyển thẳng. Nếu dịch bệnh kéo dài, nhà trường sẽ đưa ra phương án xét tuyển học bạ cho nhiều đợt. Ngành Y khoa và Dược học sẽ không xét tuyển theo hình thức học bạ mà lấy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2021, Trường ĐH Vinh tuyển sinh 6.200 chỉ tiêu cho 58 ngành đào tạo, trong đó có một ngành mới được mở là Khoa học & Dữ liệu thống kê. Năm nay trường thực hiện 5 phương thức xét tuyển, gồm: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét học bạ; xét kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét kết quả kiểm tra năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội; xét tuyển theo môn năng khiếu. Trước diễn biến dịch bệnh, nhà trường chủ động kéo dài kế hoạch tuyển sinh đến ngày 31/12, chia thành nhiều đợt xét tuyển.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)